Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phó chủ tịch HĐND Đà Nẵng: Thất thoát lớn từ đổi đất lấy hạ tầng

Chỉ riêng một dự án ngân sách bỏ ra hơn 800 tỷ đồng, nhưng khi giao cho nhà đầu tư thì chỉ nộp lại 630 tỷ đồng.

Ngày 12/1, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa làm việc với Sở Tài chính và Cục thuế thành phố để bàn giải pháp chống thất thu thuế.

Tại đây, ông Nguyễn Nho Trung - Phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua có nhiều thất thoát trong thu ngân sách của thành phố, một trong nguyên nhân chính là từ chủ trương đổi đất lấy hạ tầng.

Theo ông, đổi đất lấy hạ tầng là một chủ trương đúng, sáng tạo và đột phá của Đà Nẵng. Nhờ chủ trương này mà thành phố có được bộ mặt đô thị như ngày này, chỉ sau 20 năm chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam. "Tuy nhiên, tôi giật mình khi cầm một báo cáo, chúng ta giao mấy trăm ha đất, bỏ tiền đền bù đến hơn 800 tỷ đồng, nhưng nộp vào 630 tỷ đồng, âm đến 170 tỷ đồng", ông Trung nói khiến nhiều người đổ dồn ánh mắt theo dõi.

Lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng, nếu ngân sách đã bỏ ra đầu tư và bán theo giá đất hiện nay thì khoản hụt thu trên phải tính đến hàng nghìn tỷ đồng; trong khi đây mới chỉ là con số từ một dự án nhỏ.

"Vừa rồi chúng ta làm nhà công sản với hơn 20 dự án thì cũng giật mình về số tiền thất thoát lớn", ông Trung nhấn mạnh.

 Ông Nguyễn Nho Trung "giật mình" khi phát hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng gây thất thoát lớn ngân sách. Ảnh: Nguyễn Đông.

Trước thông tin ông Trung đưa ra, Bí thư Trương Quang Nghĩa đặt ngay câu hỏi: "Giải phóng mặt bằng là do chính quyền. Khi giao đất cho nhà đầu tư chúng ta chỉ thu tiền sử dụng đất thôi à?".

Ông Trung trả lời, trước đây thành phố chỉ định giá đất và thu giá đất. "Cho nên vì sao người ta không chịu đầu tư kinh doanh ở Đà Nẵng mà đầu tư vào đất đai. Và có thể nói những người giàu có lên từ đất cũng bắt nguồn từ cái đó", ông nói và cho biết HĐND sẽ giám sát việc này.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng những phát hiện của ông Trung là kịp thời. Nguyên tắc doanh nghiệp phải nộp tiền giải phóng mặt bằng và tiền đất theo giá trị bảng giá địa phương. Do đó không thể có chuyện tiền nộp vào thấp hơn chi phí thành phố đã bỏ ra giải phóng mặt bằng.

"Khi thu tiền sử dụng đất thấp hơn cả tiền bỏ ra giải phòng mặt bằng thì nảy sinh ra một cái tiêu cực nữa, là các doanh nghiệp đứng sau lưng "mấy ông" chính quyền để nhận đất kiểu như thế", ông Nghĩa nói. "Và rồi sẽ không có những doanh nghiệp tích cực, doanh nghiệp thật đâu, mà toàn doanh nghiệp quan hệ thôi thì chết", lãnh đạo Đà Năng bày tỏ.

Thất thu từ người đi thu thuế

Ông Trần Văn Miên, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, việc thu thuế không chỉ nhằm mục đích tạo nguồn thu cho nhà nước, mà còn tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp. "Thời gian qua, việc chống thất thu thuế chưa đạt yêu cầu. Trong đó lĩnh vực thất thu lớn nhất là bất động sản", ông nói.

Theo ông Miên, bảng giá của ủy ban bao giờ cũng thấp hơn giá thị trường. Một số vùng ở Đà Nẵng thời gian qua giá đất tăng đột biến, ủy ban vừa điều chỉnh xong hệ số đã lạc hậu. Các doanh nghiệp khai giá bán thực tế với ghi trên hóa đơn rất thấp để đưa ra công chứng. Và khi công chứng thì bám theo giá đất của thành phố, dẫn đến thất thu.

Về quản lý tài sản công, ông Miên cũng cho rằng còn nhiều bất cập. UBND thành phố đã có chủ trương không bán thêm nhà, đất công sản. "Có khi bán thì rẻ mà mua lại đắt", ông Miên nói và thông tin thêm, Thanh tra Chính phủ đang vào cuộc để làm rõ "đúng, sai" liên quan đến các dự án nhà đất công sản ở Đà Nẵng.

 Bí thư Trương Quang Nghĩa phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Nguyễn Đông.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, để chống thất thu thuế thì chính người đi thu thuế phải minh bạch, có đạo đức công vụ. Thực tế đang diễn ra trên cả nước đây đó có câu chuyện giảm giá trị nộp thuế để ăn chia.

Không chỉ thất thu trong lĩnh vực bất động sản, ông Nghĩa cho rằng với 280.000 cơ sở lưu trú, nếu cơ quan thuế không chặt chẽ thì "rơi vãi" rất lớn, chưa kể đến các nhà hàng ăn uống...

"Nguồn thu của Nhà nước chỉ trông cậy vào thuế. Giám sát hay tăng cường đi thu thuế cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Phải có phương pháp quản lý tốt hơn, như thanh toán qua thẻ chẳng hạn", ông Nghĩa nói.

Bí thư Đà Nẵng đề nghị chính quyền thành phố thống kê lại tài sản công để nắm được nguồn lực của thành phố; gom xe công về một đầu mối để tiết kiệm nguồn chi. "Bộ máy hành chính làm việc tập trung tại một tòa nhà rồi thì không có lý do gì lại không gom xe công lại để quản lý", ông nói.

Bí thư Đà Nẵng cũng đề nghị chính quyền thành phố tính toán thất thoát ngân sách nhà nước từ bất động sản và tài sản công của thành phố trong 20 năm qua. "Tài sản công và dự án là tính được đấy. Tính minh bạch là cần thiết", ông Nghĩa nói thêm.