Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vì sao Canada 'chần chừ' ký TPP 11?

Câu chuyện lợi ích quốc gia và bài toán trước những hiệp định thương mại với Mỹ có thể là lý do chính khiến Canada ngần ngại với TPP 11.

Những cuộc họp bên lề kéo dài nhiều giờ đồng hồ, kết thúc vào nửa đêm hay rạng sáng ngày hôm sau, nhưng quan điểm giữa những quốc gia đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn chưa thể thống nhất đi đến kết quả cuối cùng.

Việc lãnh đạo Canada không xuất hiện vào phút chót do còn lưỡng lự đã khiến lễ ký kết TPP 11 vào chiều 10/11 không diễn ra như dự kiến. Trong diễn biến mới nhất sau đó, đêm cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Canada Philippe-François Champagne của Canada cho biết đã đạt được thoả thuận về những phần cốt lõi cho hiệp định TPP 11, khi các nước đã đồng ý triển khai các quy định về lương tối thiểu, giờ làm việc, các vấn đề về an toàn lao động, và sức khoẻ.

Tuy nhiên, ông Champagne cũng cho biết "thoả thuận cuối cùng vẫn đang được đàm phán vì các nước chưa thống nhất được tất cả các khía cạnh của thoả thuận".

Dù quyết tâm thực hiện được 11 nền kinh tế thể hiện rõ, nhưng việc một số quốc gia trong nhóm 11 nước chần chừ trong việc đẩy nhanh tiến độ TPP không phải là điều nằm ngoài dự đoán. Quyết định rút khỏi TPP của Nhà Trắng vào đầu năm 2017 đã đẩy việc thực hiện TPP tiến tới 2 kịch bản, một là đẩy nhanh tiến độ với nền tảng dựa trên những gì đã thảo luận trước đó và kịch bản thứ hai là tiến hành đàm phán lại một số điều khoản mới.

Khoảng trống để lại trong cục diện lợi ích giữa các quốc gia, khi mà Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất không còn và cách ứng xử với những hiệp định song, đa phương đang đàm phán với Mỹ, đã khiến nhiều quốc gia phải khó xử trước khi đặt bút ký vào TPP 11. Canada là một trong số đó.

 Bộ trưởng thương mại Canada, ông François-Philippe Champagne tại phiên họp về TPP ở APEC 2017. Ảnh: Reuters


Ngày 4/2/2016, khi 12 quốc gia thành viên đặt bút ký vào hiệp định TPP, tất cả đều tự tin vào một tương lai rộng mở, với những kỳ vọng về lợi ích mang lại cho 12 nền kinh tế hai bờ Thái Bình Dương.

Nhưng chỉ một năm sau, cuối tháng 1/2017, bức tranh tương lai sán lạn ấy đã đổi màu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi TPP. 11 nền kinh tế còn lại, trong đó có Việt Nam, bị đặt trước tình thế phải đưa ra các lựa chọn về việc tiếp tục hay không tiếp tục TPP.

TPP-11, hay Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương của 11 quốc gia không kể Mỹ được xúc tiến như một nỗ lực để tiếp tục giữ lại hiệp định quan trọng này. Trong đó, Nhật Bản - quốc gia tích cực nhất trong việc thúc đẩy TPP sau khi Mỹ rời đi - tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt câu chuyện.

Tuy nhiên, nỗ lực giữ lại TPP lại đặt các quốc gia thành viên đứng trước một vấn đề mới. Nhóm đầu tiên dẫn đầu là Nhật - nền kinh tế lớn nhất trong TPP 11, thể hiện rõ mong muốn đẩy nhanh tiến độ ký kết và thực hiện TPP với nền tảng giữ lại nguyên vẹn tất cả các cam kết về nội dung đã thảo luận trước đó. Trong khi một số quốc gia khác thì muốn đàm phán lại một số điều khoản trong hiệp định, khi mà trước đó được xây dựng dựa trên căn cứ "có Mỹ".

Canada - quốc gia đã không xuất hiện trong buổi ký kết chiều 10/11, thuộc nhóm thứ hai với mong muốn đàm phán lại một số điều khoản của hiệp định. Theo thông tin từ lãnh đạo Chile, chính phủ nước này muốn đàm phán lại một số vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ và Internet.

Dù vậy, cục diện mới của TPP với cả 2 tư tưởng đẩy nhanh và đàm phán, thực tế lại đang đẩy hiệp định này vào tình thế lưỡng nan.

Ở khía cạnh của nhóm các quốc gia mong muốn đàm phán lại, trong đó có Canada.

Bản thân những cam kết hiện tại trong TPP đã được thảo luận trong nhiều năm liên tục trước đó, và Mỹ với vị thế là nền kinh tế đứng đầu đã phần nào áp đặt những tiêu chuẩn của mình vào hiệp định. Điều này dẫn tới một thực tế, nếu những quốc gia tiếp tục giữ lại TPP và muốn đẩy nhanh tiến độ, dù Mỹ không góp mặt trong hiệp định này nhưng vẫn có thể áp đặt một phần "tư tưởng Mỹ" vào thương mại của 11 nền kinh tế còn lại.

Tuy nhiên, Canada lại vướng phải một vấn đề khác là quốc gia này đang tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với chính quyền ông Trump.

Dù mang lại lợi ích cho đôi bên, nhưng lợi ích của từng quốc gia đều được đặt lên bàn cân một cách thận trọng trước khi ký kết mỗi hiệp định thương mại. Canada không phải là ngoại lệ.

Nếu Canada ngay lập tức ký kết vào TPP 11 với những nền tảng thỏa thuận thương mại mang "tư tưởng Mỹ", bản thân quốc gia này sẽ mất đi "vốn liếng" khi đàm phán NAFTA. Nguyên tắc "cao hơn hiện trạng" khi đàm phán những hiệp định thương mại mới là điều mà những nước như Canada phải ngần ngại.

Mặt khác, nhiều nền kinh tế nhỏ hơn đã chấp nhận những điều khoản của TPP trước đây trên tinh thần đánh đổi lợi ích (giữa lợi ích từ thị trường Mỹ và sức ép với những tiêu chuẩn cao hơn về thương mại), sẽ mong muốn đàm phán lại khi một vế của bài toán đã mất đi (Mỹ rút khỏi TPP).

Tuy vậy, khía cạnh đầu tiên này có những rủi ro, tiêu biểu nhất là việc đàm phán lại có thể khiến việc thực hiệc TPP kéo dài hơn, thậm chí tính bằng năm. Trong kịch bản xấu nhất, việc đàm phán có thể không đi đến kết quả cuối cùng. Bình luận trên Financial Times, ông Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á cho rằng: "Nếu không thực sự nhất trí được điều gì ở Đà Nẵng, 11 quốc gia có thể tạm biệt luôn hiệp định này".

Ngoài ra, nếu hạ thấp tiêu chuẩn của TPP theo yêu cầu của một số thành viên, tinh thần chung của hiệp định này từ những ngày đầu đàm phán về nỗ lực xây dựng một bộ quy chuẩn cao về thương mại sẽ đổ bể.

Và điều này lại chính là lo ngại của Nhật Bản - nền kinh tế đứng đầu trong 11 quốc gia hai bờ Thái Bình Dương - với mong muốn đẩy nhanh tiến độ TPP.

Đứng về khía cạnh thời gian, Nhật Bản - quốc gia tích cực nhất trong việc thúc đẩy TPP sau khi Mỹ rời đi, cũng có những lý do để thúc đẩy ký kết TPP 11 càng nhanh càng tốt.

Có ý kiến cho rằng Nhật, vốn là đồng minh của Mỹ, quyết tâm giữ lại những điều khoản đã đàm phán trước đó (với Mỹ giữ vai trò chủ đạo) như một cơ hội để nền kinh tế đứng đầu thế giới có thể quay trở lại khi "nghĩ thông suốt".

Nhưng một số chuyên gia lại cho rằng Nhật Bản đang cố gắng đẩy nhanh TPP 11 để giành lấy vị trí bỏ trống của Mỹ trong việc định hình thương mại tự do ở châu Á, khi xuất hiện lo ngại rằng Trung Quốc sẽ gia tăng sức ảnh hưởng tại khu vực này sau khi Mỹ rút ra khỏi TPP. Và Nhật Bản cũng có xu hướng áp dụng những tiêu chuẩn thương mại cao hơn cho khu vực.

Nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới đang thể hiện quan điểm rõ ràng muốn gia tăng sự hiện diện và không bị bỏ lại trong cuộc đua giữa hai cường quốc dẫn đầu là Mỹ và Trung Quốc. Điều này, nếu không được đẩy nhanh có thể sẽ khiến Nhật bỏ lỡ thời cơ.

Dù còn nhiều vướng mắc, song so với giai đoạn đàm phán căng thẳng trước đó, TPP hiện tại vẫn còn nhiều cơ hội để triển khai. Dễ dàng nhất là việc thực hiện ngay TPP với khung tiêu chuẩn được thống nhất bởi 11 nền kinh tế, đồng thời "khoanh vùng" những vấn đề còn tranh cãi để tiếp tục thảo luận. "Hoặc là mọi người cùng hài lòng, hoặc là cùng thua thiệt", là ý kiến được nhận định khi nhắc đến tương lai TPP hiện tại.