Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ trưởng GD&ĐT: 'Chúng ta phải hết sức bình tĩnh'

Trước hàng loạt vấn đề được cho là bất cập sau kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng xã hội cần nhìn nhận, đánh giá một cách bình tĩnh, thấu đáo.

Sáng 11/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2016-2017 với giáo dục đại học. Hội nghị được tổ chức tại 3 điểm cầu, Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Nhiều vấn đề được xã hội quan tâm

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề cập nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục mà thời gian qua xã hội đặc biệt quan tâm trong kỳ thi tuyển sinh và xét tuyển vào đại học, cao đẳng 2017. Đó là "mưa" điểm 10, thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học, điểm chuẩn sư phạm thấp...

Về hiện tượng nhiều điểm 10, Bộ trưởng GD&ĐT nói vấn đề này không đúng như dư luận lo lắng. Bản chất của hiện tượng là do phương thức thi 2017 có nhiều đổi mới, nhiều môn chuyển từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm. Trong đó, tỷ lệ điểm 9, 10 là 3%-4% nhưng điểm trunh bình vẫn chiếm đa số.

Người đứng đầu ngành giáo dục nói: “Cần hết sức bình tĩnh để nhìn nhận hiện tượng này. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung hơn về vấn đề kỹ thuật để hoàn thiện ngân hàng, chuẩn hóa đề thi để tạo niềm tin cho xã hội”.

Ngành giáo dục sẽ khắc phục bằng cách rút kinh nghiệm ra đề thi phân hóa rõ nét hơn nữa.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Năm đầu tiên chúng ta triển khai đề thi trắc nghiệm chuẩn hóa, kết quả như vậy đã là một sự cố gắng lớn, tuy nhiên cần phải hoàn thiện về mặt kỹ thuật để năm sau đề thi có sự phân hóa tốt hơn nữa”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017. Ảnh: Quyên Quyên.  

Về việc nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng một, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải do tuyển sinh 2017 ứng dụng công nghệ thông tin tốt, tính minh bạch cao nên nhiều thí sinh đã tập trung xét tuyển vào số ngành "hot" dẫn đến điểm chuẩn một số trường lên cao.

Ngoài ra, các trường quân đội, công an giảm chỉ tiêu nên đẩy điểm chuẩn lên cao. Ngành Y đa khoa năm nào cũng điểm chuẩn cao. Ông Nhạ khẳng định cần hết sức bình tĩnh, không nên nhìn vào hiện tượng mà đánh giá bản chất, bất cứ vấn đề nào cũng cần nhìn nhận toàn diện khách quan, bình tĩnh đánh giá.

Về điểm ưu tiên, bộ trưởng cho rằng duy trì là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ trưởng GD&ĐT sẽ lắng nghe ý kiến của dư luận để có những khảo sát thực tế và điều chỉnh phù hợp.

Trước sự quan tâm của dư luận về điểm chuẩn đầu vào trường sư phạm thấp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm nhìn cả quá trình chứ không chỉ 1-2 năm gần đây. Trên thực tế, điểm chuẩn sư phạm của các trường đại học không thấp, chỉ thấp ở một số trường cao đẳng và trường không chuyên về sư phạm.

Bên cạnh đó, có những ngành không chỉ cần kiến thức mà còn là tài năng, ví dụ như giáo viên mầm non, thì rất cần kỹ năng về múa hát, phẩm chất yêu trẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, nói: ĐH Sư phạm Hà Nội thông tin trình độ đội ngũ giảng viên và tiến sĩ của ngành sư phạm tốt hơn so với toàn hệ thống.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chưa hoàn thành quy hoạch riêng cho các trường sư phạm, chưa ban hành bộ quy chuẩn đánh giá cơ sở sư phạm, chưa kiểm soát được trình độ đầu vào và đầu ra cũng còn nhiều băn khoăn, gây bức xúc cho dư luận.

Bộ trưởng GD&ĐT cam kết sẽ giải quyết nhanh vấn đề này, quy hoạch lại các trường sư phạm, chỉ tập trung một số đại học sư phạm lớn, còn những trường khác làm vệ tinh, ban hành chuẩn giáo viên để các trường sư phạm triển khai.

Ngoài ra, có những chính sách nằm ngoài tầm kiểm soát của Bộ GD&ĐT, bộ sẽ làm việc với Bộ Nội vụ để từng bước giải quyết. Tuần tới, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với các trường sư phạm về vấn đề này để đưa ra giải pháp.

Nghịch lý 30 điểm vẫn trượt đại học

Theo TS Lê Trường Tùng, thí sinh 30 điểm vẫn trượt ngành yêu thích sẽ tạo nên bức tranh tổng thể "buồn cười". Điểm chuẩn đại học lên đến 30,5 là bất hợp lý.

Điểm yếu là có thật
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu trong công cuộc đổi mới giáo dục, chúng ta phải chấp nhận những sự việc gây “sóng sánh”, bởi đổi mới mà không thay đổi gì là sai.

“Chúng ta cần hết sức bình tĩnh, cần nhìn mọi sự việc có căn cứ, thấu đáo, để xác định đâu là trách nhiệm của bộ trưởng, địa phương hay các cơ sở giáo dục, tránh việc không phải nhiệm vụ của mình mà bức xúc”, ông Nhạ nói.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng việc thi và xét tuyển, điểm yếu là có thật, nhưng toàn ngành rất cố gắng, có cố gắng là có thành công. Kỳ thi THPT quốc gia 2017 là sự nỗ lực cao của các đơn vị, hai nhóm xét tuyển miền Bắc, miền Nam và các trường, tuyển sinh đạt được nhiều kết quả.

Tuy nhiên, có những hạn chế không phải bây giờ mới có nhưng vì sự minh bạch thông tin nên bây giờ mới bộc lộ. Có những hạn chế không phải khắc phụ được luôn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - đề xuất năm 2018, Bộ GD&ĐT nên giữ ổn định phương thức thi và xét tuyển, cần điều chỉnh một số chi tiết kỹ thuật nhỏ để việc xét tuyển hợp lý hơn. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh để đề thi phân hóa tốt hơn, xem xét điểm ưu tiên để ấp dụng phù hợp hơn trong bối cảnh mới.

Sau kỳ thi THPT quốc gia 2017, nhiều chuyên gia giáo dục chỉ ra những bất cập cần được xem xét cải tổ.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 kém nhất ở khâu ra đề, do chưa đủ thời gian chuẩn bị ngân hàng câu hỏi.

Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng do thay đổi hình thức thi trắc nghiệm, đề thi không phân hóa được thí sinh, dẫn đến nhiều vấn đề như "mưa" điểm 10, nghịch lý 30 điểm trượt đại học...