Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hệ lụy từ một vụ án dân sự kéo dài 5 năm chưa có hồi kết

Kéo dài hơn 5 năm, từng bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng ra quyết định hủy bản án cấp sơ thẩm và phúc thẩm, vụ án Tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản tại tỉnh Gia Lai vẫn chưa có hồi kết và để lại nhiều hệ lụy.

Vì sao phải hủy bỏ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm?

Ngày 22/12/2014, bà Mai Thị Kim Oanh, trú số 35 Tuệ Tĩnh, tổ 6, phường Ia Kring, TP Pleiku (Gia Lai) có đơn gửi TAND TP Pleiku khởi kiện vợ chồng ông Phan Đình Thiện và bà Vương Thị Giáng Hương, trú lô 6, cổng chợ Thắng Lợi, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, yêu cầu trả cho bà số tiền 2.643.597.500 đồng đã vay trước đó.

Theo bà Oanh, vào tháng 10/2013, ông Thiện và bà Hương vay tiền bà 2 lần, lần đầu vay 1.000.000.000 đồng, lần thứ 2 vay 1.230.000.000 đồng, đều viết giấy biên nhận nợ.

Sau đó 2 bên thống nhất để vợ chồng ông Thiện, bà Hương viết giấy cam đoan với nội dung: “Tên tôi là Vương Thị Giáng Hương, cùng chồng là Phan Đình Thiện trú tại tổ 7, phường Thắng Lợi, TP Pleiku. Vợ chồng tôi cam kết với chị Mai Thị Kim Oanh ra giêng, tháng 1 âm lịch vợ chồng tôi sẽ trả lại cho chị Oanh số tiền 2.230.000.000 đồng”, đồng thời xé bỏ 2 biên nhận vay tiền trước đó.

 

 Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng ra quyết định hủy bỏ toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm ngày 25/8/2016 của TAND tỉnh Gia Lai và Bản án sơ thẩm ngày 13/4/2016 của TAND TP Pleiku

Do ông Thiện và bà Hương chỉ trả lãi 5 lần được tổng cộng 29.000.000 đồng nên bà Oanh đã khởi kiện, yêu cầu 2 người này phải trả tổng cộng số tiền 2.643.597.500 đồng (bao gồm nợ gốc là 2.230.000.000 đồng và lãi là 413.597.500 đồng).

Liên tiếp trong 2 ngày, từ ngày 25/12 – 26/12/2014, TAND TP Pleiku ra liền 2 quyết định số 30/2014/QĐ-BPKCTT và số 32/2014//QĐ-BPKCTT, phong tỏa nhiều tài sản có giá trị lớn của gia đình ông Thiện và bà Hương.

Thế nhưng, sau khi xem xét các chứng từ giao dịch có liên quan đến số tiền 2.230.000.000 đồng vay mượn giữa bà Oanh (nguyên đơn) và vợ chồng ông Thiện, bà Hương (bị đơn), ngày 13/4/2016, TAND TP Pleiku ra bản án dân sự sơ thẩm số 07/2016/KN-DS, quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Mai Thị Kim Oanh và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bị đơn là bà Vương Thị Giáng Hương và ông Phan Đình Thiện không có nghĩa vụ phải trả số tiền 2.643.597.500 đồng (bao gồm nợ gốc là 2.230.000.000 đồng và nợ lãi là 413.597.500 đồng).

Điều khiến gia đình ông Thiện và bà Hương vô cùng bức xúc là mặc dù ra bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Oanh nhưng TAND TP Pleiku lại không có văn bản hay thông báo gì về việc mở phong tỏa tài sản.

Đến ngày 16/4/2016, vợ chồng bà Mai Thị Kim Oanh kháng cáo. Sau khi xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Gia Lai đưa ra một bản án gần như thay đổi "180 độ". Tại bản án phúc thẩm số 48/2016/DS-PT ngày 24 - 25/8/2016, TAND tỉnh Gia Lai quyết định: Buộc bà Vương Thị Giáng Hương và ông Phan Đình Thiện trả cho bà Mai Thị Kim Oanh số tiền 2.643.597.500 đồng (bao gồm nợ gốc là 2.230.000.000 đồng và nợ lãi là 413.597.500 đồng).

Bất ngờ trước kết quả xét xử của bản án phúc thẩm, ngày 30/8/2016, vợ chồng ông Thiện và bà Hương có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án.

Sau khi xem xét, đánh giá khách quan tất cả các bằng chứng có liên quan đến vụ án, TAND cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ các chứ từ vay, trả do 2 bên (nguyên đơn và bị đơn) xuất trình mà nhận định chung chung nên việc bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa đủ cơ sở.

Ngoài ra, toà bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nhưng không hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng luật.

Về phía tòa phúc thẩm, không xem xét khấu trừ chứng từ vay, trả do 2 bên xuất trình, mà chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Oanh, buộc vợ chồng ông Thiện, bà Hương trả cho bà Oanh số tiền 2.643.597.500 đồng (bao gồm nợ gốc là 2.230.000.000 đồng và nợ lãi là 413.597.500 đồng) là không có căn cứ, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng bà Hương.

Toà cho rằng, đối chiếu toàn bộ chứng từ giao dịch giữa bà Oanh và bà Hương, cho thấy, bà Hương có ký vay của bà Oanh tổng số tiền là 4.130.000.000 đồng (gồm 2.230.000.000 đồng ghi trong giấy cam đoan và 1.900.000.000 đồng theo nội dung 6 chứng từ do bà Oanh xuất trình) và đã trả bà Oanh số tiền là 3.793.000.000 đồng.

Như vậy, số tiền bà Hương còn nợ bà Oanh là 337.000.000 đồng. Hơn nữa, xét tờ giấy do bà Oanh ghi xác nhận bà Hương đã trả hết các khoản vay, chỉ còn nợ 2.000.000 đồng được xác lập vào giữa tháng 12/2014, tức sau khoảng thời gian dài từ khi xác lập giấy cam đoan, cách thời điểm bà Oanh khởi kiện khoảng 1 tuần, toà nhận định, việc bà Hương cho rằng chỉ còn nợ bà Oanh 2.000.000 đồng là hoàn toàn có cơ sở.

Từ những đánh giá khách quan đó, ngày 9/5/2017, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng ra quyết định Giám đốc thẩm số 07/2017/DS-GĐT hủy bỏ toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 48/2016/DS-PT ngày 25/8/2016 của TAND tỉnh Gia Lai và Bản án sơ thẩm số 07/2016/DS-ST ngày 13/4/2016 của TAND TP Pleiku.

Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Gia Lai giải quyết sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời yêu cầu Toà án cấp sơ thẩm hủy bỏ các Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 30/2014/QĐ-BPKCTT ngày 25/12/2014 và số 32/2014/QĐ-BPKCTT ngày 26/12/2014.

Hệ lụy từ một bản án kéo dài 5 năm chưa có hồi kết

Ngày 7/2/2018, TAND tỉnh Gia Lai tiếp tục mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ này này sau nhiều lần bị hoãn, thế nhưng 1 lần nữa phiên tòa lại bị hoãn vì lý do nguyên đơn vắng mặt, bất chấp trước đó tòa đã nhiều lần gửi quyết định tống đạt tới gia đình bà Oanh và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Phan Văn Minh (chồng bà Oanh).

Tại phiên tòa, thẩm phán là ông Nguyên Văn Sinh cho biết: “Tòa đã nhiều lần đến nhà bà Oanh, gặp gỡ cả với người có quyền lợi liên quan là ông Minh, rồi đến tận cơ quan để gửi quyết định tống đạt, nhưng nguyên đơn không hợp tác. Phía nguyên đơn còn có thái độ không tốt với tòa. Nhưng do họ vắng mặt nên vẫn chưa thế xét xử”.

 

Ngày 7/2/2018, TAND tỉnh Gia Lai mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ này này sau nhiều lần bị hoãn, thế nhưng một lần nữa phiên tòa lại bị hoãn vì lý do nguyên đơn vắng mặt.

Sau khi nhận thông báo hoãn, ông Phan Đình Thiện (bị đơn, chồng của bà Vương Thị Giáng Hương) vô cùng bức xúc: “Đây là lần thứ 4 phiên tòa bị hoãn. Lý do không thể chấp nhận được. Họ cứ cố tình kéo dài thời gian để đẩy gia đình tôi vào con đường kiệt quệ về kinh tế cũng như tinh thần”.

Theo ông Thiện, vì vụ án kéo dài nhiều năm khiến kinh tế gia đình ông lâm vào cảnh gần như phá sản. “Trước giai đoạn bị phong tỏa, tài sản vừa nhà vừa xe của tôi trị giá trên 15 tỷ đồng. Từ ngày TAND TP Pleiku phong tỏa tài sản trái quy định, kinh tế gia đình tôi gần như bị đóng băng. Tôi không thể thực hiện một giao dịch nào dù là nhỏ nhất. Một số tài sản vay vốn ngân hàng, đến thời điểm trả muốn vay lại thì không thể nào vay lại được vì bị phong tỏa", ông Thiện nói.

Trong khi vụ án tranh chấp dân sự kéo dài 5 năm vẫn chưa có hồi kết, đến ngày 18/9/2017, bất ngờ bà Vương Thị Giáng Hương (vợ ông Phan Đình Thiện) bị CQĐT Công an tỉnh Gia Lai ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt liên quan đến số tiền 200.000.000 đồng trước đó vay của bà Diệp Thị Khánh Cúc; đồng thời phong tỏa toàn bộ tài sản của ông Thiện và bà Hương 1 lần nữa.

Trao đổi về vụ việc, ông Thiện cho biết: “Việc tòa đã phong tỏa trái quy định toàn bộ tài sản của vợ chồng tôi trong nhiều năm dẫn đến vợ tôi chậm thanh khoản một số vay trước đó, chứ chúng tôi không có lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ai. Về số tiền 200.000.000 đồng vay của bà Diệp Thị Khánh Cúc, vợ tôi đã trả được hơn 50 triệu. Chúng tôi không hề có ý định không trả hay lừa dối gì ở đây", ông Thiện nói.

Trao đổi về vụ việc, Thiếu tá Nguyễn Giang Nam, cán bộ thuộc Văn phòng CSĐT Công an tỉnh Gia Lai (PC44) cho biết: "Trong quá trình làm việc với bị can, gia đình anh Thiện không cung cấp được tài sản nào. Vì tất cả tài sản nằm ở ngân hàng, nên để tránh việc tẩu tán tài sản, chúng tôi có văn bản sang ngân hàng yêu cầu phong tỏa. Sau đó ngân hàng có văn bản yêu cầu chúng tôi để ngân hàng bán các tài sản đó".

“Hiện, chúng tôi đã tạm giam bà Vương Thị Giáng Hương và đã gia hạn điều tra liên quan vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc gia đình bà Hương có ý kiến về việc phong tỏa tài sản lớn hơn số tiền như trong đơn kiện thì chúng tôi xin phép không trả lời”, Thiếu tá Nam cho hay.