Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam: Rơi nước mắt xong, nghệ sĩ phải làm gì?

Đạo diễn Quốc Trọng cho rằng, quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nếu không tỉnh táo, sâu sát, uyển chuyển trong việc thực hiện sẽ thành ra “đại lãng phí”, “ăn cướp” của công…

 

Nghệ sĩ chỉ trích lẫn nhau

Rất nhiều nghệ sĩ như: NSND Trà Giang, NSND Thế Anh, đạo diễn Quốc Tuấn… đều rơi nước mắt khi nói về tình hình hiện tại của Hãng phim truyện Việt Nam. Chủ trì cuộc họp mặt báo chí của Hội Điện ảnh cùng các nghệ sĩ liên quan đến vấn đề bức xúc tại Hãng phim, đạo diễn-diễn viên Quốc Tuấn đã không ngần ngại gọi vụ việc bằng hai chữ “kinh khủng”.

Trong clip gửi ra Hà Nội, các nghệ sĩ phía Nam là NSND Trà Giang, NSND Thế Anh đều rơi nước mắt. Xem xong clip, đạo diễn Quốc Tuấn bật khóc, bày tỏ sự bức xúc khi phòng biên kịch bị biến thành quán bán chân gà nướng, đạo cụ bị vứt ra đường...

“Mảnh đất 5.000m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa, thêm 7.000m2 ở Cổ Loa, chưa kể đạo cụ, máy quay phim... mà định giá 19,7 tỷ đồng, đó là điều nực cười”, đạo diễn Quốc Tuấn bày tỏ. Anh tiết lộ thêm: “Tháng lương đầu tiên của công ty cổ phần, đội ngũ quay phim có 7 người thì chỉ 2 người đủ lương (3-4 triệu đồng/người), 5 người không có lương. Khi chúng tôi có thắc mắc thì bên Vivaso (Tổng Công ty Vận tải thủy) cho rằng, họ mới tiếp quản nên không biết, trả theo chế độ ngày xưa.

Lương của tháng tiếp theo, theo quy định sẽ được trả vào ngày 20/8 nhưng đến ngày 5/9 vẫn không có. Các nghệ sĩ kiến nghị thì nhận được câu trả lời: Những người đi làm có việc (tức là ra sản phẩm) thì được ăn lương, không làm thì không có lương. Đặc thù của nghề làm phim không thể ngày một ngày hai ra ngay sản phẩm. Chúng tôi bày tỏ sự bức xúc trên mạng xã hội thì Vivaso đã tạm ứng lương cho 50/85 người, chủ yếu là 1 triệu đồng/người”.

Chứng kiến nỗi niềm, nước mắt của nghệ sĩ, đạo diễn Trần Quốc Trọng chia sẻ: “Chúng ta không thể ngồi đó kêu khóc. Ngoài cảm xúc, anh em nghệ sĩ cũng hiểu được cần phải làm gì, hành động thế nào. Họ đã tìm đến nhóm luật sư, gửi các văn bản có liên quan đến Bộ VH-TT&DL, Phó Thủ tướng chỉ ra gốc rễ vấn đề. Mức độ nghiêm trọng, cấp thiết của sự việc cộng với hành động từ các nghệ sĩ đã khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quyết định thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa. Tất nhiên, lùm xùm này phải từng bước một tháo gỡ… Không thể nóng vội, ồn ào”.

Trước những quan điểm “tố ngược” mô hình hoạt động như của Hãng phim truyện Việt Nam là trì trệ, không sát sao về chiến lược phát triển mới dẫn đến “bi kịch” như hiện nay, đạo diễn Quốc Trọng nhận định: “Một bộ phận dư luận đang lẫn lộn khái niệm. Cổ phần hóa là xu thế tất yếu, nhưng người tham gia trong đó có các nghệ sĩ không có nghĩa vụ phải “một tay chống trời”, đưa Hãng phim phát triển thịnh vượng như Hollywood. Họ là nghệ sĩ, không phải nhà kinh tế, nhà quản lý. Nghệ sĩ chỉ cần làm đúng chức năng của mình.

Đáng buồn là trong số những người đang chỉ trích nghệ sĩ ở Hãng phim cũng có người là nghệ sĩ. Họ “tố” đồng nghiệp toàn làm “phim không ai xem” mà chẳng nhận thức được rằng kể cả việc không ai xem ấy có cả lỗi của mình. Chúng tôi đã trải qua một thời gian dài hoạt động với tư duy sống nhờ “bầu sữa mẹ”, chờ đơn đặt hàng… Nghệ sĩ không trì trệ, thậm chí họ là đối tượng luôn nhìn trước được vấn đề. Cách đây hơn 20 năm, chúng tôi đã hiểu điều này. Cụ thể, Hãng phim truyện I đã làm rất nhanh điều đó, còn Hãng Phim truyện Việt Nam quy mô lớn hơn lại không làm được vì nhiều giằng níu. Song, muộn vẫn phải làm, còn hơn không”.

Đạo diễn phim “Hoa ban đỏ” chia sẻ thêm: “Quá trình cổ phần hóa luôn kéo theo những bất cập. Trong rất nhiều lý do thì có một điều cơ bản rằng, chúng ta chỉ hiểu “mang máng” cổ phần hóa để giảm tải gánh nợ, chi phí cho nhà nước nhưng nếu không tỉnh táo, sâu sát, uyển chuyển trong việc thực hiện thì sẽ thành “đại lãng phí”, “ăn cướp” của công”.

Chưa thể kết luận đầy đủ

 

Từ ngày 20/9 đến nay, câu chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam đã rơi vào thế “quay như chong chóng”. Sáng 20/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thị sát Hãng phim truyện Việt Nam. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng chủ trì một cuộc họp rút kinh nghiệm với Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Ban Lãnh đạo mới của Hãng phim.

Sáng 21/9, tập thể nghệ sĩ Hãng phim họp với Hội Điện ảnh về tình hình sau cổ phần hóa mà chủ yếu các ý kiến, bức xúc đều xoay quanh việc lương thấp, chậm lương, không có định hướng làm nghề, sự thiếu minh bạch trong quá trình cổ phần hóa. Tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam tuyên bố, Hội sẽ có kiến nghị tạm dừng cổ phần hóa, yêu cầu lập đoàn thanh tra độc lập để rà soát quy trình, đồng thời báo cáo vấn đề này với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Liên quan đến việc thua lỗ của Hãng Phim truyện Việt Nam, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, quá trình cổ phần hóa Hãng phim chưa hoàn tất là do chưa xác định được giá trị doanh nghiệp lần hai. Cũng theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, vị trí của Hãng phim hiện nay được coi là “mảnh đất vàng”, dẫn tới nhiều người suy diễn rằng nhà đầu tư khi sở hữu có thể quy ra làm nhà hàng, khách sạn… Theo phương án cổ phần hóa, địa điểm này là hoàn toàn đi thuê, nhưng đi thuê vẫn phải theo quy hoạch của địa phương. Tức là địa điểm chỉ để làm phim chứ không phải làm khách sạn.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: “Bộ VH-TT&DL yêu cầu nhà đầu tư phải công khai, minh bạch, dân chủ trong cách quản trị của doanh nghiệp mình. Lấy ý kiến của tập thể, cán bộ của cơ quan, lương, công việc, chỉ tiêu. Nhà đầu tư cũng đã hứa với Bộ sẽ làm tốt, cố gắng làm sao làm tốt được các bộ phim đặt hàng của nhà nước… cùng chung sức để giữ được truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam sau bao nhiều năm gây dựng”.