Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ 2 Cty cùng bán “Nước mắm Cửa Hội”: Cục SHTT biết sai nhưng… chưa thể sửa (!?)

Rắc rối xung quanh cuộc chiến thương hiệu Nước mắm Cửa Hội giữa Cty CP Thủy sản Nghệ An và Cty CP Chế biến thủy sản và dịch vụ Cửa Hội có lẽ sẽ khó có thể giải quyết dứt điểm, nếu Cục Sở hữu trí tuệ vẫn muốn lắng nghe thêm từ 2 phía, dù câu chuyện đã khá rõ ràng.

 Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Cty CP Thủy sản Nghệ An Nguyễn Thanh Hùng (ngồi) cho biết doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì thương hiệu bị xâm phạm

Có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu

Báo PLVN từng phản ánh việc Cty CP Chế biến thủy sản và dịch vụ Cửa Hội (Cty CP CBTSDV Cửa Hội) và Cty CP Thủy sản Nghệ An (Cty CP TS Nghệ An) cùng bán một sản phẩm nước mắm mang thương hiệu Cửa Hội và 2 cty này cùng nhận được chứng nhận từ Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT): Cty CP TS Nghệ An nhận được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa còn Cty CP CBTSDV Cửa Hội nhận được bằng chứng nhận độc quyền kiểu dáng công nghiệp (KDCN) cho nhãn sản phẩm, điều này không chỉ gây ra sự nhầm lẫn cho khách hàng mà còn mang lại một cuộc chiến tranh giành thương hiệu giữa 2 doanh nghiệp này.

Liên quan đến vấn đề này, làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng KDCN (Cục SHTT) giải thích, khi cấp bằng chứng nhận độc quyền KDCN cho nhãn sản phẩm, các thẩm định viên của phòng không quan tâm đến nhãn hiệu gì nằm trên nhãn sản phẩm, chỉ quan tâm đến bố cục, màu sắc, bảo hộ các yếu tố tạo dáng, không bảo hộ độc quyền từng dấu hiệu trên bố cục.

Trường hợp cụ thể này, chữ Cửa Hội mà Cty CP CBTSDV Cửa Hội sử dụng không có bất kỳ giá trị nào với KDCN. Và với bằng chứng nhận KDCN, Cty CP CBTSDV Cửa Hội có thể thay đổi chữ Cửa Hội bằng bất kỳ chữ nào khác mà không phải xin cấp bằng chứng nhận khác, miễn là giữ nguyên bố cục nhãn sản phẩm, bao gồm các thông tin về sản phẩm, hướng dẫn sử dụng…

Ông Ngô Việt Thắng, Trưởng phòng Nhãn hiệu hàng hóa số 2 cho biết thêm, trách nhiệm xem xét nhãn hiệu nằm trên nhãn sản phẩm có xâm phạm với thương hiệu nào không là trách nhiệm của người đề nghị cấp bằng chứng nhận độc quyền KDCN. Cụ thể, trong trường hợp này, chữ Cửa Hội đã xâm phạm với nhãn hiệu có trước đó nên Cty CP TS Nghệ An có quyền yêu cầu Cty CP CBTSDV Cửa Hội bỏ chữ Cửa Hội đi.

Ông Nguyễn Phương Minh, Phó Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại khẳng định, có yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm nhãn hiệu đối với nước mắm Cửa Hội nhưng Cục SHTT vẫn chưa thể đưa ra các quyết định cuối cùng. Phía Cục SHTT vẫn cần thời gian xem xét hết tất cả các lý lẽ của 2 bên vì có rất nhiều tài liệu mới phát sinh trong quá trình giải quyết khiếu nại.

Ông Minh cho biết, Cty CP CBTSDV Cửa Hội cho rằng sau khi mua lại tài sản thanh lý của Xí nghiệp đánh cá Cửa Hội nên họ được quyền sử dụng nhãn hiệu Cửa Hội là chưa chính xác. Vì xí nghiệp giải thể năm 2004 trong khi Cty CP CBTSDV Cửa Hội đăng ký thành lập lần đầu là năm 2006. Do đó, dấu hiệu thừa kế của Cty CP CBTSDV Cửa Hội là chưa chính xác.

Ông Minh cho biết thêm, UBND tỉnh cũng không cấp cho Cty CP CBTSDV Cửa Hội tên Cửa Hội mà chỉ đồng ý cho họ tiếp nhận những tài sản của Xí nghiệp, không đồng ý cho họ sử dụng tên của xí nghiệp. Trong khi đó, Cty Nghệ An lại có văn bản đồng ý cho sử dụng nhãn hiệu Cửa Hội đối với sản phẩm từ UBND tỉnh Nghệ An.

Rõ ràng, trong trường hợp này Cty CP CBTSDV Cửa Hội đã không trung thực trong khi tiến hành đăng ký cấp bằng chứng nhận độc quyền KDCN cho nhãn sản phẩm. Vậy nhưng, đại diện Cục SHTT cho biết, để hủy được bằng chứng nhận này “vẫn cần phải xem xét thêm” và Cục vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Có nên cấp quyền sở hữu cho nhãn sản phẩm?

Ông Ngô Việt Thắng, Trưởng phòng Nhãn hiệu số 2 khẳng định, Cục SHTT chia nhỏ từng bộ phận với vai trò khác nhau, nếu tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu thì bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký kiểu dáng thì bảo hộ kiểu dáng, không thể yêu cầu thẩm định viên kiểu dáng phải thẩm định hàng nghìn tên nhãn hiệu xuất hiện trong kiểu dáng. Đây cũng là ý kiến được ông Tuấn, Trưởng phòng KDCN đưa ra.

Với các ý kiến trả lời nêu trên sẽ dẫn đến nhiều phát sinh trong việc đăng ký bảo hộ, bởi nếu Phòng KDCN cho rằng họ chỉ quan tâm đến bố cục nhãn sản phẩm, không quan tâm đến nhãn hiệu nằm trên nhãn sản phẩm ấy là gì thì sẽ xuất hiện thêm rất nhiều Bằng chứng nhận độc quyền KDCN cho nhãn sản phẩm mang các tên thương hiệu như Lavie, Trung Nguyên… Thậm chí sẽ xuất hiện thêm các bằng chứng nhận độc quyền KDCN cho các nhãn sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài…

Như vậy, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ gặp phải nguy cơ lớn trong chuyện cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái dưới “vỏ bọc” Bằng chứng nhận độc quyền KDCN cho nhãn sản phẩm. Lúc này trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Cục SHTT có nên xem xét việc có cần phải cấp Bằng chứng nhận độc quyền KDCN cho nhãn sản phẩm khi đã cấp giấy chứng nhận độc quyền cho nhãn hiệu hàng hóa? Bởi trong trường hợp xảy ra với nước mắm Cửa Hội, Cty CP TS Nghệ An đã gặp rất nhiều rắc rối xung quanh nhãn sản phẩm của Cty CP CBTSDV Cửa Hội và cơ quan chức năng không thể vô trách nhiệm trong vấn đề này.