Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Một lao động vừa sang bỏ trốn, nhiều người Nghi Xuân lo mất cơ hội sang Hàn Quốc làm việc

Sau khi có mặt tại Trường đào tạo của Hiệp hội Thủy sản Hàn Quốc được một ngày, ngày 13/3/2017, Nguyễn Công Đan (trú tại thôn Nam Mới, xã Cương Gián, Nghi Xuân) lập tức bỏ trốn ra ngoài. Thông tin này khiến nhiều người lo lắng, nhất là khi có thể phía Hàn Quốc và Bộ LĐ-TB&XH sẽ liệt lao động Nghi Xuân vào danh sách cấm sang xứ sở Kim Chi làm việc.
77d515t2381l0
Bà Hoàng Thị Nhàn (mẹ Nguyễn Công Đan): Từ khi Đan ra nước ngoài đến nay vẫn chưa liên lạc về với gia đình. Đan bỏ trốn, gia đình có biết, nhưng nghe những người trong xã nói lại.

Trước sự việc trên, ngày 15/6, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã có văn bản thông báo về việc lao động Nguyễn Công Đan bỏ trốn tại Hàn Quốc là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật và đi ngược lại thỏa thuận hợp tác lao động tốt đẹp giữa hai nước, ảnh hưởng đến nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong việc xử lý lao động vi phạm hợp đồng lao động và tuyên truyền vận động lao động về nước đúng thời hạn.

Được biết, Hà Tĩnh trong những năm gần đây là một trong những địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thuộc tốp đầu cả nước. Lao động Nghi Xuân bị cấm sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS do có số người bỏ trốn cao.

Tuy nhiên, sau sự cố môi trường biển, Chính phủ Hàn Quốc vẫn dành sự ưu ái đặc biệt khi cho lao động các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh tham gia chương trình EPS ngành ngư nghiệp. Kết quả thi tiếng Hàn năm 2016 ngành ngư nghiệp, tỉnh Hà Tĩnh có 661 lao động trúng tuyển và được tham gia xét tuyển, chiếm hơn 50% tổng số chỉ tiêu cả nước. Đến nay, đã có 350 lao động được các doanh nghiệp Hàn Quốc ký kết hợp đồng và 228 lao động đã được xuất cảnh, trong đó huyện Nghi Xuân chiếm gần ½ cả tỉnh. Nguyễn Công Đan (SN 1988) là người được sang Hàn Quốc lao động theo chương trình này.

Theo ông Đăng Văn Dũng – Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB &XH Hà Tĩnh): Chi phí cho toàn bộ chuyến đi chỉ có 630 USD và mức thu nhập bình quân hàng tháng là trên 1.000USD. Việc anh Đan bỏ trốn sau khi đặt chân lên nước bạn 1 ngày là điều rất bất thường. Thông thường, các đối tượng hết hạn hợp đồng phải về nước mới bỏ trốn. Bởi vậy, ngay sau khi nhận thông báo, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, huyện Nghi Xuân và xã Cương Gián đã đến tận nhà anh Đan để báo tin, đồng thời yêu cầu gia đình phối hợp vận động đối tượng về lại Trường đào tạo của Hiệp hội Thủy sản Hàn Quốc trình diện trong thời gian sớm nhất.

“Nếu anh Đan không hợp tác sẽ bị Chính phủ nước sở tại bắt giữ, xử phạt lao động công ích và buộc phải nộp phạt số tiền lên đến 400 triệu đồng”, -ông Dũng chia sẻ thêm.

Điều đáng nói là, với việc lao động vừa mới “chân ướt chân ráo” đặt chân lên đất nước bạn đã bỏ trốn, Chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng một số biện pháp bổ sung đối với những địa phương để xảy ra các trường hợp bỏ trốn, vi phạm hợp đồng. Đồng thời không cho tham dự kỳ thi tiếng Hàn, không cho đăng ký tham gia chương trình và không cho xuất cảnh đối với tất cả người lao động của các địa phương đó.

Xem ra, “con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ vì một lao động bỏ trốn mà có thể hàng ngàn lao động ở Nghi Xuân có thể khép hy vọng đến với xứ sở Kim Chi làm việc.

Tác giả bài viết: Hoài Nam

Nguồn tin: