Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mừng vì "quân đội sẽ không làm kinh tế"

Trong buổi họp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/6 tại TPHCM, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nói rằng, Bộ Quốc phòng chủ trương: Quân đội không làm kinh tế nữa, tập trung toàn lực xây dựng lực lượng quân đội vững mạnh.

(Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo dừng tất cả các dự án trong sân golf Tân Sơn Nhất (Ảnh: Nguyễn Quang) 

Phát biểu trên của Thượng tướng Lê Chiêm, như Dân trí và nhiều tờ báo khác đã đăng tải cuối tuần trước thực sự đã gây nên bất ngờ nhưng cũng nhanh chóng được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Trong nhiều năm qua, sau chiến tranh, một số lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam được tham gia làm kinh tế. Và nhiều doanh nghiệp quân đội thực sự kinh doanh cũng rất hiệu quả.

Điển hình nhất trong số đó là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), từ khi tham gia thị trường viễn thông, đã phá thế độc quyền của các nhà mạng khác, thúc đẩy cạnh tranh, giúp giá cước điện thoại, internet liên tục giảm mạnh trong khi chất lượng dịch vụ được nâng cao. Viettel cũng đạt doanh thu, lợi nhuận lớn, bằng nhiều nhà mạng khác cộng lại.

Tuy nhiên, điều đó cũng không làm mờ đi một thực tế là cũng không ít đơn vị quân đội tham gia kinh doanh không hiệu quả, nhất là được sử dụng những nguồn lực lớn về đất đai để kinh doanh. Không những thế, ở một số nơi, việc cho thuê đất quốc phòng vào mục đích thương mại, trái quy định cũng gây nên những hệ luỵ nhất định cho công tác quản lý.

Một trong những vụ việc gây tranh cãi lớn nhất là có một phần diện tích ở sân bay Tân Sơn Nhất đã được sử dụng làm sân golf đã làm cản trợ việc mở rộng, phát triển sân bay Tân Sơn Nhất. May mắn là cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo đình chỉ mọi hoạt động xây dựng bên trong sân golf này và Bộ Quốc phòng cũng đã chấp hành chỉ đạo trên.

Từ những bất cập, mặt trái của việc quân đội tham gia làm kinh tế, việc lãnh đạo Bộ Quốc phòng đưa ra tuyên bố: Quân đội sẽ không tham gia làm kinh tế nữa, thực sự là điều rất đáng mừng.

Bởi với chủ trương, quan điểm này, từ nay, các lực lượng quân đội sẽ chuyên tâm vào tổ chức, xây dựng lực lượng để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, không phân tâm, dành nguồn lực, thời gian cho sản xuất, kinh doanh- mà việc đó để cho các thành phần kinh tế khác thực hiện.

Ngay cả với những đơn vị quân đội đã và đang tham gia làm kinh tế, chuyên kinh doanh, thậm chí kinh doanh rất hiệu quả như Tập đoàn Viettel, việc Bộ Quốc phòng tuyên bố không làm kinh tế nữa không có nghĩa là các đơn vị đó sẽ phải giải thể. Các doanh nghiệp đó hoàn toàn có thể chuyển đổi trở thành các công ty cổ phần. Bộ Quốc phòng rút hết vốn nhà nước ra khỏi các công ty này để tập trung tối đa nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và tạo cơ hội, thu hút vốn đầu tư tư nhân, đưa các doanh nghiệp này phát triển mạnh hơn.

Việc một số đơn vị quân đội tham gia làm kinh tế thời gian qua là chủ trương có tính thời điểm: Kết hợp nhiệm vụ quốc phòng và nhiệm vụ kinh tế để nâng cao năng lực quốc phòng, ổn định đời sống sĩ quan, quân nhân.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể nói, nhiệm vụ kết hợp kinh tế và quốc phòng đã không còn phù hợp nữa. Quan điểm rút hoàn toàn khỏi việc làm kinh tế, để tập trung tối đa cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đất nước là yêu cầu tối thượng như lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã nêu là hoàn toàn đúng đắn và chắc chắn được đa số người dân ủng hộ.

Tác giả: Mạnh Quân

Nguồn tin: Báo Dân trí