Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghẹt mũi, ù tai: Dấu hiệu của 1 trong 5 loại ung thư phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam

Các triệu chứng ban đầu của ung thư vòm mũi họng là nhức đầu, ù tai, ngạt mũi một bên, có thể xì mũi ra máu… rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.


Tưởng cảm cúm hoá ra ung thư

Chị Nguyễn Diệu Th. trú tại Hoài Đức, Hà Nội không may mắn mắc căn bệnh ung thư vòm mũi họng. Chị Th. kể cách đây 2 năm, chị thường xuyên bị nhức đầu, cảm giác ù tai như có tiếng kêu ro ro trong đầu.

Buổi tối đi ngủ chị bị nghẹt một bên mũi rất khó chịu. Chị Th. tưởng cảm cúm nên thường mua thuốc về uống nhưng triệu chứng không đỡ. 

Có lúc, đang làm thì bị chảy máu cam, chị lại ra phòng y tế của công ty nghỉ rồi hết lại vào làm tiếp.

Cảm giác ngạt bên mũi như có gì làm tắc mũi, chị Th. không yên tâm nên đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi nội soi mũi họng, bác sĩ nghi ngờ có ổ loét ở vòm mũi họng nên cho chị Th. làm sinh thiết.

Kết quả chẩn đoán chị bị ung thư vòm mũi họng. Khi nghe đến 2 chữ UNG THƯ, chị Th. như chết điếng bởi vì chị mới có 32 tuổi, lại đang còn nuôi 3 con nhỏ. 

Chị Th. rơi vào trạng thái suy sụp và từ bỏ, định cứ để bệnh như thế chờ chết cho xong.

Chị được bác sĩ tư vấn làm xạ trị. Sau 31 mũi xạ trị, kết hợp với các loại thuốc đông y đến nay sức khoẻ của chị Th. đã tốt hơn. Chị thường xuyên đi kiểm tra tại bệnh viện.

Hay như trường hợp của anh Vũ Quốc Báu, 42 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội cũng tương tự. 3 năm nay, anh Báu là bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội với căn bệnh ung thư vòm mũi họng.

Anh Báu cho biết bệnh của anh không có triệu chứng gì ngoài ngạt mũi, cảm giác khịt khịt và khi khịt mũi, anh ngửi thấy mùi hôi rất khó chịu.

Anh Báu lấy nước muối sinh lý xịt vùng mũi họng thấy dễ thở hơn nhưng chẳng được bao lâu cảm giác ngạt mũi, ù tai lại xuất hiện.

 


Anh đi kiểm tra tại Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ chẩn đoán anh bị ung thư vòm mũi họng. Anh Báu đã được điều trị phương pháp xạ trị kết hợp hoá chất. Đến nay, bệnh đã đỡ đi rất nhiều.

Theo các bác sĩ, số bệnh nhân biết bệnh ở giai đoạn sớm như anh Báu và chị Th. không phải là nhiều bởi ung thư vòm mũi họng không rõ triệu chứng và bệnh nhân thường biết bệnh ở giai đoạn muộn.

Ung thư vòm mũi họng: 1 trong 5 bệnh ung thư nguy hiểm

Theo Giáo sư Mai Trọng Khoa- Giám đốc Trung tâm ung bướu và y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư vòm mũi họng là bệnh ác tính của các tế bào vùng niêm mạc dưới của vòm mũi, họng. 

Đây là một bệnh ung thư đầu cổ đứng đầu và là 1 trong 5 bệnh ung thư phổ biến ở nước ta.

Hiện nay, nguyên nhân gây ra ung thư vòm mũi họng chưa được xác định, tuy nhiên, GS Khoa cho biết bệnh này có liên quan đến vi rút Epstein Barr (EBV). 

Xét nghiệm kháng nguyên chống vi rút EBV cao ở một số bệnh nhân ung thư vòm mũi họng loại biểu mô không biệt hoá.

Ung thư này cũng liên quan tới yếu tố gia đình. Tỷ lệ tăng cao của kháng nguyên HLA-A2 ở vị trí thứ nhất và sự thiếu hụt ở vị trí thứ hai của kháng nguyên HLA-Bw46 hình như tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của ung thư vòm mũi họng.

Ngoài ra cũng phải kể đến các yếu tố môi trường, thực phẩm chế biến như các loại thức ăn lên men, dưa muối khú, nước mắm có chứa nhiều chất nitrosamine.

 


Giáo sư Khoa đánh giá bệnh ung thư vòm mũi họng không có biểu hiện rõ ràng.

Giai đoạn đầu với các biểu hiện mơ hồ như nhức đầu (có thể nhức đầu lan toả, nhức đầu 1 bên), ù tai (thường ù một bên có tiếng kêu như tiếng ve), triệu chứng ngạt mũi một bên cũng hay gặp giống như trường hợp trên bệnh nhân đều có dấu hiệu ngạt mũi.

Đến giai đoạn sau tình hình bệnh có triệu trứng nặng hơn như nhức đầu tăng lên, ngạt mũi nhiều hơn, tai ù hơn, có thể giảm thính lực, chảy máu mũi…

Có những trường hợp, bác sĩ Khoa cho biết họ đi khám ở giai đoạn muộn. Lúc này, khối u có thể đầy lồi nhãn cầu, lan xuống vòm miệng, sùi ra ống tai ngoài. Qua nội soi mũi họng, bác sĩ sẽ sinh thiết tế bào để chấn đoán chính xác ung thư.

Với bệnh ung thư này, GS Khoa cho biết nếu phát hiện ở giai đoạn sớm giai đoạn I và II bệnh nhân có thể điều trị sống trên 5 năm khoảng 80 -90% nhưng tiếc là ở Việt Nam có tới 90% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn quá muộn nên việc điều trị gặp khó khăn hơn.

Tác giả bài viết: Thảo Nguyên

Nguồn tin: