Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tiểu thương ngại quy định 'hộ kinh doanh không được vay ngân hàng'

Theo quy định mới, các hộ kinh doanh nếu không chuyển thành doanh nghiệp phải vay vốn với tư cách cá nhân nên nhiều tiểu thương lo ngại không còn hưởng lãi suất ưu đãi cho hộ kinh doanh như trước.
Từ ngày 15/3, để vay vốn, các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc chủ hộ phải tự đứng tên vay bởi theo Luật mới, tư cách được vay vốn chỉ là cá nhân hoặc pháp nhân. Điều này khiến nhiều hộ kinh doanh, đặc biệt là tiểu thương lo lắng.

Chị Dương (tiểu thương tại chợ Hôm - Đức Viên, Hà Nội) cho biết, sạp quần áo của chị chưa đủ lớn, doanh thu cũng không nhiều để đứng tên thành doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Vì vậy, nếu đứng tên cá nhân vay, chị lo ngại lãi suất sẽ phải áp theo vay tiêu dùng, như vậy chi phí sẽ đắt đỏ hơn.

 
tieuthuong 500 1298 1487232208
Các tiểu thương lo lắng khó vay vốn ngân hàng hơn trước. Ảnh minh họa.

Đây cũng là lo ngại của nhiều tiểu thương hiện nay. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, đại diện nhiều ngân hàng vốn mạnh trong mảng cho vay tiểu thương, hộ gia đình khẳng định, các chính sách áp dụng cho đối tượng này sẽ không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, về mặt thủ tục và câu chữ trong hợp đồng có thể sẽ phải điều chỉnh. "Nhưng đây là việc của ngân hàng chứ không phải của khách. Các khách hàng yên tâm chính sách lãi suất không có nhiều thay đổi", đại diện một nhà băng cho biết.

Lãnh đạo Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khẳng định, các chính sách cho vay với đối tượng là hộ kinh doanh sẽ không có thay đổi so với trước đây. Theo vị này, thực tế các quy định tại Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước giúp đơn giản hóa hơn về thủ tục cho các hộ kinh doanh. Nếu như trước đây, chủ thể đứng tên vay gồm cả tên hộ kinh doanh lẫn người đại diện (chủ doanh nghiệp) thì nay có thể bỏ mà chỉ cần tên chủ đơn vị.

Bên cạnh đó, các chính sách về lãi suất, điều kiện hay ưu đãi với đối tượng này cũng không có gì thay đổi so với trước. "Nếu có thay đổi chỉ là điều chỉnh một chút từ ngữ tại hợp đồng tín dụng để phù hợp bởi thực chất, việc cho vay hộ kinh doanh cá thể từ trước đến nay vẫn phải là do chủ đơn vị đứng tên. Lãi suất ưu đãi sẽ được tính theo mục đích vay vốn, ví dụ là vay để sản xuất kinh doanh hay vay tiêu dùng, chứ không nhất thiết cứ vay cá nhân là đắt đỏ", đại diện VPBank nói.

Tương tự, ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết từ trước đến nay, dư nợ cho vay đối với khách hàng là hộ kinh doanh tại ngân hàng cũng tương đối cao và thường tăng mạnh qua các năm. Theo ông, Thông tư 39 không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay với nhóm đối tượng này vì từ trước đến nay, các hộ kinh doanh, tiểu thương cũng hay vay vốn dưới tư cách cá nhân. Lãi suất vay cũng tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm của khách hàng, tài sản thế chấp và tính khả thi của dự án...

Luật sư Trương Thanh Đức (chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế - Hiệp hội ngân hàng) cho rằng việc sửa đổi tư cách vay vốn ngân hàng của Thông tư 39 chỉ giúp làm rõ hơn đối tượng vay vốn ngân hàng theo đúng thông lệ thế giới: gồm pháp nhân và cá nhân. Thay vào đó, khách hàng không nên hiểu rằng mình sẽ không được vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh mà quy định mới này của cơ quan soạn thảo chỉ mang tính kỹ thuật pháp lý.

"Hộ gia đình, hộ kinh doanh hay tổ hợp tác là chủ thể ảo, thực chất là một hoặc một nhóm cá nhân, vì vậy bị xóa bỏ khỏi Bộ luật Dân sự 2015. Lịch sử hệ thống tòa án chưa bao giờ có chủ thể nào là hộ kinh doanh hay hộ gia đình bởi muốn kiện thì vẫn phải kiện chủ doanh nghiệp hoặc cá nhân. Trước đây có là hộ kinh doanh thì người đứng ra vay và có trách nhiệm trả vẫn là cá nhân", ông Đức nói.

Ngoài lo lắng về lãi suất khi vay theo tư cách cá nhân, nhiều tiểu thương rất lo lắng sẽ gặp khó dễ với điều kiện tài sản thế chấp và việc phải xác định ngành nghề kinh doanh. Chị Hoa, tiểu thương tại chợ An Bình (quận 5, TP HCM) cho biết, thông thường để được vay vốn chị chỉ cần xác nhận kinh doanh qua ban quản lý, còn với quy định mới này để được vay vốn chị phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, tài sản thế chấp của gia đình chị lại không có nên thời gian tới hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn.

“Thông thường, đối với khách hàng sỉ tôi phải cho chịu khách mới lấy hàng nhiều mà để như vậy thì vốn đầu tư phải có. Nếu tình hình vay vốn khó khăn như thế này chắc tôi phải thông báo với khách sỉ là phải trả tiền trước mới được lấy hàng. Điều này cũng sẽ khiến cho khách hàng e ngại và sức mua giảm”, chị Hoa nói.

Đã và đang gặp khó khăn, chị Trang - chủ sạp quần áo tại chợ An Đông 1 (TP HCM) cho biết, tiểu thương nơi đây khó trăm bề, chợ thì xuống cấp, sức mua yếu mà nếu ngân hàng lại siết chặt cho vay vốn thì hàng trăm tiểu thương nơi đây chỉ biết khóc ròng.

“Trên thực tế, nhiều tiểu thương những năm trước đã vay vốn rồi và tới nay không phải ai cũng có đầy đủ tài sản để thế chấp. Riêng một số tiểu thương có tài sản họ cũng đã thế chấp rồi và lần vay vốn tới đây họ đang gặp phải thêm vướng mắc là ban quản lý làm khó và không chịu xác định ngành nghề kinh doanh cho họ nên rất khó vay”, chị Trang nói. Tiểu thương này cũng cho biết thêm, hiện chợ An Đông 1 xuống cấp, tình trạng kinh doanh tại chợ lộn xộn khiến tiểu thương gặp rất nhiều khó khăn khi chứng minh khả năng tài chính của mình để vay vốn ngân hàng. Cho nên khó khăn chồng chất.

Cũng cho rằng gặp khó khi quy định mới có hiệu lực. Tuy nhiên, chị Thanh, tiểu thương tại trung tâm thương mại Saigon Square cho biết, chị cũng đang được một số công ty tài chính ngỏ lời cho vay theo hộ kinh doanh mà không cần thế chấp. Do vậy, thời gian tới nếu ngân hàng quá khắt khe thì chị sẽ tìm đến các tổ chức tài chính này để vay vốn kinh doanh.

Tác giả bài viết: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: