Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ký ức bi tráng về “vương quốc đá đỏ” miền Tây xứ Nghệ

Xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An từ lâu đã trở thành địa danh nhức nhối với nạn khai thác đá đỏ. Những năm 1990, hàng trăm nghìn người đổ về đây để tìm vận may đổi đời và rất nhiều trong số đó phải chịu kết cục bi thảm.

Anh Nguyễn Đức Nguyên (SN 1968), quê gốc ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, tìm lên mảnh đất Châu Bình làm kinh tế mới. Chính anh là một trong hàng vạn người từng ôm giấc mộng đổi đời với những viên hồng ngọc quý giá.

Kể lại cho PV nghe câu chuyện về những phu đá đỏ một thời đánh đổi mạng sống nơi rừng thiêng nước độc, anh Nguyên vẫn còn rùng mình. “Lúc bấy giờ, vùng đất Châu Bình này còn hoang sơ lắm, cả đoạn đường quốc lộ chỉ có dăm ba hộ người dân tộc thiểu số sinh sống. Chưa có điện nên cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Những năm 1990, 1991, sau khi nghe tin có người trúng đá đỏ giá bạc triệu, dân tứ xứ đổ về Châu Bình như trẩy hội. Người ở gần thì đi bộ, kẻ ở xa thì bắt xe khách để lên đây. Xe khách là xe của Nhà nước, người đi đông đến mức trong xe và cả trên nóc xe không còn một chỗ trống. Công an phải kiêm luôn lơ xe thì mới thu được tiền của khách. Có nhiều đêm, ngồi trong lán trại của mình, tôi thấy người ta đổ xô nhau vào rừng đi tìm đá đỏ như đi xem văn công, tấp nập lắm các chú ạ. Các địa danh như đồi Tỷ, đồi Triệu, đồi Cỏ May… trở thành những điểm nóng tranh dành đá đỏ”, anh Nguyên nhớ lại.

 Đồi Tỷ, nơi từng là điểm nóng của nạn khai thác đá đỏ.

Cơn sốt đá đỏ hấp dẫn đến mức anh Lê Văn Đông (SN 1969), trú xã Châu Bình, đang là bộ đội biên phòng cũng bỏ về đi tìm vận may đổi đời. “Năm 1989, tôi nhập ngũ làm lính biên phòng đóng tại huyện Tương Dương. Thời gian này, người ta bàn tán sôi nổi về đá đỏ; chúng tôi là lính nhưng khi nghe kể về những đại gia đổi đời nhờ đá đỏ mà trong lòng cũng phấn khích. Đến năm 1994, tôi quyết định xin ra khỏi ngành để về quê nhà đi tìm hồng ngọc. Chúng tôi cũng lập ra một nhóm nhỏ và quyết định vào rừng. Cũng có những lần trúng đá đỏ có giá trị nhưng do bạn bè rủ rê vào các thú vui "đốt tiền" nên tất cả rồi cũng trở lại đôi bàn tay trắng”, anh Đông chia sẻ.

 Ông Lê Văn Đông trao đổi với PV.

Quả thực, những viên rubi lấp lánh có sức hút đến lạ kỳ. Không tham sao được khi mỗi ngày công, những người bình thường như anh Nguyên lúc bấy giờ được trả cho 10.000 đồng, trong khi nếu may mắn trúng hồng ngọc, giá có khi lên đến cả trăm triệu đồng.

 Con đường một thời là nỗi ám ảnh của phu đá đỏ.

“Những năm 1980, cha con ông Đỗ Văn Hiệp, người ngoài Bắc vào làm kinh tế ở Châu Bình - là một trong số người đầu tiên nhặt nhạnh được viên đá có màu sắc rực rỡ nhưng không biết về giá trị của nó. Thấy đẹp nên ông Hiệp đưa về cho cháu chơi rồi vứt tứ tung trong nhà mình. Đầu năm 1990, khi đi lấy củi, cha con ông Hiệp thấy có một đám người suốt ngày hì hục đào từng lỗ to xuống lòng đất, hỏi thì họ nói làm quặng. Sau khi tìm hiểu ra thì ông Hiệp biết nhóm người này đang đi đào những viên đá mà bấy lâu nay mình nhặt được”, anh Nguyên kể lại.

Sau khi nghe tin ông Hiệp có một viên đá màu to bằng củ lạc, ngay lập tức có nhiều đại gia đi xe hơi từ Hà Nội vào tìm mua. Biết là đá quý nhưng ông Hiệp không biết giá trị nó đến đâu nên đã bán cho người ta với giá 20 triệu đồng. “Kể từ khi thông tin về cha con gốc Bắc trúng đá đỏ hàng chục triệu được lan truyền, người dân khắp nơi ùn ùn kéo về Châu Bình để mong được đổi đời với hồng ngọc”, anh Nguyên chia sẻ.

Một đồn mười, thông tin ông Hiệp trúng đá đỏ bạc triệu đã nhanh chóng biến mảnh đất Quỳ Châu trở thành mục tiêu của những người muốn đổi đời với đá đỏ. Một thời kỳ hỗn mang được manh nha.

Còn tiếp