Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Sẽ thu tiền nước qua ngân hàng

Đây là thông tin được lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An cho biết tại cuộc làm việc với đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh.

Sáng 11/1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH làm trưởng đoàn giám sát tại Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016

 Ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Năm 2017, Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đổi tên thành Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An với số vốn điều lệ hơn 295,6 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu nguồn vốn Nhà nước tham gia cổ phần là 51%, vốn cổ đông trong doanh nghiệp cổ phần là 9,06%, vốn cổ đông ngoài doanh nghiệp tham gia chiếm 19,97%, vốn cổ đông chiến lược tham gia cổ phần là 19,97%.
 
Sau cổ phần hóa (CPH), công ty đã kiện toàn lại cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, sắp xếp bố trí lại nhân sự phù hợp. Sản xuất ổn định đạt 35.217.717m3nước, tăng 8%; doanh thu đạt gần 187 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Mặc dù sản lượng sản xuất, doanh thu đều tăng so với năm 2016 nhưng công ty kinh doanh thua lỗ nên không có tính hấp dẫn để huy động vốn của các cổ đông do đó đến nay chưa có giao dịch nào.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Bá Quý - Chủ tịch HĐQT Công ty CP cấp nước Nghệ An cho hay: Trước đây công ty mua giá nước thô chỉ với 630 đồng bao gồm thuế VAT, đến nay giá nước thô tăng lên 1.900 đồng chưa tính thuế do phải mua qua Công ty Cấp nước Sông Lam.

Do đó, dẫn giá trị đầu vào tăng từ 8 tỷ đồng lên 56 tỷ đồng tiền mua nước thô, điều này ảnh hưởng lớn đến giá thành, lợi nhuận của công ty.

Bên cạnh đó, do hệ thống đường ống đầu tư xây dựng từ hàng chục năm nay đã xuống cấp nên dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước cao, chiếm 34% vùng TP. Vinh và phụ cận còn những vùng khác tỷ lệ này cao hơn 50%.

Theo ông Quý bất cập lớn nhất của đơn vị này sau CPH đó là đơn vị tự chủ hoàn toàn nhưng lại không được tự chủ quyết định về giá nước cả đầu vào và đầu ra (giá nước mua vào và giá bán ra).

 Ông Nguyễn Bá Quý - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Nghệ An phản ánh bất cập của đơn vị sau cổ phần hóa. Ảnh: Thanh Lê

Cũng theo ông Quý, hiện công ty đang vướng mắc về thủ tục thuê đất. Theo quy định, doanh nghiệp cấp nước được miễn giảm tiền thuê đất nhưng đòi hỏi đầy đủ thủ tục. Công ty được sử dụng 24 thửa đất nhưng chỉ có 14 thửa đất được cấp thủ tục. Nếu không có thủ tục đầy đủ, công ty phải trả tiền chậm nộp.

Do đó, ông Quý đề nghị các sở, ban, ngành tạo điều kiện cho công ty hoàn thành các thủ tục thuê đất cũng như tạo điều kiện doanh nghiệp xây dựng giá nước trong năm 2018 để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Đồng thời, theo đại diện lãnh đạo công ty, năm 2018, đơn vị sẽ áp dụng công nghệ mới, đọc đồng hồ bằng chỉ số hiện lên điện thoại di động, lưu lại hình ảnh trên máy chủ và tiền nước cập nhật trên mạng.

Công ty cũng phối hợp với ngân hàng để thu tiền nước tạo thuận lợi cho khách hàng và đảm bảo độ chính xác.

Tuy nhiên, nếu áp dụng các biện pháp công nghệ, công ty sẽ phải giảm 1/3 lao động. Số lao động này sẽ giải quyết như thế nào nếu không mở rộng sản xuất, - lãnh đạo công ty trăn trở.

Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Võ Hồng Dương - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh khẳng định: Công ty CP cấp nước Nghệ An là đơn vị đặc thù, mặc dù là đơn vị tự chủ nhưng lại bị khống chế về giá. Giá nước do khung của Bộ Tài chính quy định và hàng năm UBND tỉnh trên cơ sở đó ban hành giá nước. Tuy nhiên, Nhà nước chưa hạch toán đầy đủ được, nên công ty bị khống chế về giá.

Để sản xuất có hiệu quả, công ty cần phải tổ chức sắp xếp lại bộ máy, giảm tỷ lệ thất thoát để tăng lợi nhuận; công khai, minh bạch tài chính theo quy định Nhà nước để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, cần quan tâm hoàn thiện các quy chế của công ty sau CPH.

Đồng thời, công ty cần đề xuất với Sở Tài chính về ban hành giá nước trên cơ sở phải đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa cổ đông và giá chung của các tỉnh trong cả nước.

 Vận hành hệ thống tại Xí nghiệp cấp nước vùng phụ cận Vinh. Ảnh tư liệu

Cũng theo ông Dương, khó khăn với các doanh nghiệp CPH là bất cập về cơ chế, chính sách CPH về xử lý tồn tại về tài chính. Mặc dù văn bản của Bộ Tài chính quy định rõ ràng, tuy nhiên công nợ phải thu rất khó đòi và trên thực tế nhiều công nợ không thể thu được nhưng hồ sơ không đầy đủ nên không thể xử lý xóa nợ được.

“Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ Tài chính cần phải xem xét tình hình thực tế, nếu căn cứ văn bản không thể xử lý được” - ông Dương nhấn mạnh.

Ông Dương đề xuất đối với đơn vị tự chủ hoàn toàn như Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An, Bộ Tài chính cần nới dần và bỏ quy định khống chế giá để các đơn vị tự chủ, được tự ban hành giá, tự kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Kết luận cuộc làm việc, ông Nguyễn Thanh Hiền đánh giá, sau CPH công ty đã tổ chức quản lý việc vốn, tài sản thực hiện CPH theo đúng quy định pháp luật của nhà nước. Thực hiện quản lý vốn, tài sản đúng quy trình, minh bạch, người lao động được quan tâm.

Đồng thời sau thực hiện CPH, công ty có nhiều đổi mới trong điều hành sản xuất, kinh doanh, sắp xếp lại nhân sự, tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Ông Hiền đề nghị đơn vị cần hoàn thiện báo cáo đánh giá rõ kết quả, tồn tại, làm rõ nguyên nhân sau thực hiện CPH cũng như kiến nghị đề xuất với tỉnh, bộ, ngành, Chính phủ; tiếp tục quan tâm đổi mới trong quản lý điều hành; mô hình quản lý doanh nghiệp; sắp xếp lại đội ngũ lao động; ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới quản lý; củng cố hệ thống chính trị, phát huy vai trò tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp…