Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tập đoàn Mường Thanh tự ý bắn pháo hoa: Vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Luật sư khẳng định các doanh nghiệp tổ chức sự kiện không phải đối tượng được cấp phép bắn pháo hoa. Việc tự ý tổ chức bắn pháo hoa trong sự kiện Đại hội của Tập đoàn Mường Thanh ở Khu sinh thái Mường Thanh Safari Land là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Nhiều ngày nay, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại hình ảnh màn bắn pháo hoa tầm thấp của một doanh nghiệp ở Nghệ An khiến nhiều người xôn xao.

Theo tìm hiểu của phóng viên, màn bắn pháo hoa diễn ra vào tối ngày 29/10 tại Đại hội của Tập đoàn Mường Thanh ở Khu sinh thái Mường Thanh Safari Land (xã Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An).

 Màn bắn pháo hoa rợp trời ở Khu sinh thái Mường Thanh Safari Land. Ảnh cắt từ clip

Trả lời báo chí, bà Diệu Anh, cán bộ truyền thông Tập đoàn Mường Thanh xác nhận màn bắn pháo hoa này diễn ra trong phần khai mạc Đại hội Tập đoàn năm 2017.

Bà Diệu Anh cho biết, Tập đoàn Mường Thanh đã ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần thương mại quốc tế Bình Minh (trụ sở tại TP. Vinh, Nghệ An) để tổ chức sự kiện nói trên. Màn bắn pháo hoa cũng do đối tác của Tập đoàn Mường Thanh thực hiện.

Đáng chú ý, Công an xã Diễn Lâm, Phòng văn hóa và văn phòng UBND huyện Diễn Châu cho biết thời gian qua không có tổ chức nào xin phép hay báo cáo việc bắn pháo hoa trên địa bàn xã.

Sau khi tiếp nhận báo cáo từ Công an xã Diễn Lâm, Công an huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý về việc Tập đoàn Mường Thanh tự ý bắn pháo hoa, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định các doanh nghiệp tổ chức sự kiện không phải là đối tượng được cấp phép bắn pháo hoa. Việc tự ý tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp trong sự kiện Đại hội của Tập đoàn Mường Thanh tại Khu sinh thái Mường Thanh Safari Land đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật nghiêm trọng.

 Luật sư Trương Quốc Hòe

Ông Hòe phân tích, theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ, việc tổ chức bắn pháo hoa chỉ được tiến hành trong các dịp Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Kỷ niệm ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày hội văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bên cạnh đó, việc tổ chức bắn pháo hoa trong các sự kiện trên do Ban tổ chức bắn pháo hoa được thành lập bởi Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhu cầu tổ chức bắn pháo hoa nhân các ngày kỷ niệm theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP chịu trách nhiệm thực hiện.

“Không có quy định cho phép tổ chức bắn pháo hoa tại các sự kiện, sân khấu mang tính chất cá nhân. Các doanh nghiệp tổ chức sự kiện không phải là đối tượng được cấp phép bắn pháo hoa”- Luật sư Hòe khẳng định.

Ông Hòe cho biết thêm, phía công ty tổ chức sự kiện (Công ty Cổ phần thương mại quốc tế Bình Minh - PV) dù không được cấp phép tổ chức bắn pháo hoa nhưng vẫn mua được pháo hoa trong khi pháp luật có quy định rất rõ đối tượng được mua pháo hoa phải là “các đơn vị, địa phương được phép tổ chức bắn pháo hoa quy định tại Điều 7 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.” (Khoản 1, Điều 7 Thông tư số 08/2010/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 về quản lý, sử dụng pháo).

“Cơ quan Công an cần làm rõ liệu có hành vi mua bán, nhập khẩu trái phép pháo hoa hay không để có hình thức xử lý phù hợp”, ông Hòe nói.

Nhìn nhận về góc độ pháp lý xoay quanh việc Tập đoàn Mường Thanh bắn pháo hoa ở Khu sinh thái Mường Thanh Safari Land, luật sư Nguyễn Ngọc Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Tập Đoàn Mường Thanh tổ chức bắn pháo hoa mừng buổi lễ mà chưa thông báo và xin phép tới cơ quan có thẩm quyền là đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP có quy định rất rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có các hành vi “sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa”.

Theo luật sư Ngọc Anh, việc quản lí chặt chẽ sản xuất, buôn bán và tổ chức bắn pháo sẽ đảm bảo cho việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của mọi người, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần tuân thủ đúng theo thủ tục, quy trình để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Theo quy định tại điểm b) khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép sẽ chịu mức xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Trong trường hợp việc đốt pháo hoa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng với hậu quả do hành vi gây ra như cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009) vô ý làm chết người (Điều 98 Bộ luật hình sự), vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 108 Bộ luật hình sự)...