Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


"Sinh viên ăn uống kham khổ nhưng vẫn cố mua iPhone đắt tiền"

Nhiều sinh viên đời sống rất khó khăn, ăn uống kham khổ nhưng vẫn cố gắng dành tiền để mua điện thoại iPhone đắt tiền, “nghiện” điện thoại, lướt Facebook, Zalo.

Đó là chia sẻ của TS Lê Đức Hoàng (Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương) tại hội thảo và tập huấn về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 10/11.

 Nhiều sinh viên có hiện tượng “nghiện” điện thoại, Facebook, Zalo,.... Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Theo ông Hoàng, hiện không ít thanh niên, sinh viên không có chí hướng rõ ràng; một bộ phận lười lao động, lười học tập, ngại khó, ngại khổ; không có ý chí vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội. Thậm chí, có những sinh viên biểu hiện giảm sút niềm tin, bản lĩnh non kém nên dễ bị lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên, sinh viên còn lệch lạc, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, đua đòi, xa hoa, lãng phí, sùng bái thần tượng thái quá, có biểu hiện thờ ơ, vô cảm.

“Vẫn còn tình trạng mua điểm, gian lận trong thi cử làm xấu hình ảnh nhà trường, thanh danh người thầy và sinh viên”, ông Hoàng nói.

Đặc biệt, quan niệm lệch lạc về giá trị và bạo lực học đường diễn biến phức tạp. Nhiều sinh viên có hiện tượng “nghiện điện thoại”, giành quá nhiều thời gian cho Facebook, Zalo, trò chơi điện tử... mà sao nhãng học hành.

“Nhiều sinh viên đời sống rất khó khăn, ăn uống kham khổ nhưng vẫn cố gắng dành tiền để mua điện thoại iPhone đắt tiền. Nhiều em bị lệch lạc về quan điểm giá trị, chỉ chạy theo hình thức bề ngoài”, ông Hoàng cho hay.

Theo ông Hoàng, lối sống buông thả của một bộ phận thanh niên, sinh viên không chỉ gây ra mối lo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội mà còn về sức khoẻ và sự phát triển của giống nòi.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu có cùng quan tâm về tác động của Internet, mạng xã hội đến đời sống tinh thần của sinh viên.

Phần tham luận của đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì cho rằng, các trang mạng xã hội là những thông tin tràn lan, hỗn loạn, đôi khi vô bổ, nói mà không phải chịu trách nhiệm, không ai kiểm chứng.

 Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Nhiều thông tin trên mạng xã hội hàm chứa nội dung xấu, dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như: khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, khiêu khích chiến tranh, chia rẽ đoàn kết dân tộc,…

Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn, các trang mạng xã hội dễ làm người dùng sa đà vào “biển thông tin” hỗn loạn đó lúc nào không hay biết, làm sao nhãng việc học, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo trong đời thực.

“Cũng có rất nhiều sinh viên bị cuốn vào các trò chơi trực tuyến. Có hơn 90% các loại game hiện nay mang tính chất bạo lực, trong đó hơn 78% liên quan đến những hành động giết người hàng loạt. Một số trường hợp ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, thậm chí phạm pháp để lấy tiền chơi game.

Cùng đó, nhiều tệ nạn đáng tiếc như lừa đảo trên mạng, số khác dính tới các tổ chức xấu hoặc có mối quan hệ phức tạp. Nguy hiểm hơn là các vụ ẩu đả, giết người đẫm máu chỉ vì hiềm khích, ức chế, cãi lộn qua chát.

Đây còn là nơi tội phạm tấn công kiểm soát với mục đích phát tán thư rác, lừa đảo trực tuyến… Internet và mạng xã hội còn là nơi tiếp tay cho tình trạng đạo văn, ăn cắp tài liệu, sao chép bài vở của người khác. Chúng ta đau xót khi thấy những bài luận văn, đồ án mất đến cả năm trời của một sinh viên bị rao bán với giá chỉ 20 nghìn đồng trên một trang web nào đó”.

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT cho rằng các cơ sở giáo dục cũng cần khai thác hiệu quả những mặt tích cực của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục và quản lý học sinh, sinh viên.

Theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án về ứng xử văn hóa trong trường học để thực hiện chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2 (2016-2020).