Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chòi canh lửa rừng phát huy hiệu quả mùa nắng nóng

Nắng nóng gay gắt kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao có thể xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là các huyện có rừng thông. Vì vậy, các địa phương, chủ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng cường trực canh lửa, thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Những ngày này, nhân viên của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Nam Hưng (thuộc BQL rừng đặc dụng Nam Đàn) thay phiên túc trực 24/24h tại các chòi canh lửa. Cùng đó, việc tuần tra, kiểm soát quản lý người và phương tiện đi vào rừng được tăng cường.
 
Cán bộ CNV của Trạm BVR Nam Hưng (Nam Đàn), thay phiên nhau trực chòi canh gác lửa rừng.  Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Thế Nhạn - Trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Nam Hưng cho biết: Trong địa bàn quản lý có chòi canh lửa được xây dựng từ năm 2016, cao hơn 10m, có thể quan sát được khoảng trên 780 ha rừng thông và các điểm giáp ranh giữa một phần Nam Đàn và các huyện Đô Lương, Thanh Chương.

Cùng lực lượng chuyên trách, xã Nam Hưng đã lập thêm 3 tổ bảo vệ rừng với thành viên của 3 xóm gần rừng gồm Nam Sơn, Tiền Phong, 3/2 để tăng cường khả năng kiểm soát PCCCR.

Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn có nhiệm vụ quản lý trên 3.000 ha rừng thông, từ giữa tháng 4/2017, Ban đã cắt cử lực lượng thay nhau túc trực 24/24 h ở 7 chòi canh lửa trên địa bàn các xã Nam Thái, Vân Diên, Nam Hưng, Nam Giang. 

Qua trực chòi canh đã phát hiện một số đám cháy nhỏ đã triển khai lực lượng dập tắt kịp thời không để cháy lây lan. Từ đầu năm đến nay, Ban đã phối hợp với các hộ dân dọn thực bì được 600 ha, phát dọn thực bì 400 ha, tu sửa đường băng cản lửa được 38,24 km ở xã Nam Nghĩa, Nam Hưng, Nam Giang, Nam Lĩnh. 

Để phòng, chống cháy rừng tốt, phải thực hiện tốt việc “khoán, quản”. Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã để nắm tình hình các khu dân cư, động viên người dân nhận khoán và giải quyết việc “khoán, quản” một cách công bằng. 

 
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác PCCCR tại xã Nghi Đồng (Nghi Lộc). Ảnh: Văn Trường

Huyện Quỳnh Lưu cũng tích cực có các giải pháp để PCCCR. Như tại xã Ngọc Sơn có diện tích rừng tương đối lớn, trên 1.115 ha. Với quyết tâm không để xảy ra cháy rừng, phần lớn các hộ gia đình ở Quỳnh Lưu đều xây dựng đường băng xanh là lớp cây được trồng hỗn giao, có kết cấu nhiều tầng, phân chia rừng thành các lô nhằm ngăn chặn đám cháy ở mặt đất và cháy leo lên tán cây, đặc biệt ở vùng trồng thông.

Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có gần 15.000 ha rừng trồng, trong đó 6.000 ha thông đang thời kỳ khai thác nhựa. Các loại cây rừng chủ yếu thông, bạch đàn đều là những loại có tinh dầu rất dễ bắt lửa. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, độ ẩm của rừng giảm mạnh có lúc xuống 65%, cùng với tác động của nhiệt độ lên cao là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.

Để hạn chế tối đa những thiệt hại do đám cháy gây ra, Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Lưu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến tận người dân. Bên cạnh đó, đưa các nội quy, quy định của Nhà nước về PCCCR vào những cuộc họp, diễn đàn để cho các thành viên tham gia tự giác thực hiện.

Đồng thời, chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp phối hợp với cơ sở tổ chức tuần tra canh gác lửa rừng, trực chỉ huy, trực ban, các chòi canh nhằm mục đích ngăn chặn mọi hành vi vi phạm nội quy PCCCR. Cùng đó, nghiêm cấm tuyệt đối việc đốt ong, người ra vào rừng vào những giờ cao điểm, không mang theo các vật liệu dễ gây cháy. 

Đại diện Chi cục Kiểm lâm cho biết thêm: Công tác PCCCR đang được triển khai với các biện pháp quyết liệt, tối ưu nhất để phòng ngừa, sẵn sàng ứng cứu các tình huống cháy rừng xảy ra. 

Lực lượng kiểm lâm cũng phối hợp khảo sát xây dựng hệ thống đường băng cản lửa tại các vùng rừng giáp ranh trọng điểm. Về giải pháp lâu dài, Chi cục Kiểm lâm phối hợp các đơn vị chủ rừng khảo sát bóc tách những diện tích rừng trồng kém hiệu quả, thực bì dày, nguy cơ cháy rừng cao để làm các thủ tục thanh lý rừng, phát dọn trồng rừng mới.

Ban hành quy chế phối hợp giữa Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Sở NN&PTNT trong phòng cháy và chữa cháy rừng theo Nghị định số 166/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó, xác định rõ cơ chế phối hợp huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật chữa cháy rừng của các đơn vị quân đội. Đối với các vụ cháy rừng xảy ra, thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ, chữa cháy rừng kịp thời, có hiệu quả. 

 
Tác giả: Văn Trường
Nguồn tin: Báo Nghệ An