Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh tiên phong triển khai ứng dụng 'Phần mềm thông minh'

Với mục tiêu xây dựng môi trường bệnh viện chuyên nghiệp, hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế , từ ngày 1/7/2017, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh triển khai 'Phần mềm thông minh' dựa trên các ứng dụng tiên tiến của CNTT.

Đây là đơn vị y tế đầu tiên trong khu vực ứng dụng phần mềm thông minh FPT. EHospital do công ty cổ phần Viễn Thông FPT cung cấp.

Tiện ích tối đa cho người bệnh

Mỗi ngày, trung bình Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh tiếp nhận số lượng bệnh nhân lớn, với hơn 1.000 lượt khám, chữa bệnh. Thế nhưng, từ khi triển khai ứng dụng "Phần mềm thông minh" vào quy trình khám, chữa bệnh (KCB), đã không còn tình trạng người bệnh xếp hàng, chờ đợi mệt mỏi để đến lượt khám, ùn ứ tại khu vực tiếp nhận và khám bệnh.

Theo đó, người bệnh có thẻ BHYT khi đến KCB sẽ thực hiện mọi thủ tục đăng ký khám bằng cách quẹt thẻ BHYT để lấy số thứ tự khám bệnh, bảo đảm sự nhanh chóng, chính xác.

Thời gian tới, bệnh viện đang có kế hoạch phát hành "thẻ khám thông minh" cho người bệnh. "Phần mềm thông minh” hỗ trợ bệnh nhân chỉ cần lấy số thứ tự một lần xuyên suốt trong cả quá trình KCB, đồng thời liên tục kết nối vào phần mềm quản lý tổng thể của bệnh viện.

Mặt khác, nhờ hệ thống màn hình Led lắp đặt ở tất cả các phòng khám và cận lâm sàng mà bệnh nhân dễ dàng theo dõi thông tin KCB của mình; đồng thời bệnh viện dễ dàng quản lý các hoạt động nhân viên đang thực hiện.

 Người bệnh có thẻ BHYT khi đến KCB tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh sẽ đăng ký khám bằng cách quẹt thẻ BHYT để lấy số thứ tự khám bệnh. Ảnh: Sỹ Minh

Cùng với đó, hiện Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh đang tiến tới triển khai hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Đây là dịch vụ thanh toán mới, góp phần đơn giản hóa thủ tục liên quan đến chi trả viện phí, rút ngắn quy trình, thời gian chờ đợi khám bệnh; đem lại nhiều thuận lợi cho cả người bệnh và bệnh viện.

Ông Nguyễn Văn Nam (62 tuổi, phường Trung Đô, TP. Vinh) thường đến khám bệnh định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. Thay vì xếp hàng ở khu vực đón tiếp, xếp hàng chờ đợi đến số thứ tự mất khoảng 10 - 20 phút, nay ông Nam chỉ mất chừng 5 - 10 giây hoàn thành việc đăng ký khám bệnh.

Ông Nam cho biết: “Với quy trình thực hiện các thủ tục nhanh gọn bệnh viện mới triển khai đã giảm rất nhiều thời gian chờ đợi cho người bệnh, mặc dù bệnh nhân đến khám tại đây lúc nào cũng đông. Ngoài ra, người bệnh còn có thể theo dõi quy trình khám bệnh, đang được các bác sĩ thực hiện cho mình trên hệ thống màn hình. Những đổi mới của bệnh viện, khiến người dân thực sự hài lòng”.

 Hệ thống màn hình Led lắp đặt ở tất cả các phòng khám và cận lâm sàng giúp bệnh nhân dễ dàng theo dõi thông tin KCB. Ảnh: Sỹ Minh

Còn bà Phan Thị Lan (56 tuổi, ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu), bệnh nhân nội trú tại khoa Nội tổng hợp chia sẻ: "Chất lượng KCB của bệnh viện rất tốt, bác sĩ chăm sóc tận tình. Hệ thống máy móc hiện đại còn lưu lại lịch sử khám bệnh của từng bệnh nhân, nên khi người bệnh vào điều trị được theo dõi, tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả; tôi thực sự yên tâm khi điều trị tại bệnh viện”.

Ngoài ra, ứng dụng "Phần mềm thông minh" còn hỗ trợ tích cực cho các bác sĩ trong công tác khám, điều trị và quản lý tại bệnh viện. Toàn bộ thông tin và bệnh án của bệnh nhân được lưu vào hệ thống dữ liệu tại bệnh án điện tử của bệnh viện, nên bác sĩ cũng tiết kiệm rất nhiều thời gian viết hồ sơ bệnh án.

 Bệnh án điện tử đang được Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh ứng dụng, hỗ trợ tích cực cho bác sĩ trong khám, điều trị và quản lý hoạt động KCB. Ảnh: Sỹ Minh

Bác sĩ CKI Lê Thị Mỹ Hạnh - Trưởng khoa Nội - Tim mạch - Nội tiết cho biết: "Với bệnh án điện tử, bác sĩ chỉ mất thời gian rất ngắn để truy cập thông tin vào máy, từ đó có đầy đủ thông tin về người bệnh và đưa ra y lệnh điều trị kịp thời. Nhờ đó mà chúng tôi dành nhiều thời gian thăm khám, tư vấn kỹ hơn cho người bệnh.

Phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện được bổ sung các chức năng hỗ trợ bác sĩ kê đơn thuốc như: Cảnh báo tương tác thuốc, kê thuốc theo phác đồ điều trị. Trong công tác điều trị bệnh nhân nội trú, bệnh án điện tử sẽ giúp quá trình tìm kiếm thông tin của người bệnh thuận lợi, chính xác và nhanh chóng hơn nhiều. Các phần mềm ứng dụng hỗ trợ hoạt động chuyên môn nhằm hạn chế sai sót trong quá trình khám và điều trị cho người bệnh".

Nâng cao chất lượng KCB, quản lý bệnh viện

Để triển khai "Phần mềm thông minh” thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh đã đầu tư, trang bị hệ thống mạng, máy chủ và hàng trăm máy tính... Ngoài chi phí lắp đặt máy móc, mỗi tháng, bệnh viện đầu tư hàng trăm triệu đồng để duy trì hoạt động của hệ thống. "Phần mềm thông minh" góp phần nâng cao chất lượng KCB, dịch vụ y tế và quản lý hiệu quả tại bệnh viện.

Cụ thể, ứng dụng CNTT sẽ vận dụng khả năng dự báo và giám sát của hệ thống thông tin trong hoạt động quản lý bệnh viện, giúp phát hiện sai sót và chủ động can thiệp sớm nhằm hạn chế thấp nhất tai biến và đáp ứng yêu cầu của người bệnh; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý khám, chữa bệnh, bao gồm kiểm soát chi phí điều trị tránh lạm dụng và sai sót trong BHYT.

 Từ tháng 7/2017, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh ứng dụng phần mềm thông minh vào quy trình KCB và quản lý bệnh nhân. Ảnh: Sỹ Minh

Với định hướng nâng cao chất lượng KCB, cải thiện chất lượng các dịch vụ y tế, bác sỹ Phạm Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh cho biết: "Chúng tôi xác định lấy CNTT làm bước đột phá và dần số hóa tất cả các hoạt động KCB, từng bước tiến tới xây dựng bệnh viện thông minh trong tương lai. Cụ thể, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người bệnh khi đến thăm khám, điều trị.

Đồng thời xây dựng môi trường bệnh viện hiện đại, chuyên nghiệp trong tất cả các hoạt động; chủ động có giải pháp trong quản lý, sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế một cách hợp lý. Lãnh đạo bệnh viện thông qua "phần mềm thông minh", đều có thể quản lý được hoạt động của các khoa phòng, nhân viên; quản lý nguồn kinh phí hiệu quả hơn”.

Đó là những kết quả bước đầu triển khai "Phần mềm thông minh”. Và hơn hết là sự phản hồi rất tích cực từ người bệnh, từ khi bệnh viện ứng dụng phần mềm này trong hoạt động KCB và quản lý bệnh viện.

Để đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân, bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT và hoàn thiện hơn nữa mô hình “bệnh viện thông minh”. Thời gian tới, bệnh viện đang tiến tới triển khai phần mềm Pacs - lưu trữ, truyền tải và hội chẩn trực tuyến đối với các hình ảnh chụp cắt lớp CT, chụp cộng hưởng từ, XQ, nội soi, siêu âm... nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.