Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nức tiếng bánh chưng xanh Vĩnh Hòa

Làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An lâu nay vốn nổi tiếng làm bánh chưng như một nghề cha truyền con nối. Sản phẩm của làng từ lâu đã trở thành thương hiệu dược người tiêu dùng ưa chuộng.

 Gia đình ông Nguyễn Nhân ở Vĩnh Hòa mỗi ngày gói từ 200 - 300 chiếc bánh chưng, bánh tét. Ảnh: Văn Trường.


Vĩnh Hòa vốn là vùng quê nghèo khó, chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn, về mùa lũ đây là rốn nước, làng mạc nhà cửa đều ngập chìm, đất canh tác lúa chỉ được 41 ha không thế nuôi 215 hộ dân. Nhờ nghề gói bánh chưng, nay cuộc sống của người dân đã đổi đời.

 Muốn làm được bánh chưng ngon thì nguyên liệu cho bánh cũng phải ngon. Ảnh: Văn Trường.

Giờ đây đã là người làng Vĩnh Hòa thì từ già cho đến con trẻ, ai cũng biết gói bánh. Nhiều cụ bà giờ đã mắt mờ chân yếu, cháu con chuẩn bị sẵn nguyên liệu là tay thoăn thoắt như thuở xuân xanh. Cháu đứng xem bà gói, rồi làng nghề ngấm vào máu thịt lúc nào chẳng hay.

 Chủ yếu bà con dùng nếp Thái Lan, Lào loại ngon để gói bánh chưng. Ảnh: Văn Trường.

Công việc của người dân làng Vĩnh Hòa bắt đầu từ khoảng 15h mỗi buổi chiều hàng ngày, từ đầu làng đến cuối làng, già, trẻ, trai gái… đều được phân công làm nhiệm vụ; người thì ngâm gạo, người gói bánh, chẻ lạt, dóc lá… tiếng cười nói rộn rã khắp các ngõ xóm.

Sau khi chuẩn bị các vật dụng cần thiết, mỗi gia đình bắt đầu công việc gói bánh, nấu bánh chín rồi khoảng 4-5 h sáng ngày hôm sau, các phụ nữ trai gái trong làng đều đi giao bánh ở các chợ và các huyện lân cận.

 Sáng sáng, bà con Vĩnh Hòa đi mua lá chuối về để gói bánh. Ảnh: Văn Trường.

Chị Nguyễn Thị Khuyên đang gói bánh chia sẻ: Bánh chưng Vĩnh Hòa đã nổi tiếng khắp nơi, bánh ngon hay không quan trọng là cách chọn loại nếp, làm nhân bánh, rồi cách nấu bánh nữa… thường thì để nấu được một nồi bánh chín thì chúng tôi phải mất 6 - 7 tiếng đồng hồ.

Cũng theo chị Khuyên, mỗi ngày chị gói từ 400 -500 cặp bánh, tạo việc làm liên tục cho 4 lao động. Trừ chi phí mỗi tháng gia đình tôi đạt từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

 Gia đình chị Trần Thị Thanh đang đưa bánh vào lò để nấu. Ảnh: Văn Trường.

Để chuẩn bị nhu cầu bánh chưng cho dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, người dân trong làng Vĩnh Hòa đã rục rịch chuẩn bị hàng trăm tấn gạo nếp ngon được nhập về từ Lào và Thái Lan; các loại lá chuối, lá dong, thịt mỡ, dưa hành… dùng để gói bánh cùng với các nguyên liệu khác.

Anh Trần Quốc Khánh là hộ làm nghề ở làng cho biết: “Gia đình chúng tôi làm nghề đã lâu, dịp gần tết nhu cầu tiêu thụ bánh rất lớn, có rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… tìm đến đặt bánh để tổ chức tất niên, quà biếu tết, vào dịp cuối năm.

 Nhà thờ giáo xứ Vĩnh Hòa về đêm luôn lung linh trong ánh điện. Ảnh: Văn Trường.

"Quân bình tháng giáp tết, gia đình làm hết 1,5 - 2 tấn gạo nếp, thu nhập được khoảng từ 40 - 50 triệu đồng, còn các tháng bình thường trong năm thu nhập khoảng hơn 10 - 12 triệu đồng/tháng” - anh Khánh nói thêm.

Theo một số người theo nghề bánh chưng, thì một khi đã giữ được chữ tín với khách hàng thì khỏi phải lo đầu ra; khách xa, khách gần cứ thế yên tâm đến lấy. Ngoài một số đặt hàng Tết, cũng có số nhập về bán lại.

Nói chung nghề làm bánh chưng khá nhẹ nhàng, không phải tính toán lỗ lãi nhiều, không phải dầm mưa dãi năng cực nhọc, lại vẫn còn thời gian chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc con cái học hành.

 Cứ sáng sớm là người làng Vĩnh Hòa lại đưa bánh chưng đi khắp nơi bán. Ảnh: Văn Trường

Ông Lưu Đức Bằng - Xóm trưởng xóm Vĩnh Hòa cho biết, cả xóm có hơn 300 hộ thì hầu thì 80% đều theo nghề truyền thống như gói bánh chưng. Nhờ từ nghề này mà nhiều hộ dân đổi đời vươn lên làm giàu.

Sự chịu thương, chịu khó của bao nhiêu thế hệ người dân mà đến nay, bánh chưng Vĩnh Hòa đã trở thành một thương hiệu có mặt khắp nơi, từ các chợ cóc ở miền quê đến những khu vực buôn bán sầm uất ở Hà Nội, Sài Gòn.

 Nhờ từ nghề gói bánh mà làng Vĩnh Hòa ngày càng trù phú. Ảnh: Văn Trường.

Từ hạt gạo của vùng đồng bằng chiêm trũng, dưới bàn tay tỉ mỉ, khéo léo và sự chịu thương chịu khó của con người nơi đây, những chiếc bánh chưng, bánh tét Vĩnh Hòa đã có mặt, len lỏi vào nhiều gia đình, mang theo hơi xuân, phong vị Tết cổ truyền và mang theo cả tình cảm chân chất của những người dân quê lúa.

 “Tết đến dưa hành câu đối đỏ”- bánh chưng xanh Vĩnh Hòa đang đem mùa xuân đến khắp mọi nhà, nó cũng là hồn quê bản sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng làng thẳng cánh cò bay, cây lúa đơm bông trĩu hạt, thì vẫn còn đó bánh chưng xanh để người đi khắc khoải nhớ về.