Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giáo viên trung học ở TP HCM lo bị chuyển xuống dạy mầm non

Cho rằng việc chuyển giáo viên trung học xuống dạy mần non ở nhiều nơi là đang "đi ngược" xu hướng, cô Vũ Thị Bắc đề nghị TP HCM cân nhắc kỹ nếu có chủ trương này.
Cô  Vũ Thị Bắc tại buổi tiếp xúc cử tri trẻ TP HCM chiều 14/3. Ảnh: Mạnh Tùng
 
Chiều 14/3, tại buổi làm việc của Thường trực HĐND TP HCM với cử tri, cô Vũ Thị Bắc (giáo viên trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP HCM) bày tỏ lo lắng trước thực tế nhiều giáo viên phổ thông (THCS, THPT) ở các tỉnh thành bị chuyển xuống dạy mầm non.

Theo cô Bắc, điều này là đi ngược xu hướng, gây tâm lý ức chế, lo lắng cho chính giáo viên và phụ huynh. Bởi giáo viên trung học được đào tạo để dạy chuyên sâu một môn học, khác xa các kỹ năng để dạy trẻ mầm non.

"Tôi cũng là một người mẹ nên hiểu phụ huynh luôn muốn con mình được chăm sóc tốt nhất. Nếu giáo viên trung học xuống mầm non dạy con mình thì cũng tạo tâm lý rất nặng nề", nữ đại biểu nói và chia sẻ, nhiều đồng nghiệp khác của cô đã rủ nhau đi học nghề khác trước tình hình dư nhiều giáo viên trung học như hiện nay.

Ngoài ra, cô Bắc đề nghị ngành lao động thành phố cần công bố nhu cầu nguồn nhân lực xã hội đang cần theo ngành nghề để học sinh định hướng tương lai. "Ngành nào đang thiếu, ngành nào cần thiết trong 5-10 năm tới phải rõ ràng, cụ thể thì chúng ta mới có được nguồn nhân lực tốt cho thành phố", cô Bắc nói.

Nữ giáo viên cũng tỏ ra lo ngại trước vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trong bối cảnh tràn ngập nghi án xảy ra trên cả nước. Bà đề nghị các ngành liên quan siết chặt các biện pháp bảo vệ trẻ em.

 
Giáo viên và học sinh tại một trường tiểu học ở TP HCM. Ảnh: Q.T

Cùng quan tâm về lĩnh vực giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) khẳng định, thành phố cần có định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ để đảm bảo sự cân bằng trong thị trường lao động.

Mặt khác, thành phố phải quan tâm đến đời sống văn hóa, tạo không gian tương tác, đối thoại cho người trẻ. "Không gian mở, mang tính tương tác mới sẽ giúp giới trẻ sáng tạo, dung dưỡng tâm hồn, có lối sống tốt hơn. Phụ thuộc vào giới ảo quá nhiều sẽ khiến cho con người trở nên khô khan, vô cảm", ông Thơ bày tỏ.

Ngoài ra, hơn chục cử tri trẻ khác của TP HCM cũng nói với lãnh đạo HĐND những trăn trở trong vấn đề cải cách hành chính, quản lý trật tự đô thị và khởi nghiệp trẻ.

Ông Nguyễn Văn Hân (Hội Doanh nhân trẻ TP HCM) đề xuất thành phố đẩy nhanh tiến trình xây dựng nhà nước điện tử, tinh giản biên chế. Theo ông, trong quá trình xây dựng các giải pháp tổng thể ở nhiều lĩnh vực, cần có cơ chế khuyến khích đúng mức để người dân tham gia.

Một doanh nhân trẻ khác, bà Trương Lý Hoàng Phi, mong muốn thành phố có chính sách đặc thù cho thanh niên khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Một số cử tri là sinh viên ở các trường đại học đề nghị các sở, ngành giải quyết vấn đề xe buýt kém chất lượng, thiếu thư viện cho học sinh -  sinh viên và thiếu nhà vệ sinh công cộng cho người dân.

 
Hiện, cả nước thừa khoảng 27.000 giáo viên các trường công lập từ tiểu học đến THPT nhưng thiếu hơn 30.000 giáo viên ở bậc mầm non do việc tuyển dụng chưa hợp lý. Trước tình trạng này, giáo viên trung học (chủ yếu THCS) ở một số địa phương bị điều động xuống dạy mầm non. 

Trong đó, tại Thanh Hóa có khoảng 250 người bị điều động trong thời hạn 2-3 năm, tùy địa bàn. Ức chế với quyết định này, nhiều cô giáo bật khóc.

Tác giả bài viết: Mạnh Tùng

Nguồn tin: