Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện ở Nghệ An: Giao rừng cho dòng họ giữ

Để bảo vệ những cây lim cổ thụ, người dân xã Lăng Thành (Yên Thành) lập hương ước, giao từng cánh rừng cho những dòng họ lớn. Những dòng họ này sau đó lại giao cho từng hộ bảo vệ, với cam kết không được chặt phá mà chỉ tận thu lâm sản phụ và sản xuất dưới tán rừng.
Rừng già giữa vùng chiêm trũng

Những ngày tháng 6, hàng chục người dân ở xã Lăng Thành (huyện Yên Thành), tập trung dưới tán những cây lim cổ thụ để tránh nắng. Những quần thể lim mọc trên những ngọn đồi thoai thoải ví như những lớp áo giáp bảo vệ cho dân làng. Nhờ cánh rừng này, cái nắng gay gắt, những cơn gió Lào bỏng rát ở miền Trung không mấy ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở đây. 

 
Những cây lim ngay sau lưng nhà dân ở Yên Thành. Ảnh: Tiến Hùng

Vừa đặt chân đến rừng lim ở Rú Chùa, nhiều người dân đã dõi theo tôi với ánh mắt đầy vẻ đề phòng. Rú Chùa là tên gọi một ngọn đồi với diện tích hàng chục ha bao bọc trung tâm xã Lăng Thành, ngay phía sau trụ sở của UBND xã. Ngọn đồi này hiện vẫn còn hàng trăm cây lim sinh sống.

“Chú là ai? Đến đây làm gì”, cụ ông trạc 70 tuổi chặn tôi lại ngay trước cổng rừng nghiêm nghị hỏi. Sau khi xuất trình giấy tờ cũng như trình bày lý do, tôi được cụ vui vẻ dẫn vào rừng. Nhiều người dân đang dựa lưng vào những gốc cây lim nghỉ ngơi, cạnh đó là một ngôi chùa cổ kính. Ở trong khu rừng, nhiệt độ vào những ngày hè này luôn mát hơn khoảng 5 độ C so với bên ngoài. 

Lăng Thành có diện tích gần 5.000 ha, là xã rộng nhất của huyện Yên Thành - địa phương vẫn được mệnh danh là “quê lúa” với những đồng ruộng trù phú. Vì vậy mà ít ai nghĩ rằng, giữa vùng đồng bằng chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 10 km này, vẫn tồn tại những rừng lim cổ thụ.

“Với việc bị lâm tặc tàn phá, bây giờ ngay cả ở vùng rẻo cao, những tận cùng sơn cốc cũng khó mà tìm ra được những cánh rừng lim như thế này”, ông Hồ Văn Huy (69 tuổi) tự hào nói.

Theo thống kê của UBND xã Lăng Thành, hiện nay toàn xã còn hơn 106 ha rừng lim, được phân bổ ở 14 ngọn đồi thuộc các thôn 1, 2, 3, 4, 8. Số cây lim có đường kính từ 30 cm trở lên hiện còn hơn 2.000 cây. Đa phần cây lim có đường kính từ 60 - 80cm, cao trên 30m. Ngoài ra, trong cánh rừng còn có hàng nghìn cây gỗ quý như gụ, trai…. Ngay dưới chân những ngọn đồi là ruộng lúa và nhà dân sinh sống. 

“Người dân Lăng Thành chúng tôi xem những cánh rừng này như báu vật, là “lá phổi xanh”. Nó giúp điều hòa khí hậu. Vào mùa hè thì mát mẻ, mùa mưa bão thì nó che chắn cho dân làng, còn mùa lũ thì nó là nơi trú ngụ của người dân. Những ngọn đồi rừng lim còn giúp giữ nước cho mùa hạn…”, cụ Cao Văn Võ, Trưởng thôn 4 kể về những lợi ích mà cánh rừng mang lại.

Theo các bậc cao niên trong làng, những năm chiến tranh, quân Mỹ mang bom ra tàn phá miền Bắc. Lúc này, cánh rừng là nơi trú ngụ của người dân cũng như bộ đội. Lô cốt, chiến hào được đào dưới tán rừng để bộ đội sẵn sàng chiến đấu...

 
Những gốc cây lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Tiến Hùng

Hương ước giữ rừng lim

Hàng trăm năm trước, dân làng Lăng Thành đã lập ra hương ước. Theo đó, phần lớn 14 ngọn đồi có rừng lim được giao cho những dòng họ lớn trong làng quản lý. Một số ít ngọn đồi còn lại như Rú Chùa thì giao cho tập thể xóm sống xung quanh đó bảo vệ. Những dòng họ sau khi tiếp nhận, chia rừng thành từng khoảnh nhỏ rồi giao cho các hộ đủ điều kiện trong gia tộc có trách nhiệm bảo vệ. Vì vậy mà đến nay, những ngọn đồi này vẫn được người dân gọi với những cái tên như rú Họ Hoàng, rú Họ Nguyễn, rú Họ Hồ hay rú Họ Đào...

Hiện nay, không có một tư liệu nào đề cập đến việc rừng lim Lăng Thành có từ bao giờ. Một số cụ cao niên cho rằng, nó được trồng khi ông Nguyễn Hữu Đạo, một người con trong làng đỗ đạt cao (Hội nguyên Hoàng Giáp) khoa Tân Mùi năm Chính Hòa 12, Vua Lê Hy Tông (tức năm 1691).

Sau khi đỗ đạt, ông Đạo về quê “vinh quy bái tổ” đồng thời cho trồng lim phủ hầu hết những ngọn đồi trong làng. Nếu giả thuyết này đúng thì rừng lim cổ thụ ở Lăng Thành bắt đầu được trồng từ những năm 90 của thế kỷ XVII, tức cũng trên 300 năm tuổi.

Tuy nhiên, giả thiết này không được ghi lại trên bất cứ một tài liệu lịch sử nào. Trong khi đó, nhiều người khác lại cho rằng, khu rừng lim đã tồn tại trước đó.

“Cây lim nó lâu lớn. Tôi sinh ra và lớn lên ở ngôi làng này. Hồi nhỏ, tôi vẫn thường cùng đám bạn vào rừng chơi đùa. Lúc đó, thấy những cây lim đã lớn như này, đến giờ hơn 70 năm mà dường như kích thước cũng không hề thay đổi. Chí ít nó cũng phải vài trăm năm tuổi rồi”, cụ Hoàng Văn Thọ (79 tuổi) nói. Không chắc chắn cánh rừng có từ khi nào, nhưng cụ Thọ vẫn nhớ rõ những quy định nghiêm ngặt của cha ông để bảo vệ cánh rừng.

 
Rừng lim che phủ, khiến khí hậu nơi đây mát mẻ hơn trong ngày nắng nóng. Ảnh: Tiến Hùng

Theo hương ước này, các hộ được giao quản lý rừng lim chỉ được phép tận thu lâm sản phụ như nhặt củi, khai thác cây dược liệu và canh tác dưới tán rừng. “Tôi còn nhớ dưới tán rừng lim thường được trồng rất nhiều dứa. Mỗi lần đến mùa dứa chín, thơm phức cả một vùng. Trong khi đó, ở phía trên, muốn tỉa cành lim thì cũng phải xin phép, được làng thông qua rồi mới được chặt”, ông Thọ kể.

Cũng theo hương ước này, làng sẽ cử những người uy tín thường xuyên kiểm tra, giám sát những cánh rừng. Việc kiểm đếm số cây lim được làm nghiêm ngặt. Nếu phát hiện cánh rừng do dòng họ nào quản lý bị mất lim, làng sẽ phạt nặng dòng họ đó. Trong khi đó, về phía dòng họ, nếu lim bị mất được xác định thuộc địa phận hộ nào có trách nhiệm bảo vệ, hộ đó sẽ bị phạt. Hình thức xử phạt thường quy ra lúa. 

Ông Nguyễn Hữu Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Lăng Thành, cho hay, hình thức giữ rừng bằng hương ước tồn tại đến năm 1954. Lúc này, thực hiện chủ trương quốc hữu hóa, rừng lim được dân làng giao cho Hợp tác xã quản lý. Tuy nhiên, đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, dịch sâu róm xuất hiện, hại chết nhiều cây lim cổ thụ.

Cũng thời gian này, nạn khai thác trái phép rừng diễn ra rầm rộ ở cả nước. Cánh rừng lim quý báu nằm ngay vùng chiêm trũng này vì thế trở thành mục tiêu của lâm tặc. Tổ bảo vệ của Hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, khiến rừng lim bị phá hoại nhiều.

Trước tình hình đó, năm 1992 xã Lăng Thành quyết định giao khu vực rừng lim cho các hộ dân nhận quản lý theo hình thức khoán thầu cho đến ngày nay. Hiện nay, 106 ha rừng lim được giao cho 132 hộ. Cũng như hương ước mà làng đã lập từ hàng trăm năm trước, theo hình thức khoán này, các hộ dân chỉ được sản xuất dưới tán rừng như trồng dứa, trồng mây. Nếu để xảy ra mất lim, hộ đó sẽ phải chịu phạt. 

Cách rừng lim ở xã Lăng Thành chỉ vài km, tại xã Hậu Thành vẫn còn một rừng lim tương tự trên Rú Tháp. Rừng lim với diện tích khoảng 12 ha, được cho là cùng chung lịch sử với những cánh rừng lim Lăng Thành. Những năm trước đây, rừng lim Hậu Thành cũng được bảo vệ bằng hương ước, nhưng gần đây được đưa về xã quản lý, sau đó trích ngân sách thuê người trông coi.

Tác giả: Tiến Hùng
Nguồn tin: Báo Nghệ An