Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mỹ khai tử đề án thành lập 'Quân chủng vũ trụ'

Hai viện Quốc hội Mỹ bác ý tưởng thành lập quân chủng thứ 6 của quân đội nước này khi thông qua Luật Thẩm quyền Quốc phòng.

 Máy bay vũ trụ X-37B, một trong các dự án bí ẩn do không quân Mỹ quản lý. Ảnh: USAF.

Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ và Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 13/11 loại bỏ đề án thành lập "Quân chủng vũ trụ" (USSC) khi xem xét Luật Thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) 2018, Sputnik đưa tin.

Ý tưởng thành lập USSC được nghị sĩ Mike Rogers, chủ tịch Tiểu ban Các lực lượng chiến lược của Hạ viện Mỹ, cùng nghị sĩ Jim Cooper đề xuất khi soạn thảo dự luật NDAA. Nếu đề xuất được thông qua, USSC sẽ là quân chủng thứ 6 của Mỹ sau lục quân, hải quân, không quân, thủy quân lục chiến và lực lượng tuần duyên.

Những người soạn thảo cho rằng không quân Mỹ hiện không có đủ nguồn lực cho các chương trình bảo vệ Mỹ từ vũ trụ. Thay vào đó, họ tập trung vào mua sắm thêm nhiều oanh tạc cơ, tiêm kích và các loại máy bay quân sự hoạt động trong bầu khí quyển. Việc thành lập USSC được cho là giúp lực lượng này có ngân sách và ưu tiên riêng, không phụ thuộc vào không quân Mỹ.

Tuy nhiên, sáng kiến này đã vấp phải sự phản đối từ các lãnh đạo quân đội, bao gồm Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph F. Dunford, Bộ trưởng Không quân Heather Wilson và Tham mưu trưởng không quân David L. Goldfein. Các sĩ quan này cho rằng dự luật chỉ gia tăng gánh nặng hành chính, đi ngược lại các tuyên bố của Lầu Năm Góc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng viết một bức thư, khẳng định thành lập quân chủng thứ 6 trong quân đội Mỹ vào lúc này là hành động không hợp lý. "Khi chúng ta đang tìm cách kết hợp, thu gọn các hoạt động tác chiến của Lầu Năm Góc, tôi không muốn bổ sung thêm một quân chủng dành riêng cho các hoạt động không gian", ông Mattis cho biết.

 Các hoạt động quân sự trên vũ trụ vẫn sẽ do không quân Mỹ quản lý. Ảnh: USAF.

Một số nghị sĩ cho rằng Mỹ cần cải thiện khả năng tác chiến vũ trụ, nhằm đối phó với sự phát triển nhanh chóng của Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết nghị sĩ Hạ viện Mỹ đồng tình với việc áp dụng các bước đi nhỏ, thay vì thực hiện một bước tiến lớn là thành lập USSC.

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn để ngỏ khả năng thành lập một lực lượng như USSC trong tương lai. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ giám sát mọi hoạt động quân sự trong không gian, đồng thời phải trình lên Quốc hội Mỹ lộ trình thành lập một cục quản lý hoạt động an ninh vũ trụ riêng biệt trực thuộc Lầu Năm Góc.