Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Người phụ nữ trẻ nén nỗi buồn riêng giúp người, giúp đời

Sau hơn 2 năm tưởng chừng như gục ngã sau khi chồng chết vì HIV và mình cũng nhiễm, chị Lê Thị Thanh (SN 1979, trú tại xóm Bảo An, xã Tam Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An) đã đứng lên trên mặc cảm tự ti, nuôi con khôn lớn, khỏe mạnh. Chị còn là một người có ích cho xã hội, được người dân tin yêu hơn…
Chị Lê Thị Thanh trong một buổi tư vấn cho người dân.

Bỗng chốc như rơi xuống vực sâu

Qua vài lần gặp gỡ cùng các bạn trong những lần đi chơi, Lê Thị Thanh đã bén duyên với anh Lê Văn Vân người xã bên. Lúc quen nhau, cũng nghe người này, người kia xì xào nói anh là thằng nghiện ma túy, nhiễm HIV. Thanh bán tín bán nghi, hỏi thì anh nói là không có, yêu nhau say đắm, anh nói gì chị cũng tin, cũng không tra hỏi thêm gì nữa.

Biết tin chị và anh qua lại với nhau, người nhà nội, ngoại hai bên ra sức ngăn cản, nhà ngoại thì kịch liệt phản đối. Nhưng cái thứ kỳ lạ của tình yêu là càng cấm thì đôi trẻ lại quấn nhau như sam, không rời. Sau hai năm tìm hiểu, anh chị quyết định kết hôn, lúc này cả nhà nội, ngoại càng quyết liệt hơn vì cho rằng anh nghiện và nhiễm HIV. Nhưng tình yêu của chị dành cho anh thiêng liêng hơn tất cả, bất chấp mọi thứ hai người vẫn quyết định làm đám cưới. Năm 25 tuổi, chị Thanh lên xe hoa về nhà chồng, đứa con gái nhanh chóng ra đời càng làm cho tình yêu của hai người thêm nồng thắm.

Hai anh chị cũng ra riêng với một căn nhà nhỏ ngay cuối xóm, anh hàng ngày lái xe thuê cho người khác cũng có đồng ra đồng vào, chị Thanh với nghề may quần áo học từ trước cũng mở một tiệm may nhỏ. Nhu cầu của người dân không cao nhưng công việc cũng ổn định.

Năm 2006, chồng bị tai nạn giao thông trong lúc lái xe, khi xét nghiệm máu thì ngã ngửa chồng mang H trong người. Do chồng ốm nặng nên sau thời gian chăm sóc và điều trị, chồng chị Thanh không qua khỏi, bỏ lại hai mẹ con thơ ôm nhau. Sau 49 ngày chồng, chị cũng mới có thời gian đưa con gái đến trung tâm y tế huyện xét nghiệm thì càng đau đơn hơn khi chị cũng dương tính với HIV. Sự may mắn an ủi chị là đứa con gái đầu lòng kết quả âm tính với HIV. 

Cũng từ ngày biết rõ thông tin chồng chết vì HIV, vợ nhiễm HIV từ chồng thì hàng xóm, người thân, bạn bè đều xa lánh và tránh tiếp xúc với chị. Ngôi nhà nằm giữa hai xóm, nhưng không ai dám vào nhà uống nước, có gặp cũng chỉ đứng lại hỏi bâng quơ mấy câu rồi đi.

“Trước khi chồng mất người ta mang quần áo đến sửa, nhưng khi nghe tin chồng chết vì HIV, chị nhiễm HIV thì họ đến ôm quần áo về không sửa nữa, hàng xóm đi ngang đi về nhưng cũng không còn như trước nữa. Thậm chí con gái đi học cũng bị các phụ huynh khác bảo con họ xa lánh vì sợ bị nhiễm HIV. Chị phải đưa con đến bệnh viện xét nghiệm và mang kết quả nộp cho nhà trường thì họ mới yên tâm để con họ chơi với cháu…” - chị Thanh ngậm ngùi kể lại. Đó cùng là chuỗi ngày dài mẹ con chị sống trong sự kỳ thị, hắt hủi của người đời, nghề thợ may quần áo có nhiều tháng ròng không có đến một khách đến…

Quyết sống có ích 

Năm 2008, một số người trong nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” tại Quỳ Hợp tìm đến động viên, vận động chị vào nhóm hoạt động. Lâu lắm rồi, chị mới gặp những người cùng cảnh ngộ với mình, chị khóc như chưa bao giờ được khóc. “Thấy mọi người ai cũng mang H trên người mà vẫn cười nói vui vẻ, sao mình lại khóc như thế này, người khác làm được sao mình không làm được. Các thành viên vận động chị vào nhóm hoạt động cho vui, cũng là một cách để giúp đời, giúp người nên chị đồng ý” - chị Thanh kể. Vậy là phải sau hơn 2 năm chị sống trong bế tắc, những người đồng cảnh ngộ đã giúp chị lấy lại thăng bằng cuộc sống, năm 2009, chị được điều trị ARV tại trung tâm y tế huyện.

Nhóm vận động chị Thanh tranh thủ cuối tuần ngày nghỉ, phối hợp với các tổ chức hội đến các tụ điểm tiêm chích để tuyên truyền, phát bơm kim tiêm miễn phí. Chị Thanh kể: “Ban đầu cũng sợ mình không làm được, nhưng mọi người động viên mãi nên cũng cố thử làm xem sao. Để tiếp cận được những người nghiện chị  phải nhờ một anh bạn nghiện của chồng ngày trước dẫn đến gặp họ. Ban đầu không ai tin, nhưng sau đó ai cũng ủng hộ, sử dụng kim tiêm xong bỏ đúng chỗ, cuối tuần mình lại đến gom về đi tiêu hủy…”. 

Có một câu chuyện vui mà mãi đến bây giờ chị vẫn nhớ, “Ban đầu đi vận động các ông chồng sử dụng kim tiêm miễn phí một lần thì các bà vợ mặt nặng, mày nhẹ và tỏ thái độ không thích vì họ cho rằng mình đi dụ dỗ, cặp kè với chồng họ. Hay trong khi đang cấm sử dụng ma túy, mình lại đi phát bơm kim tiêm như đang vô tình tiếp tay cho họ… Mãi sau này khi hiểu được ý nghĩa của việc đó nên ai cũng ủng hộ…”, chị kể. Cũng từ đó, tiệm may nhỏ nhà chị lại có thêm khách, người trong làng không còn nhìn chị với ánh mắt sợ sệt nữa mà trở nên thân thiện hơn. 

Chị Thanh cho biết, sau khi xảy ra chuyện thì gia đình nội, ngoại đều thương nên cũng ngỏ lời nói chị đi thêm bước nữa, chỉ cũng nhiều người hỏi nhưng chị nói “giờ đây cứ muốn sống như vậy để có thời gian chăm sóc con gái học hành tốt hơn. Ngày ngày chị lại miệt mài với tiệm may nhỏ cuối xóm, đó cũng là nguồn thu nhập chính của hai mẹ con trong những năm qua... 

Tác giả bài viết: Ngô Toàn

Nguồn tin: