Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thủ tướng nhắn tin ủng hộ tiền khắc phục bom mìn sau chiến tranh

Mỗi tin nhắn góp 20.000 đồng vào Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, không giới hạn số tin nhắn từ một thuê bao.

Tối 3/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự chương trình giao lưu "Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh" và lễ ra mắt Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 701).

Tại đây, Ban chỉ đạo đã công bố chương trình nhắn tin ủng hộ công tác khắc phục hậu quả bom mìn do cơ quan này phối hợp với Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400); kéo dài trong một tháng từ 9h ngày 31/3 đến 17h ngày 30/4. Người dân nhắn tin với cú pháp BM gửi 1403 sẽ ủng hộ 20.000 đồng cho quỹ khắc phục hậu quả bom mìn; mỗi thuê bao không giới hạn số tin nhắn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều khách mời đã nhắn tin ủng hộ quỹ ngay sau khi chương trình được công bố.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách đảm bảo an toàn cho người dân. Ảnh: VGP

100 năm nữa Việt Nam mới khắc phục hết ô nhiễm bom mìn

Tại chương trình giao lưu, Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn, Tư lệnh Binh chủng công binh đã công bố hiện trạng tồn lưu, ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn một.

Theo đó, tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ tính đến tháng 12/2017 là trên 6,1 triệu ha (chiếm 18,7% diện tích đất cả nước). 63/63 tỉnh, thành trên cả nước đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với mức độ tỉ lệ khác nhau.

Bằng nguồn lực trong nước và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) thực hiện rà phá bom mìn được 1.100 ha đất tại Hà Tĩnh và 32.200 ha tại Quảng Trị. Năm 2018 sẽ triển khai tại Quảng Bình và Bình Định bằng vốn viện trợ của chính phủ Hàn Quốc.

Dự kiến, hơn 100 năm nữa, Việt Nam mới có thể khắc phục hết ô nhiễm bom mìn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã, mang lại bình yên cho cuộc sống.

Theo ông Sơn, tỷ lệ tử vong do bom mìn sau chiến tranh gây ra là rất lớn. Các hoạt động dẫn đến tai nạn bom mìn, vật nổ do việc tìm kiếm phế liệu chiếm gần 32%, chơi đùa nghịch chiếm hơn 27,5%, tiếp đến là hoạt động trồng trọt, chăn nuôi chiếm khoảng 20,3%...

 63 tỉnh, thành ở Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mình với mức độ tỷ lệ khác nhau. Ảnh: Bomicen

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban chỉ đạo 701 nhấn mạnh, cần xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân văn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho người dân; làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bom mìn và chất độc hóa học, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng khẳng định: "Với trách nhiệm của Quân đội, của người lính trong thời bình, chúng tôi cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực này".