Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghề 'bưng' trống ở Thanh Chương

Không hình thành làng nghề đặc trưng, nhưng nhiều năm qua, nghề 'bưng' trống ở xã Thanh Văn (Thanh Chương, Nghệ An) rất phát triển.

Trên tuyến Quốc lộ 46 B qua thị tứ Rạng ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, rất dễ nhận ra các cơ sở làm trống của một số bà con họ Phan. Dễ nhận ra bởi bên cạnh sự náo nhiệt của các công đoạn làm nghề còn là âm vang của những tiếng trống đủ chủng loại được chủ và khách thử trước lúc mua bán.
 
“Bưng" là từ chuyên ngành trong kỹ thuật làm trống, nghĩa là kỹ thuật căng da, bịt mặt trống. Đây là một trong những kỹ thuật phức tạp nhất trong quá trình chế tạo 1 chiếc trống. Ảnh: Đình Hà

Ông Phan Văn Cư, chủ xưởng trống lớn nhất ở Thanh Văn tự hào: "Đây là nghề gia truyền được truyền từ xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên đến nay đã qua 11 đời. Gia đình tôi sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng. Trước cha ông làm trống chỉ bán quanh vùng. Hồi đó công nghệ chưa có, phải mất cả tháng mới làm xong một chiếc trống. Nay nhiều công đoạn có máy móc hỗ trợ nên nhanh hơn nhiều. Mỗi ngày có thể hoàn chỉnh được một chiếc trống loại bình thường. Trống cũng đã được bán cho khách hàng khắp mọi miền đất nước”.
 
Hiện nay phụ nữ cũng có thể tham gia làm trống. Ảnh: Đình Hà

Hiện giá của một chiếc trống khoảng 3 triệu đồng, nhưng có thời điểm ông Cư đã nhận làm một chiếc trống đại với giá gần trăm triệu. Chiếc trống này do một khách hàng ở Hà Nội đặt có kích thước: đường kính mặt trống 1,6m, chiều cao 2,1m, chu vi tang trống 6,2m…

Ông Cư cho hay:"Chiếc trống ấy lớn hơn cả trống ở đền Quang Trung trên núi Quyết và trống ở Văn miếu Quốc tử giám - Hà Nội, có thể nó sẽ là chiếc trống lớn nhất, nhì miền Bắc vào thời điểm này. Khi đưa trống lên xe phải dùng cần cẩu với trên 10 người phục vụ”.
 
Anh Phan Văn Dũng - con trai ông Cư đang hoàn thiện chiếc trống khủng có chiều cao 2,1m, chu vi tang trống 6,2m. Ảnh: Đình Hà

Về kỹ thuật, theo ông Cư có 4 khâu quan trọng nhất để hình thành một chiếc trống tốt. Đầu tiên là nguyên liệu gỗ và da trâu, bò làm mặt trống. Gỗ phải hoàn toàn là gỗ mít, da trâu bò phải mua tươi tại chỗ chưa qua sơ chế. Sau khi có nguyên liệu tốt, đến công đoạn tạo hình gỗ thành những thanh e-líp đều đặn. Kế nữa là ghép mặt da trống (bưng, bịt trống) và cuối cùng là đóng đai, trang trí. Tất cả các công đoạn trên đều có bí kíp riêng, nếu không nắm rõ trống thành phẩm có thể bị lỗi như tiếng kêu đục, méo mó...

Nhờ có uy tín nên cơ sở ông Cư, ông Ngụ, ông Tư... làm không hết việc; mỗi cơ sở thường xuyên sử dụng từ 5 -7 lao động, thời điểm cuối năm hoặc có người đặt trống lớn phải thuê đến 15 lao động. Trước đây, thợ thuê đến được giao làm từng công đoạn, xong việc là về vì sợ mất nghề. Nhưng nay, nhiều người trẻ đã học được nghề làm trống, mạnh dạn mở xưởng khép kín.
 
Ông Phan Văn Cư đang hoàn thiện một chiếc trống trước lúc xuất xưởng. Ảnh: Đình Hà

Ở các xưởng trống bình quân mỗi lao động được trả từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ ngày, thợ giỏi có thể trả lên 400.000 đồng; trừ chi phí vật liệu và nhân công, mỗi xưởng thu nhập trung bình hàng chục triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, ngoài việc đảm bảo đời sống cho người làm công, các chủ xưởng trống đều có thu nhập khá, làm được nhà cao tầng...

Đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu về văn hóa tâm linh cũng được quan tâm nên nghề “bưng" trống” đang có cơ hội để mở rộng. Từ những xưởng trống của anh em họ Phan ở xã Thanh Văn, tin rằng sẽ có thêm nhiều cơ sở làm trống để làm giàu cho người làm nghề và góp phần phục vụ xã hội.
 
Tác giả: Trần Đình Hà

Nguồn tin: Báo Nghệ An