Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ trưởng Tài chính: Thuế, phí ở Việt Nam không phải quá cao

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam là 23,9% GDP, trong đó tỷ lệ thuế, phí 19,7% GDP.

Chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.

Trước ý kiến cho rằng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam cao; gánh nặng thuế, phí lớn... Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định “tỷ lệ huy động ngân sách của Việt Nam không phải quá cao như đại biểu nói”.

Ông phân tích: Năm 2018, tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam là 23,9% GDP, trong đó tỷ lệ thuế, phí 19,7% GDP. 

Dẫn báo cáo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Bộ trưởng Tài chính cho hay tỷ trọng này tại các nước EU là 44,3%; các nước phát triển trong khu vực là 25,5%; Ấn Độ 21,3%; Malaysia 23,4%....

“Khi so sánh với các nước thì chúng ta phải đặt trong bối cảnh cùng tiêu chí, vì số thu ngân sách nhiều nước thường là số thu của trung ương, trong khi Việt Nam lại lồng ghép 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện, xã...”, ông Dũng nói thêm. 

Ngoài ra, theo ông Dũng, phạm vi thu ngân sách Việt Nam gồm cả thu từ dầu thô, sử dụng đất, nhà thuộc quyền sở hữu nhà nước, còn các nước thì không tính khoản thu đó vào thuế, phí; có nước còn tính bảo hiểm xã hội vào thu ngân sách, Việt Nam không tính khoản này. 

 “Chúng tôi có dữ liệu so sánh để thấy rằng quy định thuế, phía của Việt Nam ở mức trung bình thấp trong khu vực, thế giới”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Ông Dũng còn cho rằng, vừa qua Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm, giãn thuế nhanh, mạnh hơn so với lộ trình dự kiến... Dự kiến năm 2018, tỷ lệ huy động từ thuế, phí là 19,7% giảm hơn mức 20,1% năm 2017.

 Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định thuế, phí ở Việt Nam "không quá cao". Ảnh: Võ Văn Thành

Trước đó, đại biểu Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn than, khoáng sản Việt Nam, cho rằng vì thực trạng thu không đủ chi nên ngân sách "đã tính đến giải pháp tăng thu thông qua mức thuế và phí cao"; thực tế, có những lĩnh vực mà doanh nghiệp đã phải chịu từ 12 - 15 loại thuế và phí.

Theo ông Chuẩn, Việt Nam là một trong những nước có nguồn thu từ người dân tính trên tổng thu nhập của xã hội rất cao so với các nước cùng có mức thu nhập và trình độ phát triển.

"Số liệu của WTO vào tháng 4/2017 cho thấy, nếu tính tỷ lệ thu ngân sách/GDP thì Việt Nam đang đứng ở thứ 3 trong khu vực, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Số liệu thống kê của Ngân hàng thế giới WB cũng cho thấy, tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay ở mức bình quân khoảng 20%, cao hơn so với Thái Lan là 16,1%, Philippin 13,5%, Idonesia 12,4% và Malaysia 14,3%", ông Chuẩn nói.

Đại biểu này cũng phản ánh, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng tỷ lệ thu cao hơn đang khiến mỗi người dân phải gánh chịu khoản thuế và phí trên GDP gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước khác. Tỷ lệ huy động thuế, phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, tức là làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng. 

"Các toán buôn ma tuý cầm vũ khí trốn trong rừng"

Đề cập tới nạn buôn lậu ma tuý, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò - Phó tư lệnh Quân khu 2, cho hay đang có những nhóm người lẩn trốn trong rừng, mang vũ khí nguy hiểm, họ liên kết với nhau từ 5-10 người, thậm chí 30-40 người ẩn nấp ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào.

"Các trường hợp này khống chế người dân thành đoàn đông người đi vận chuyển ma tuý", ông Sùng Thìn Cò bày tỏ lo lắng.

Lãnh đạo Quân khu 2 kiến nghị, cùng với các chính sách chung để giải quyết vấn đề trên, trong đó có xử lý hình sự, thì chính quyền nên có cơ chế phù hợp để vận động, cải tạo các trường hợp nêu trên thành người tốt, từng bước chấm dứt tình trạng tụ tập vận chuyển ma tuý có vũ khí như hiện nay. 

Ông Sùng Thìn Cò cũng phản ánh, các tuyến đường từ trung tâm tỉnh Hà Giang đi tới cửa khẩu biên giới, đường nội tỉnh đang xuống cấp, khiến người dân đi lại khó khăn. "Lần nào đề nghị tiếp xúc cử tri, bà con cũng bày tỏ bức xúc. Đề nghị Chính phủ ưu tiên trong ngân sách trung hạn, đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Giang", ông nói.

 Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó tư lệnh Quân khu 2. Ảnh: Q.H

"Phía núi cao còn hàng nghìn liệt sĩ nằm lại"

Phát biểu với tư cách người chiến sĩ từng cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tướng Sùng Thìn Cò nói, hiện các điểm cao biên giới như 1800A, B; 1030... vẫn còn khoảng 2.500 liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh, chưa được đưa hài cốt về xuôi. 

“Hàng ngày chúng ta sống trong những ngôi nhà mái bằng, nhưng nhìn về phía núi cao vẫn còn hàng nghìn liệt sĩ nằm tại đó chưa về được với gia đình, rất đau xót”, ông nói. Gần 30 năm trôi qua, thân nhân các gia đình liệt sĩ chỉ mong trước khi đi xa được nhìn thấy hài cốt con mình được đưa về quê hương, gia đình.

Tướng Sùng Thìn Cò đề nghị Quốc hội, Chính phủ cấp trọn kinh phí một lần cho Bộ Quốc Phòng, quân khu 2 để quyết tâm trong năm 2018  - 2019 đưa hết hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang tại địa bàn Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

"Lương thấp, nhiều công chức không muốn cống hiến"

Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị các cấp có thẩm quyền tiến hành cải cách chính sách tiền lương. "Từ năm 2004 đến nay, dù đã thay đổi không dưới chục lần, song thang bảng lương khu vực hành chính vẫn thấp xa so với các khu vực khác và chưa tính theo hệ số việc làm. Điều này đã không khuyến khích công chức, viên chức làm việc, cống hiến", ông nói.

 Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị thay đổi cách tính bảng lương của cán bộ công chức. Ảnh: Q.H

Ông Bình cho rằng, cùng với cải cách hành chính thì Quốc hội, Chính phủ cần mạnh dạn đổi mới thang, bảng lương nhằm thu hút nhân tài vào làm việc tại cơ quan Nhà nước; đồng thời chú ý tới chính sách trả lương hưu cho người nghỉ trước năm 1993 do trước đây cơ chế tiền lương rất thấp.

Đại biểu Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Ninh Bình, nêu vấn đề "chính sách đãi ngộ với công chức cấp xã còn một khoảng cách với cán bộ, công chức nói chung, trong khi đây là cấp gần với người dân nhất".

Ủng hộ chủ trương chung về giảm đầu mối bộ máy hành chính, giảm biên chế để từ đó có nguồn nâng lương, tuy nhiên, đại biểu Phương đề nghị để triển khai cụ thể thì các cấp có thẩm quyền cần "lắng nghe, thảo luận kỹ khi tính toán hợp nhất hay chia tách".

"Có ý kiến hợp nhất 3 văn phòng đại biểu Quốc hội, UBND, HĐND làm một nhưng theo tôi chưa phù hợp. Bởi vì các cơ quan này làm nhiệm vụ tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu cho uỷ ban triển khai, rồi lại tham mưu hội đồng nhân dân giám sát thì không khách quan, không đảm bảo tinh thần của Hiến pháp", ông Phương phân tích.

 Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách trong 2,5 ngày. Ảnh: Q.H

Quốc hội nghị sự về kinh tế - xã hội và ngân sách từ ngày 31/10 đến trưa 2/11. "Trong ngày làm việc đầu tiên, không khí phát biểu sôi nổi, thẳng thắn có chất lượng và trên tinh thần xây dựng", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá.

Các ý kiến trên diễn đàn Quốc hội trải rộng nhiều vấn đề, từ tăng trưởng GDP, sự phụ thuộc của nền kinh tế vào một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn, cơ sở hạ tầng giao thông đầu tư "chắp vá, đứt đoạn", công tác dự báo thiên tai, buôn lậu thuốc lá, cho đến xuất khẩu nông sản, xử lý dự án thua lỗ...

Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội ở đầu kỳ họp cho thấy, tất cả 13 mục tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 vượt. Tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến là 6,7%, vừa khớp chỉ tiêu Quốc hội giao.

Năm 2018 Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 6,7%; xuất khẩu 7-8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33 - 34% GDP. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khống chế dưới 4%, lao động qua đào tạo 58-60%; dân số tham gia bảo hiểm y tế 85,2%...

Thẩm tra báo cáo trên, Ủy ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ đánh giá rõ hơn chất lượng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Cơ quan này cũng lưu ý, các chính sách đưa ra cần tránh những rủi ro phát sinh như "bong bóng" trên thị trường chứng khoán, bất động sản...