Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực

Quán triệt cho cán bộ, CCVC không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội… là những nội dung trong công văn vừa mới ban hành của UBND tỉnh Nghệ An về việc tiếp tục tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh.
A 1 1
Lễ Cầu ngư tại Lễ hội Đền Cờn, TX Hoàng Mai, Nghệ An năm 2017 thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương về tham dự. (Ảnh. Việt Hòa)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại số Công văn số 515/BVHTTDL-VHCS ngày 15/2/2017 về việc tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Để việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh vừa đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn số 1044/UBND-VX yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn.

Công văn yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung đã chỉ đạo tại công văn 9167/UBND-VX ngày 29/11/2016 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại địa phương; không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc.

Không tổ chức các lễ hội truyền thống có mục đích thương mại, trục lợi. Không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Đặc biệt, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội do cơ quan, tổ chức tổ chức lễ hội mời. Được giao thực thi nhiệm vụ thì phải có biển “Xe thực hiện nhiệm vụ”.

Sở Văn hóa và Thể thao, UBND cấp huyện nơi có lễ hội, các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về lễ hội; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, quy trình thực hành và giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh. Bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Bên cạnh đó, các địa phương cần có biện pháp giải quyết dứt điểm những hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, bố trí khu vực dịch vụ, đảm bảo thuận tiện, phù hợp với không gian tổ chức lễ hội, không bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực, thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán đúng giá. Đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự và an toàn giao thông.

 
Tác giả: Việt Hòa
Nguồn tin: Báo Infonet