Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Nâng cấp đập thủy lợi “bỏ mặc” dân trong vùng nguy hiểm

Việc nâng cấp đập nước thủy lợi Hồ Trung (xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, sau gần 4 năm nhiều hộ dân nằm trong khu vực này, đã rơi vào tình trạng cần di dời do bị ngập nước lòng hồ và đang bị chính quyền “bỏ quên” trong vùng nguy hiểm.

 Không có tiền GPMB nên nay các móng nhà cỏ đã mọc, sắt đã hoen gỉ vẫn chưa thể di dời đến nơi an toàn đã định.

Dự án tiền tỷ nhưng “quên” việc đảm bảo an toàn cho người dân

Dự án sửa chữa, nâng cấp đập chứa nước Hồ Trung (xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 1025/QĐ-UBND vào tháng 3/2013 do ông Hồ Đức Phớc (thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – PV) ký. Dự án trên do UBND huyện Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 14.8 tỷ đồng do Cty TNHH Đức Hải trúng thầu thi công.

Đến tháng 2/2014, việc thi công dự án trên được tiến hành và được sự đồng thuận cao của người dân. Đặc biệt, thấy việc nâng cấp đập là cần thiết và được chính quyền hứa di dời đến nơi an toàn, nên các hộ dân ở đây ủng hộ tạo điều kiện cho đơn vị thi công. Nhưng sau thời gian dài thì có 4 hộ dân trong vùng công trình lòng hồ bị ngập nhưng vẫn không được chi trả đền bù, nên còn 50m bờ đập nữa người dân ngăn cản không cho thi công.

 Sau các trận mưa bão nước trong lòng đập đã dâng cao ngập đến mé thềm nhà ở của anh Nguyễn Trọng Lưu nhưng đến nay gia đình anh vẫn chưa được di dời đến nơi ở an toàn hơn.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyễn Trọng Lưu (trú tại xóm 7A, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu) cho biết: “Gia đình tôi đã ở đây hàng chục năm, đất ở, đất vườn của cha tôi đã được cấp bìa đỏ. Trước khi tiến hành thực hiện dự án địa phương có nói sẽ cắm mốc nơi cao trình ngập nước đến đất ở, vườn, nhà của tôi và hứa sẽ bồi thường để di dời đến nơi an toàn. Tôi cũng đã khuyến khích gia đình chuyển đến nơi cao hơn cho an toàn nên đã xây móng nhà khác ở ngay trong vườn nơi có vị trí cao hơn.

Nhưng cứ chờ mãi chỉ thấy chính quyền đến đo đạc, kiểm đếm xong lại về mà tiền đền bù mãi không thấy chi trả cho người dân di dời. Giờ mỗi khi mưa lũ đến nước ngập vào đến tận thềm nhà tôi. Trong khi đó, tôi có con nhỏ nên ngoài việc nước lòng hồ ngập lên ảnh hưởng đến sản xuất thì tính mạng gia đình tôi ai dám đảm bảo an toàn khi có mưa lũ nước lòng hồ dâng cao. Vì thế 50m bờ đập đi qua ngõ nhà tôi, tôi vẫn chưa cho thi công trừ khi đền bù thỏa đáng để tôi đưa vợ con tôi đến nơi an toàn sinh sống”.

 Khu vực nhà ở anh Lưu và một số gia đình khác trong tình cảnh tương tự vẫn bị chính quyền “bỏ quên” ở trong vùng nguy hiểm.


Ngoài anh Lưu thì còn 3 hộ gia đình khác một phần diện tích đất vườn, nhà ở cũng nằm trong cao trình bị ngập của lòng hồ nhưng cũng chưa được đền bù để di dời. Các hộ dân khác cũng chung nỗi lo khi vườn, một phần nhà bị mỗi khi mưa bão. Nước dâng cao kèm theo nỗi bức xúc vì bị chính quyền “bỏ quên” trong vùng nguy hiểm.

Qua thực tế PV ghi nhận được quanh khu vực lòng hồ nơi các hộ dân bị ảnh hưởng đã được đóng các cọc mốc bê tông làm ranh giới cao trình ngập lòng hồ. Tại một số nhà dân váng bùn đất do nước ngập lên sau các trận mưa bão vẫn còn hằn trên tường nhà. Dọc bờ đập còn khoảng 50m chưa được thi công, phía chân đập ở vị trí này còn đoạn dài khoảng 500m chỉ mới đổ đá lởm chởm cũng chưa được hoàn thiện.

Điều đáng nói, khi một công trình thủy lợi được đầu tư hàng chục tỷ đồng và việc xác định khu vực dân bị ảnh hưởng được đánh giá từ trước đó, nhưng lại không hề có kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) để chuyển những hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Quả bóng trách nhiệm được đá đi đá lại

Để làm rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Lưu Hải Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu. Qua làm việc ông Việt cũng thừa nhận: Việc di dời một số hộ dân ra khỏi vùng không an toàn của đập Hồ Trung về lâu dài là cần thiết. Về vấn đề cần di dời người dân ở khu vực không an toàn do ảnh hưởng việc nâng cấp, sửa chữa đập Hồ Trung UBND xã Quỳnh Châu cũng đã nêu ý kiến với đại diện lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu ở những lần đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng ngập do dự án trên.

Tuy nhiên, ông Việt cũng cho biết: Việc không có tiền chi trả để di dời các hộ dân là do ban đầu UBND huyện giao cho đơn vị trực tiếp hưởng lợi từ công trình là UBND xã Quỳnh Châu có trách nhiệm GPMB. Nhưng phía UBND huyện lại không đưa ra số lượng cần bồi thường để di dời cụ thể nên đến khi công trình làm gần xong dân kêu xã kiểm đếm thì số tiền cần để GPMB di dời người dân quá lớn trong khi đó ngân sách xã hạn hẹp nên không thể di dời người dân.

“Việc di dời một số hộ dân ở khu vực đập Hồ Trung đến nơi an toàn về lâu dài là rất cần thiết nên việc này chúng tôi đã kiến nghị với đại diện UBND huyện trong những lần tiếp dân. Còn việc giao chính quyền xã chi trả GPMB để di dời người dân với số tài sản lên đến cả tỷ đồng thì ngân sách xã lấy đâu ra. Dăm ba trăm còn khó nói chi đến tiền tỷ, việc này chính quyền xã cũng đã có tờ trình khó khăn lên cấp trên cụ thể”, ông Việt phân trần.

Cùng vấn đề trên ông Hồ Xuân Nam, cán bộ Bạn Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Quỳnh Lưu lại cho biết: Trước khi phê duyệt dự án đã yêu cầu địa phương trực tiếp hưởng lợi từ dự án phải tiến hành GPMB và đảm bảo an ninh cho đơn vị thi công. Trực tiếp ở đây là UBND xã Quỳnh Châu đã cam kết sẽ tự cân đối ngân sách hàng năm để tiến hành GPMB.

Nhưng khi số tiền GPMB quá lớn so với ngân sách xã chính quyền cấp dưới lại không có thông báo cụ thể lên cấp trên để xử lý. Vì vậy, hiện nay công trình vẫn chưa hoàn thành khi còn 50m bờ đập người dân chưa cho thi công. Cũng chính từ đó công trình cũng chưa được bàn giao, nghiệm thu để quyết toán cho đơn vị thi công.

“Việc đóng mốc khu vực cao trình cửa tràn được đóng mốc từ trước đó. Từ khi bắt đầu chuẩn bị phê duyệt dự án, xã đã cam kết GPMB và đảm bảo an ninh cho đơn vị thi công còn phê duyệt dự án không có kinh phí GPMB nên huyện không chi ra được. Khi người dân đòi tiền bồi thường để di chuyển đến nơi ở mới thì phía xã có nhờ phía UBND huyện về tiến hành trích đo, kiểm đếm đất đai và tài sản cụ thể cần bồi thường cho người dân. Cũng đến lúc này số tiền cần bồi thường để di dời người dân quá lớn so với ngân sách xã thì UBND xã Quỳnh Châu không làm theo đúng cam kết ban đầu và mới báo lên UBND huyện”, ông Nam cho biết.

Mùa mưa lũ đã bắt đầu đến trong lúc UBND xã Quỳnh Châu và UBND huyện Quỳnh Lưu đang “đá bóng trách nhiệm” về việc di dời đảm bảo tính mạng cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án sửa chữa, nâng cấp đập Hồ Trung thì những hộ dân đang từng ngày lo lắng cho chính tính mạng và tài sản của họ bên dòng nước dữ.