Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Siết chặt hoạt động vận tải xe buýt ở Nghệ An

Những năm gần đây, Nghệ An đưa vào hoạt động nhiều tuyến xe buýt, góp phần không nhỏ vào vận chuyển hành khách trên địa bàn và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, hoạt động xe buýt ở Nghệ An đang đặt ra một số vấn đề cần chấn chỉnh kịp thời, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn tính mạng cho hành khách.
e0140badf473004fe0994025b3054895
Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra nồng độ cồn tài xế xe buýt.

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã được UBND tỉnh Nghệ An quy hoạch tại Quyết định số 377/QĐ-UBND ngày 22-1-2016, với 32 tuyến xe buýt nội và ngoại tỉnh. Sau một thời gian kêu gọi, đã có chín đơn vị kinh doanh vận tải mạnh dạn đầu tư xe buýt, trong đó, bảy đơn vị trong tỉnh và hai đơn vị của tỉnh bạn Hà Tĩnh. Đến nay, Nghệ An đã chính thức đưa 19 tuyến xe buýt vào khai thác, với 218 phương tiện vận tải.

Quá trình phát triển mạng lưới xe buýt trên địa bàn Nghệ An đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, từng bước loại bỏ “xe dù, bến cóc”. Trên các tuyến đường, hàng loạt xe buýt đời mới, hiện đại, có điều hòa thay thế cơ bản những chiếc xe khách cũ, kém chất lượng trước đây.

Ngoài việc tăng hiệu quả kinh doanh cho các công ty vận tải xe buýt, người dân vẫn là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất, đi lại thuận tiện hơn nhiều so với trước đây. Nhiều vùng đặc thù khó khăn trong tỉnh vốn dĩ đi lại khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng biển ngang thì nay đã có tuyến xe buýt đến tận nơi, chạy đúng giờ.

Không chỉ giải bài toán đi lại cho người dân mà các tuyến xe buýt còn góp phần thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế, xã hội cho các vùng, miền trong tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã mang lại thì hoạt động xe buýt thời gian qua cũng đã nảy sinh một số vấn đề cần chấn chỉnh kịp thời. Đó là, tình trạng xe buýt vi phạm tốc độ; tránh, vượt sai quy định; đi không đúng phần đường; dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định… Những điều này đã khiến cho không ít hành khách lo lắng, thông tin phản ánh về đường dây nóng của các ngành liên quan khá nhiều, người dân bày tỏ sự bức xúc, lo lắng đến an toàn tính mạng khi đi đường.

Trong thực tế, đã có những vụ tai nạn giao thông do xe buýt gây ra. Đơn cử, chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 18-5 đến 22-5, trên địa bàn xảy ra liên tiếp ba vụ tai nạn giao thông liên quan xe buýt. Trong đó, có hai vụ xe buýt mất lái lao xuống hố, xuống ruộng, may mắn không có thương vong; một vụ xe buýt đâm vào người đi xe đạp rồi lao xuống ruộng ở huyện Đô Lương làm một người chết, một người bị thương…

Lý giải về các vụ tai nạn giao thông này, theo Giám đốc Công ty xe buýt Thạch Thành, Trần Ngọc Thạch: Nguyên nhân gây tai nạn do mặt đường trơn trượt, lái xe không kiểm soát được phương tiện nên xảy ra tai nạn, kèm theo đó là sự không may mắn trong kinh doanh vận tải(!?)

Ngoài ra, những vụ việc các hãng xe buýt chèn ép nhau để bắt khách trên đường do trùng tuyến không phải hiếm, dường như ngày nào cũng xảy ra. Mới đây nhất, vào sáng 13-6, hai chiếc xe buýt của hãng Thạch Thành và Đông Bắc va quệt nhau ngay giữa đường Quang Trung, TP Vinh. Giám đốc Công ty xe buýt Đông Bắc, Mai Thanh Bình cho biết, nguyên nhân tai nạn do tài xế xe buýt Thạch Thành cố tình tạt đầu xe Đông Bắc. Ông Bình khẳng định, các tài xế của hãng xe Đông Bắc rất bức xúc về cách hành xử của tài xế hãng xe buýt Thạch Thành, nhiều lần các vụ việc tương tự cũng đã xảy ra trên các tuyến vận tải.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố con người là cơ bản, chủ yếu là việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một số tài xế chưa cao. Việc tuyển chọn và đào tạo, giáo dục tư cách đạo đức người lái xe khách của các hãng xe buýt với tài xế chưa thật nghiêm túc và bài bản.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của một số hãng xe buýt, việc quản lý nhà nước về kinh doanh xe buýt ở Nghệ An cũng đang bộc lộ một số vấn đề bất cập. Đó là tình trạng “trùng dẫm” các tuyến xe buýt hiện nay, theo đó, hầu hết các tuyến xe buýt khi được mở ra đều có điểm xuất phát từ TP Vinh, sau đó tỏa ra các huyện, địa phương.

Cụ thể, các tuyến xe buýt: TP Vinh – Thanh Chương, TP Vinh – Đô Lương, TP Vinh – Hoàng Mai, TP Vinh – Thái Hòa… đều đang có tình trạng trùng tuyến. Điều này vô hình trung khiến các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt phải gồng mình đầu tư xe, nhưng nhiều khi cùng nhau chịu lỗ khi kinh doanh cùng tuyến.

Theo Giám đốc Công ty xe buýt Đông Bắc, Mai Thanh Bình: Lấy thí dụ, tuyến xe buýt TP Vinh – thị xã Hoàng Mai của Công ty xe buýt Đông Bắc đã trùng đến 70% với các hãng xe khác khi xuất phát từ TP Vinh ra huyện Diễn Châu hay đi các huyện phía bắc và tây bắc của tỉnh. Hay như tuyến TP Vinh – thị trấn Quỳ Hợp cũng trùng hơn 70% giữa xe buýt Đông Bắc và xe buýt Thạch Thành. Ông Bình cho biết thêm, nếu được mở tuyến từ thị xã Hoàng Mai – xã Quỳnh Phương thì Công ty Đông Bắc chỉ cần đầu tư thêm ba xe, tiếp nối từ tuyến TP Vinh – thị xã Hoàng Mai. Tuy nhiên, việc này công ty đã đề nghị nhưng không được chấp nhận và cơ quan chức năng lại cho một đơn vị khác tiếp tục đầu tư một tuyến mới từ TP Vinh – Quỳnh Phương, do đó họ phải đầu tư 18 xe, thay vì ba xe như Công ty Đông Bắc(?!)

Từ thí dụ trên cho thấy, việc “trùng dẫm” các tuyến xe buýt đã phát sinh ra nhiều hệ lụy, trong đó đáng chú ý là các lái xe phóng nhanh, vượt ẩu tranh giành khách cùng tuyến; tình trạng dồn ứ xe buýt trong thành phố vào giờ cao điểm; lộn xộn trong đón, trả khách… Thậm chí, các tài xế xe buýt còn có hành vi “tạt đầu, tạt đuôi” giữa hai xe, khiến cho hành khách đi xe không khỏi bất bình.

Trao đổi về vấn đề trùng tuyến xe buýt, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Nghệ An, Nguyễn Việt Hùng, cho rằng: Ngành giao thông đã nghiên cứu các giải pháp hạn chế việc trùng tuyến xe buýt. Nhưng vấn đề nan giải ở chỗ, TP Vinh là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Nghệ An lại là nơi rất đông người dân có nhu cầu đi lại bằng xe buýt, nếu các tuyến xe buýt không có điểm đón, trả khách ở TP Vinh thì các doanh nghiệp không đầu tư…

Trước tình hình trên, để siết chặt hoạt động kinh doanh, vận tải xe buýt trên địa bàn, Công an tỉnh Nghệ An, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt đã ra các văn bản, kế hoạch chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe buýt vi phạm an toàn giao thông, bảo đảm an ninh trật tự. Đồng thời, Công an tỉnh cũng yêu cầu, các đơn vị tập trung kiểm tra các lỗi vi phạm như: xe buýt chạy quá tốc độ, đi không đúng làn đường, phần đường; vượt sai quy định; dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định; không có đăng ký, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện theo quy định…

Để giải quyết dứt điểm tình trạng “lộn xộn” xe buýt hiện nay, giải pháp căn cơ nhất là cần phải nghiên cứu một cách khoa học để điều chỉnh lại mạng lưới xe buýt trên địa bàn toàn tỉnh, hạn chế việc bố trí quá nhiều lượt xe, hãng xe trên cùng một truyến đường, nhất là các tuyến đường trên địa bàn TP Vinh.

Ngoài ra, giải pháp để mở các điểm trung chuyển của các hãng xe buýt tại các địa phương khác nhằm hạn chế tình trạng tất cả các tuyến đều có điểm xuất phát và đích đến là TP Vinh cũng cần được chú ý.
Theo số liệu tổng hợp của Phòng CSGT Đường Bộ - Đường sắt (Công an Nghệ An), từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đã phát hiện xử lý 261 trường hợp xe buýt vi phạm.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã tạm giữ 12 xe buýt với các lỗi chủ yếu như: dừng xe, đón, trả khách không đúng nơi quy định, hoạt động không đúng hành trình, phương tiện chạy quá tốc độ…; đình chỉ hoạt động một tháng (thu hồi phù hiệu) đối với 62 lượt xe buýt vi phạm tốc độ, chạy sai hành trình.

Nguồn tin: Báo Nhân dân

Nguồn tin: