Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hải sản tầng đáy biển miền Trung cơ bản an toàn

Đại diện ngành y tế khẳng định hải sản miền Trung đã cơ bản an toàn, trong khi Bộ trưởng VH-TT-DL cho biết du lịch 4 tỉnh miền Trung đã tăng trưởng trở lại còn cao hơn cả trước khi xảy ra sự cố môi trường biển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp
ẢNH: TTXVN

Đó là hai tin vui đáng chú ý được công bố tại ngày làm việc đầu tiên của cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 diễn ra hôm qua (3.7). Chính phủ đối thoại trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế xã hội nửa đầu năm và phương hướng nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm 2017.

"Biển miền Trung năm nay tấp nập khách"

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận nửa đầu năm tình hình kinh tế - xã hội đất nước có nhiều chuyển biến, thuận lợi. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng dần tốt lên khi quý 2 đã tăng mạnh hơn quý trước, nhất là trong hai tháng 5 và 6. Sản xuất tiếp tục phát triển, xuất khẩu tăng hơn nhiều cùng kỳ với mức 18,9%. Thu ngân sách tăng mạnh, đặc biệt ở các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn. Hai ngành nông nghiệp, dịch vụ phục hồi ấn tượng, khách quốc tế tăng trên 30% để VN trở thành 1 trong 12 nước tăng trưởng mạnh về du lịch.

Minh họa rõ nét hơn, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay 6 tháng đầu năm cả nước đón 6,2 triệu khách quốc tế, tăng 30% và 41 triệu khách nội địa. Hầu như tháng nào tỷ lệ du khách cũng tăng đều ở mức 29 - 30%. "Hầu hết các địa phương trọng điểm tăng cao.

4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa không những đã phục hồi mà tăng cao hơn thời gian trước đó", Bộ trưởng Thiện nói. Đại diện các tỉnh trọng điểm về du lịch như Nghệ An, Quảng Ninh, TP.Hải Phòng, TP.HCM, Hà Nội cũng đều khẳng định du lịch là một trong những ngành tăng trưởng ấn tượng.

Chia sẻ về vấn đề này, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Biển miền Trung năm ngoái đìu hiu, năm nay tấp nập không đủ chỗ nghỉ chỗ ăn".

Một trong những lý do khiến du lịch miền Trung tăng mạnh là nhờ môi trường biển đã cơ bản phục hồi. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, cùng việc Bộ TN-MT công bố nước biển miền Trung đã an toàn cũng như ngành y tế thông báo hải sản nước tầng trung và nước mặt đã có thể đánh bắt và tiêu thụ thì từ giữa năm 2016 đến tháng 3.2017, cơ quan này đã phối hợp nhiều chuyên gia quốc tế để giám sát và đánh giá các chỉ số môi trường biển tầng đáy ở 4 tỉnh miền Trung.

Theo đó, phương pháp được thực hiện là lấy mẫu ở biển miền Trung, so sánh với mẫu tương đương ở biển các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa -Vũng Tàu và TP.Hải Phòng để đối chứng. Theo ông Cường, về cơ bản hải sản tầng đáy tại vùng biển 4 tỉnh này đã an toàn và ngành y tế sẽ sớm thống nhất với các nhà khoa học để công bố.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là câu chuyện ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân nên nếu ngành y tế cùng các nhà khoa học xác định đã an toàn thì trong vòng nửa tháng tới cần họp báo để công khai cho người dân, dư luận được yên tâm.

Ưu tiên vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong lãnh đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong thời gian qua. Đó là việc tiêu thụ sản phẩm nông sản còn khó khăn, giá giảm. Tăng trưởng công nghiệp xây dựng thấp hơn cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm mạnh; số doanh nghiệp (DN) rời thị trường vẫn tăng; giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao và đạt 36% dự toán của Quốc hội.

Thủ tướng bày tỏ không hài lòng khi cổ phần hóa thoái vốn ở DN nhà nước rất chậm khi 6 tháng mới có 20 DN được cổ phần hóa và số vốn thoái được chỉ đạt 11.600 tỉ đồng trong khi kế hoạch cả năm là 60.000 tỉ. "Giải pháp chúng ta đề ra đã đồng bộ nhưng triển khai còn thiếu nhiệt tình. Một số địa phương không tâm huyết, kém hiệu quả. Một bộ phận cán bộ chính quyền để tai tiếng, tham nhũng, phô trương hình thức, cục bộ địa phương, gia đình", Thủ tướng nói và yêu cầu phải khắc phục ngay các tồn tại khuyết điểm thực tiễn điều hành.

 
Tôi cũng nhắc ngân hàng không được ưu ái các "đại gia" trong tiếp cận vốn mà phải ưu tiên DN khởi nghiệp, DN sản xuất
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

"Phải cải cách mạnh mẽ hơn, nhất là cải cách hành chính thực chất hơn, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, phải chuyển động hệ thống cấp vụ xuống cơ sở theo hướng phục vụ người dân tốt hơn. Đây là điều nói nhiều rồi nhưng thực hành kém", Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng cần phân cấp mạnh mẽ hơn, giao quyền gắn với chịu trách nhiệm, nhất là trong thực hiện các dự án đầu tư. Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong từng vấn đề dự tính sẽ phân cấp trên tinh thần không ôm việc không cần thiết.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện hỗ trợ DN; Bộ Tài chính rà soát các loại phí, chi phí kiểm tra ở các ngành hải quan, thuế vì "DN hiện vẫn than phiền nhiều". "Ví dụ cần sớm giảm lãi suất tiền vay, giảm 0,5% cũng đã hỗ trợ rất lớn cho DN rồi. Tôi cũng nhắc ngân hàng không được ưu ái các "đại gia" trong tiếp cận vốn mà phải ưu tiên DN khởi nghiệp, DN sản xuất", Thủ tướng nói và cho rằng dư địa tăng trưởng trong khối dân doanh còn rất lớn, do vậy nếu thúc đẩy được 1% khối kinh tế tư nhân vào sản xuất kinh doanh thì cũng tương đương đưa được cả tỉ USD vào lưu thông, sản xuất, đóng góp cho tăng trưởng.

 
Chấn chỉnh tình trạng báo chí liên kết “đánh” DN

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, mới đây cơ quan này phối hợp các địa phương kiểm tra chấn chỉnh hoạt động của báo chí. "Mới đây nhất là việc thu thẻ PV Lê Duy Phong Báo điện tử Giáo dục VN.

Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công an tiếp tục xem xét xử lý một số PV liên quan trong vụ này", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thông tin và cho hay hiện nay có hiện tượng các PV liên kết với nhau thành một số nhóm “đánh” DN theo kiểu "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ". Bộ trưởng Tuấn đề nghị các cơ quan chủ quản nêu cao trách nhiệm của mình, nhất là các ngành, hiệp hội bởi có tình trạng hầu như các cơ quan chủ quản đứng ngoài và đổ cho cơ quan quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thông tin thêm về việc phối hợp triển khai cơ chế trong gỡ bỏ thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Theo đó, cơ quan này đã gỡ bỏ hàng nghìn clip xấu độc, đã làm việc với Facebook và Facebook cam kết phối hợp với Bộ ưu tiên gỡ bỏ tài khoản giả danh, giả mạo của các cá nhân, tổ chức.

Cơ quan quản lý cũng phát hiện 23,4 triệu sim, thuê bao có vấn đề, khóa 21,4 triệu sim, thuê bao. "Việc này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội và bảo vệ chính người dân, hạn chế tối đa hành vi vi phạm pháp luật như nhắn tin khủng bố, đe dọa, kêu gọi... Chúng tôi phải làm kiên quyết để giảm đáng kể tình trạng này", ông Tuấn nói.

Tác giả bài viết: Chí Hiếu

Nguồn tin: