Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sự thật về vẻ ngoài của sinh vật xấu nhất thế giới

Cá giọt nước (blobfish) được xem là sinh vật xấu nhất thế giới nhưng vẻ ngoài của chúng trong môi trường sống tự nhiên có thể gây bất ngờ.

 Ảnh chụp mẫu vật Mr Blobby. Ảnh: Norfanz.

"Mr Blobby" là tên mẫu vật cá giọt nước bắt được ngoài khơi New Zealand do Kerryn Parkinson chụp hình trong chuyến thám hiểm NORFANZ năm 2003, theo IFL Science. Năm 2013, ảnh chụp Mr Blobby được dùng làm hình đại diện cho cá giọt nước trong cuộc bình chọn sinh vật xấu nhất thế giới. Cá giọt nước sau đó trở thành linh vật chính thức của Hiệp hội bảo tồn động vật xấu xí.

Tuy nhiên, cá giọt nước trông khá bình thường trong môi trường sống tự nhiên ở vùng biển sâu phía nam Australia, Tasmania, và New Zealand. Khối cầu dạng sệt được cho là cá giọt nước trong bức ảnh của Parkinson thực chất là mẫu vật bị biến dạng do ảnh hưởng của sự giảm nén (decompression).

 Hình dáng bình thường của cá giọt nước. Ảnh: Wikipedia.

Cá giọt nước (Psychrolutes marcidus) là loài cá biển sâu sống trong bóng tối ở cách mặt nước 600 - 1.200 mét. Chúng không bao giờ bơi lên độ sâu 300 mét, trừ khi bị đánh bắt.

Cá giọt nước thích nghi tốt với áp suất cao và ánh sáng tối thiểu. Cơ thể với cấu tạo xương mềm và lớp thịt giống như thạch dẻo cho phép chúng chịu đựng áp suất mà không bị rách toạc hoặc ép bẹp. Chúng cũng không có bong bóng, một khoang rỗng chứa đầy khí mà phần lớn các loài cá sử dụng để kiểm soát lực nổi, bởi bộ phận này sẽ vỡ dưới áp suất cực cao.

Do không có bộ phận hỗ trợ tự nhiên, cá giọt nước phù lên và chảy nhão khi bị đưa tới nơi có áp suất thấp hơn trên mặt biển. Khi quay lại vùng biển sâu, cá giọt nước không chảy nhão như vậy. Trên thực tế, vẻ ngoài của chúng trông khá bình thường, thậm chí có thể xem là đẹp.

Mẫu vật Mr Blobby đang được ngâm rượu trong một chiếc bình đặt trong bộ sưu tập cá của Bảo tàng Australia.