Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Liên kết du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung: "Mỏ vàng" chưa được khai thác

Cách đây 2 năm, 4 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình đã cùng ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung, với mục tiêu “chắp cánh” cho du lịch miền Trung phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế quá trình hợp tác còn nhiều điều đáng bàn.

Vẫn mạnh ai nấy làm

Tiềm năng du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng, phong tục, tập quán gần gũi, người dân bản địa thân thiện, hiếu khách. Vùng Bắc miền Trung được biết đến bởi những bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ…; cùng với hệ thống các di tích lịch sử gắn liền với tên tuổi của những vĩ nhân đã từng làm rạng danh cho non sông đất nước như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại thi hào Nguyễn Du, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Đặc biệt, trong vùng còn có nhiều danh thắng mà cảnh đẹp nên thơ đã đi vào thi ca, là vùng đất của nhiều di sản văn hóa thế giới như: Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Dân ca Ví - giặm Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh), Mộc bản Trường Lưu (Hà Tĩnh)… Sự gần gũi về tiềm năng này là lợi thế quan trọng, mỗi tỉnh trở thành một “mắt xích” thiết yếu để thúc đẩy du lịch vùng phát triển.

 Khu di tích Truông Bồn - một trong những điểm đến tiêu biểu trong tour du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh dọc 4 tỉnh Bắc miền Trung. Ảnh: Sỹ Minh

Tuy nhiên, trong quá trình liên kết, đặc biệt là từ khi có biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình, kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn. Liên kết lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm, nhiều mục tiêu đặt ra chưa thực hiện được… là đánh giá thẳng thắn của nhiều nhà quản lý và chuyên gia du lịch các tỉnh.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An chỉ rõ: “Hình thức, nội dung, hoạt động liên kết còn đơn điệu, chưa có chiều sâu nên sự lan tỏa chưa cao. Một số nội dung trong kế hoạch hợp tác chưa được triển khai như phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế chính sách phát triển chung cho 4 tỉnh. Cùng với đó, chưa có bộ nhận diện thương hiệu định vị điểm đến của 4 tỉnh; ngân sách bố trí cho hoạt động liên kết còn hạn chế, thiếu ổn định”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Kỳ - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho hay, cái yếu trong liên kết thể hiện trên nhiều phương diện. Những năm gần đây, 4 tỉnh đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, trực tiếp tác động đến ngành Du lịch, nhưng vì thiếu liên kết nên không có tiếng nói chung để đề nghị một chính sách hỗ trợ cho du lịch vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, về chất lượng nguồn nhân lực du lịch, cả 4 tỉnh đều gặp hạn chế về ngoại ngữ. “Thế nhưng, dù đã có kế hoạch hợp tác phát triển nguồn nhân lực, nhưng chúng ta chưa ngồi lại với nhau xem có giải pháp gì tháo gỡ không, cần phải làm việc với các cơ sở đào tạo như thế nào”? - ông Kỳ nói.

Năm 2017, 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình mới chỉ phối hợp tổ chức gian hàng chung tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2017; tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITE TP. Hồ Chí Minh; phát động thị trường khách Thái Lan và các quốc gia thứ 3 thông qua Thái Lan bằng đường hàng không trên chuyến bay quốc tế Đồng Hới - Chieng Mai…Những hoạt động này chưa tác động nhiều đến kết quả phát triển du lịch của mỗi tỉnh, chủ yếu vẫn dựa vào sự “tự thân vận động”.

 Đoàn du khách Thái Lan tham quan cánh đồng hoa hướng dương Nghĩa Đàn. Ảnh: Vương Bằng

Về thị trường khách du lịch, ở trong nước, khách miền Bắc được xem là thị trường mũi nhọn; còn quốc tế, 4 tỉnh thống nhất mục tiêu khai thác khách du lịch Thái Lan và Trung Quốc. Bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban điều phối phát triển du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình năm 2018 khẳng định, muốn khai thác các thị trường hiệu quả, bền vững, tránh tình trạng “ăn xổi”, “đánh lẻ”, cần có chung một quyết tâm, định hướng xem đây như là mặt trận để “tổng tiến công”.

Theo đó, sẽ tiếp tục phát triển tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” từ Thành nhà Hồ đến Phong Nha - Kẻ Bàng và xây dựng tour du lịch “Theo dấu chân các danh nhân, anh hùng” đi qua 4 tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết, phát triển sản phẩm du lịch đường bộ cho khách Lào, Thái Lan qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An), cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) đi qua 4 địa phương, trong đó ưu tiên các tour caravan.

Song song với đó là xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh chung cho khách du lịch nội địa như tuyến du lịch đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Cầu Hàm Rồng - Truông Bồn - Ngã ba Đồng Lộc - Hang Tám Cô và đường 20 quyết thắng - Bến phà Long Đại; tuyến du lịch văn hóa tâm linh như Đền Sòng - Quê Bác - Đền Củi - Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Một sản phẩm khác cũng được định hướng phát triển trong năm 2018 là tour xe đạp, xe mô tô từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đi qua 4 địa phương - phù hợp với giới trẻ đam mê du lịch trải nghiệm, mới mẻ. Về thị trường khách Trung Quốc, năm 2017, Nghệ An đã có những chuyến đi thăm dò và khơi mở thị trường ở Côn Minh và Thành Đô (Trung Quốc), năm 2018, nếu có sự hợp tác chiến lược của 4 tỉnh, chắc chắn đây sẽ là “mỏ vàng” mang lại doanh thu, lợi nhuận cao.

Năm 2017, khách tham quan du lịch đến 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đạt hơn 19,7 triệu lượt, tăng 35,75% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế đạt hơn 450.000 lượt, tăng 71,25% so với năm 2016.