Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Khó thực hiện “lương nhà giáo được xếp cao nhất”

Nội dung “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” vào Luật Giáo dục sửa đổi được nhiều chuyên gia nhận định sẽ tạo sự phấn khởi cho cộng đồng giáo viên, nhưng thực tế khó thực hiện.

Ngày 7/12, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

 Các đại biểu trao đổi tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Ảnh: Thanh Hùng.


Về dự kiến chính sách mới đối với giáo viên, GS.TSKH Nguyễn Cương (nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) tán thành việc đưa vào dự thảo Luật Giáo dục. Tuy nhiên, bản thân ông nhìn nhận đây là việc không hề dễ dàng.

GS Cương cho rằng cần có cách nào đó, trong Luật hoặc có thêm các văn bản giải thích Luật hay trong nghị định của Chính phủ, để đảm bảo chính sách về lương được thực hiện.

“Nếu chỉ đưa vào Luật thì giáo viên phấn khởi, nhưng để đảm bảo thực hiện được thì cần có những quy định cụ thể hơn trong các nghị định hướng dẫn. Nếu được, chúng tôi nghĩ nên thêm một số câu từ thể hiện rõ ràng sự đảm bảo và trân trọng sự đóng góp của giáo viên” - ông Cương nói.

 GS.TSKH Nguyễn Cương.

Cũng tương tự như đề xuất miễn học phí cho bậc học THCS đối với các trường công lập, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng đây là những điều quá tốt nhưng cũng khó thực hiện được. Bởi theo ông, ngân sách Nhà nước hiện khó có thể kham nổi.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Bích San (Viện Nghiên cứu Tư vấn và Phát triển) chia sẻ: “Đó là sự động viên các thầy cô giáo, nhưng khi người cán bộ sau mấy chục năm công tác chỉ nhận được 1,3 triệu đồng lương hưu thì tôi cho rằng điều này cũng chẳng an ủi được gì nhiều”.

Vì vậy, ông San đề xuất Bộ GD-ĐT nên quan tâm vào giải quyết những vấn đề thiết thực hơn như việc xây dựng các trường mầm non công lập ở các khu công nghiệp.

"Hiện nay, gần như không có trường mầm non công lập cho trẻ là con công nhân ở các khu công nghiệp. Do đó, họ phải gửi con em ở những nhóm lớp tự phát thiếu nghiệp vụ, thiếu an toàn. Đây là nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo hành trẻ, làm mất ổn định xã hội và không tạo được cơ sở vững chắc cho sự ổn định trong tương lai" - ông San nói rõ thêm về đề xuất của mình.

 PGS.TS Phạm Bích San (Viện Nghiên cứu Tư vấn và Phát triển). Ảnh: Thanh Hùng.

Đồng tình với ý kiến nói trên, TS Lê Viết Khuyến cũng nhận định rằng đề xuất bỏ học phí cấp THCS chưa cần thiết bằng lo cho việc hiện nhiều con em công nhân hiện đang "bơ vơ".

"Cần nghĩ cách để có thêm trường công lập cho đối tượng này, để các khu công nghiệp có các trường mầm non công lập học miễn phí" - ông Khuyến đền nghị. Bởi theo ông Khuyến, chi phí cho mầm non hiện đang tốn kém nhất trong các gia đình công nhân, gia đình nghèo.

Về lương giáo viên, ông Khuyến cho rằng đi đôi với việc này, Bộ GD-ĐT cần có cơ chế để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. “Thầy cô có giỏi thì mới nói đến đổi mới giáo dục được” - ông Khuyến khẳng định.