Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kỳ bí hai ngôi mộ voi và những câu chuyện rơi nước mắt

Khi tin đồn ngà và một số bộ phận khác trên cơ thể voi có thể trị được bách bệnh, đàn voi ở Buôn Đôn (Đắk Lắk) phải hứng chịu sự thảm sát tàn khốc từ nạn “voi tặc”. Ngay cả những chú voi đã được thuần dưỡng, cũng bị đám thợ săn nhòm ngó.

 

 Voi Pắk Kú lúc còn sống.

Cả làng canh xác voi

Tìm đến hai ngôi mộ voi ở buôn N’drếch, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk, không mấy ai cầm được nước mắt khi nghe lại câu chuyện về cái chết của voi Pắk Kú và voi H’phan.

Pắk Kú được các Gru (thợ săn voi) bắt về từ năm 1978. Sau 6 tháng thuần dưỡng, chú voi này bắt đầu hòa nhập với đàn voi của buôn làng.

Trong khoảng thời gian đó, Pắk Kú cùng thợ săn trong buôn “chinh chiến”, lập được nhiều công trạng, thu phục được rất nhiều voi rừng khác.

Sang năm 1988, một người ở huyện Chư Sê (Gia Lai) đến Buôn Đôn chơi. Thấy voi Pắk Kú quá đẹp, lại hiền lành nên gọi người nhà đem tài sản tới đổi về.

Mãi tới năm 2009, bà Lê Thị Thanh Hà - chủ khu du lịch sinh thái Buôn Đôn chuộc lại, đem về phục vụ du lịch.

Hồi đó Pắk Kú là chú voi rất thông minh, hay nghịch ngợm và sở hữu cặp ngà đẹp nhất (dài gần 1m). Không những du khách tới tham quan mà trẻ con, người già trong buôn, ai ai cũng quý mến Pắk Kú.

“Nó cũng biết vui, biết buồn, biết giận như con người vậy. Cũng vì Pắk Kú có cặp ngà quá đẹp nên mới mang họa sát thân”, bà Hà cho biết.

Chiều 15/10/2010, Pắk Kú được cho vào rừng ăn. Đến sáng hôm sau, người quản tượng vào rừng tìm, đưa Pắc Kú trở về nhưng không thấy đâu. Một lát sau, anh phát hiện quanh đường và gốc cây có vết máu.

Biết chắc voi đã gặp nạn, người quản tượng liền thông báo cho cả làng tới tìm. Lần theo vết máu suốt 5km, người dân mới tìm thấy Pắk Kú nằm im lìm trong một bụi cây thuộc địa bàn xã Ia R’vê (huyện Ea Súp). Lúc đó, Pắc Kú bị “voi tặc” chém tổng cộng 217 nhát, chọc mù mắt và bỏng nhiều phần trên cơ thể.

Ngay sau đó, Ban giám đốc khu du lịch Buôn Đôn đã liên hệ, nhờ tới sự giúp đỡ của Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thú y Đắk Lắk để cứu voi.

Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, voi không thể đứng dậy được. Đến ngày 6-1-2011, Pắk Kú đã trút hơi thở cuối cùng.

Bà Hà kể lại: “Lúc Pắk Kú gặp nạn, không ai cầm được nước mắt. Vì chút lợi trước mắt mà voi tặc đã ra tay quá tàn ác khiến người dân trong buôn vô cùng phẫn nộ. Cả 217 vết chém đều rất sâu, có nhát còn chém rớt cả mảng thịt. Tuy nhiên Pắk Kú đã chạy thoát và không bị cưa ngà”.

Sau khi voi chết, bà Hà đã nhờ tới lực lượng công an huyện Buôn Đôn, cùng đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn tham gia canh giữ, bảo vệ xác voi suốt 3 ngày liền để tiến hành xây mộ, chôn cất Pắk Kú.

Voi cũng biết “yêu”

Cạnh mộ voi Pắk Kú là mộ của voi H’Panh. Không lập được nhiều chiến công “hiển hách” nhưng H’Panh cũng được du khách và bà con hết sức yêu quý.

H’Panh là voi cái, được “vua voi” Ama Kông bắt về năm 1955, sau khi thuần dưỡng, Ama Kông đem bán cho một người ở huyện Krông Pắk .

Đến năm 2003, vợ chồng bà Hà chuộc về để phục vụ trong khu du lịch.

H’Phanh rất hiền và đặc biệt tinh khôn. Đến bây giờ, người dân nơi đây vẫn nhớ như in về câu chuyện H’Panh “yêu” và được buôn làng tổ chức cưới chồng vào năm 2004.

 Mộ voi Pắk Kú.

Vào thời điểm đó, trong buôn cũng có chú voi Y Khăm khá to và khỏe mạnh. Nhiều lần, những người trong khu du lịch nhìn thấy H’Panh và Y Khăm tình tứ bên nhau.

Đến mùa voi động đực, Y Khăm và H’panh “hẹn hò” nhau vào rừng hơn 2 tháng. Lúc đó, người đồng bào bản địa có phong tục bắt tội voi. Nếu chủ nhân đã biết voi “yêu nhau” thì phải giết heo, gà, mời thầy cúng tới tổ chức lễ cưới. Bằng không, sẽ bị phạt nhiều trâu bò.

Bởi vậy, bà Hà đã đứng ra tổ chức lễ cưới cho H’Panh và Y Khăm. Khi còn khỏe, H’panh thường được giao nhiệm vụ dẫn các đoàn khảo sát đi xung quanh vườn quốc gia Yok Đôn.

Một lần lên ngọn núi cao nhất, H’panh phát hiện ra loài thú dữ nên ra hiệu và chở cả đoàn thám hiểm về nhà an toàn. Ngoài ra, H’Panh còn là “diễn viên” trong phim Tây Sơn hào kiệt, chở vua Quang Trung (diễn viên Lý Hùng đóng) tiến quân ra Bắc.

Tháng 5/2010, khi được thả vào rừng ăn, H’Panh bị sập hầm của “voi tặc” và chết, thọ tròn 55 tuổi. Tiếc thương trước sự ra đi của H’Panh, bà Hà nhờ người xây mộ và thắp hương, làm lễ giỗ hằng năm cho voi.

Hiện tại, mộ voi Pắk Kú và mộ voi H’panh trở thành một trong những điểm tham quan thú vị đối với du khách thập phương khi đến với khu du lịch sinh thái Buôn Đôn.