Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Học để làm gì?

Đa phần, chúng ta học để tìm được việc làm và để được làm việc đúng với năng lực của mình. Vậy thì xem ra câu hỏi: “Học để làm gì”, có phần ngô nghê?
Thực ra không phải vậy! Bởi lâu nay, các trường đại học tuyển sinh đầu vào vẫn phải dựa vào khối A, B, C, D... Nhưng nếu như dự thảo quy chế tuyển sinh chính quy hệ đại học 2017 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố được thông qua, thì “trật tự cũ” sẽ xóa bỏ.

Điều kiện cần chung nhất để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học 2017 là tốt nghiệp THPT.

Cũng có nghĩa là thí sinh chỉ cần có một năng lực nổi trội nào đó (tạm gọi là tài năng) là hoàn toàn có thể trúng tuyển đại học, chứ không nhất thiết 3 môn trong một khối đạt tổng điểm cao.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá rằng, đây là một chủ trương tốt, mở ra cơ hội học tập cho rất nhiều thí sinh muốn học đại học, theo đuổi những đam mê riêng.

PGS.Nhã chia sẻ: “Trên thực tế, có nhiều em đam mê công nghệ hay đam mê hội họa, đam mê âm nhạc... dành rất nhiều thời gian cho đam mê ấy.

Thậm chí có nhiều em bộc lộ năng khiếu từ lúc còn rất nhỏ, vậy thì khi chọn ngành học đại học, đó là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá năng lực của thí sinh. Học ngành nào cũng được, trường nào cũng được, miễn là giỏi, miễn là làm tốt công việc.

Kiến thức nền phổ thông được đánh giá bằng yêu cầu bắt buộc tốt nghiệp, như vậy là hợp lý. Hơn nữa khi các em vào đại học, song song với việc học chuyên ngành thì còn được học một số môn khác để bổ sung thêm kiến thức nền, để cân bằng được kỹ năng sống, ứng xử tốt với cộng đồng, xã hội.

Vì vậy, tôi cho rằng, bỏ điểm sàn sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các em có năng khiếu chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó phát triển, đấy chính là điểm tích cực của dự thảo này”.

 
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho rằng, bỏ điểm sàn là thời cơ nhưng cũng là thách thức với rất nhiều trường đại học. ảnh: Ngọc Quang

Cũng theo PGS.Nguyễn Văn Nhã, bỏ điểm sàn cũng sẽ giúp các trường Đại học (đặc biệt là các trường tư thục) có thêm nhiều cơ hội tuyển sinh, đào tạo theo định hướng riêng.

“Việc bỏ điểm sàn sẽ tạo thêm cơ hội cho nhiều trường tuyển sinh đạt số chỉ tiêu mong muốn, nhưng điều đó cũng chính là thách thức.

Nếu anh tham lam, vơ vét cho thật nhiều thí sinh, nhưng đào tạo vẫn chẳng có gì đổi mới, tấm bằng chỉ là cái mác thôi thì tự sinh viên sẽ có đánh giá, xã hội sẽ có đánh giá.

Tất nhiên, đó là một quá trình dài, và bên cạnh đó Bộ Giáo dục cũng đã có các biện pháp hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh, yêu cầu công bố số lượng cử nhân tốt nghiệp hàng năm tìm được việc làm. Tức là yêu cầu về chất lượng đào tạo được chú trọng hơn.

Đồng thời, các trường cũng dần dần được tự chủ, có nghĩa là buộc phải đổi mới, phải dạy sao cho thật chất lượng để thoát ra khỏi tình trạng tốt nghiệp là thất nghiệp”, PGS.Nhã chia sẻ.

 Dưới góc nhìn của một người làm khoa học lâu năm, PGS Nguyễn Văn Nhã cũng nêu ra một gợi ý, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có nghiên cứu, mở rộng thời gian để thí sinh lựa chọn ngành học, trường học phù hợp.

PGS.Nhã phân tích: "Chúng ta tổ chức thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quanh năm. Tổ chức thi lấy bằng lái xe quanh năm. Khám sức khỏe làm căn cứ học tập, làm việc cũng làm quanh năm.

Vậy thì tại sao lại cứ phải dồn học sinh vào một kỳ thi đại học khiến cho cả xã hội căng thẳng?

Các em đã tốt nghiệp phổ thông có thể lựa chọn thời điểm đăng ký xét tuyển vào các trường tùy theo hoàn cảnh kinh tế và tính thời điểm mà các gia đình thấy phù hợp.

Đào tạo theo hình thức tín chỉ thì nghĩa là ai đáp ứng đủ yêu cầu với số tín chỉ quy định là được tốt nghiệp. Vì vậy, không cần thiết phải yêu cầu thời gian nộp hồ sơ, thời gian xét duyệt hồ sơ quá cứng nhắc chỉ trong một thời điểm, mà hoàn toàn có thể bỏ luôn quy định này để tạo thuận lợi cho thí sinh và các gia đình.

Việc xét tuyển như thế nào cho phù hợp hãy để cho các trường chủ động, Bộ Giáo dục chỉ cần chuyên tâm vào công tác kiểm định chất lượng, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật.

Trường nào làm sai, trường nào gian dối dứt khoát phải xử lý nghiêm minh, để giáo dục đi vào chất lượng cao, đó là điều đã nói rất nhiều nhưng thay đổi rất chậm".

 
Quá nhiều cử nhân thất nghiệp phản ánh chất lượng đào tạo ở nhiều trường đại học vô cùng yếu kém. tranh minh họa của Mai Sơn.

Xã hội sẽ tự sàng lọc và loại bỏ những trường yếu kém

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ điểm sàn cũng có nghĩa là các trường đại học sẽ chủ động tuyển đầu vào, tự xếp hạng cho mình.

"Những trường tốp đầu thì họ không phải băn khoăn tới chuyện bỏ điểm sàn, bởi vì tuyển sinh đầu vào vẫn sẽ rất khắt khe. Như vậy thì vấn đề còn lại chủ yếu thuộc về những trường lấy điểm đầu vào ở mức thấp hơn.

Về mặt lý thuyết khi anh lấy điểm thấp thì cũng có nghĩa là anh đang tự xếp hạng mình ở mức thấp. Tuy nhiên, đấy lại chính là cơ hội tốt, nếu như tuyển chọn được những thí sinh có năng lực thực sự ở một lĩnh vực nào đó, đào tạo bài bản và chuyên sâu, siết chặt đầu ra thì sản phẩm chắc chắn sẽ tốt.

Còn nếu vẫn cứ đào tạo như cưỡi ngựa xem hoa, vẽ ra cái đầu thì hoành tráng như Voi, lưng như con Hổ, rồi đuôi như con Bò tót, tức là chẳng đâu vào đâu thì tiếp tục lạc lõng với thị trường, và rồi phải dừng hoạt động vì chẳng có ai dám đăng ký vào học đâu", PGS.Nhã cảnh báo.

 PGS.Nguyễn Văn Nhã cũng nhấn mạnh một yêu cầu hết sức quan trọng "chống thất nghiệp" đó là sinh viên phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ.

Các em phải được học ngoại ngữ tốt ngay từ tiểu học, như vậy sau 12 năm học phổ thông thì đã phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ.

Vào đại học hoàn toàn có thể học ngoại ngữ thứ hai, thậm chí có những em nhanh hơn thì ngay khi chưa tốt nghiệp THPT đã có thể học hai ngoại ngữ.

Khi thông thạo ngoại ngữ, các em hoàn toàn có thể mở rộng cập nhật kiến thức của các quốc gia phát triển, quá trình học tập sẽ thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích hơn và nhanh hơn.

Nếu chúng ta làm được như vậy, xác định rõ như thế thì đặt ra ngay cái mốc cụ thể. Giả sử lấy mốc năm 2017 triển khai học ngoại ngữ bắt buộc đồng loạt, thì 12 năm nữa, tức là vào năm 2029 toàn bộ học sinh Việt Nam tốt nghiệp THPT phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ.

Cái quan trọng là khi đã đặt ra được mục tiêu ấy thì cần phải có quyết tâm của cả nước. Phải coi đó là nhiệm vụ sống còn, bắt buộc phải hoàn thành đúng với mốc thời gian đặt ra thì giáo dục nước nhà mới thực sự đổi mới.

PGS.Nhã bày tỏ: "Chúng ta đừng quá lo lắng tới chuyện thừa cử nhân ngành này, ngành khác. Cái quan trọng là đào tạo thế nào thôi, có thực chất không? Nếu sinh viên giỏi chuyên ngành, lại thông thạo một, hai ngoại ngữ thì thiếu gì việc để làm.

Các em có thể làm ở Việt Nam, có thể làm ở nước ngoài. Các em có thể tự phát triển kinh doanh, hợp tác với doanh nghiệp các nước. Có rất nhiều cơ hội để phát triển, nhưng ngoại ngữ yếu chính là rào cản cho cử nhân của chúng ta nhiều năm qua".

Nêu ra những lo lắng ấy, PGS.Nguyễn Văn Nhã chia sẻ một câu chuyện hài hước (có thật) là trong những chuyến công tác tại Lào, ông rất bất ngờ với khả năng nói tiếng Anh ở các trường đại học.

“Trời ơi, từ lãnh đạo nhà trường  cho tới các nhân viên mọi phòng ban đều nói tiếng Anh, tiếng Việt rất tốt. Nhưng điều khiến tôi bất ngờ hơn cả là một nhân viên bảo vệ và một cán bộ phụ trách ký túc xá cũng nói tiếng Việt và tiếng Anh rất tốt.

Còn ở ta, nhiều người học xong cả thạc sĩ mà còn không đủ tự tin giao tiếp thì còn nói gì tới nghiên cứu tài liệu, và thế là chỉ dám nói tiếng Việt thôi. Mà xin lỗi, nói tiếng Việt nhiều khi còn sai", PGS.Nhã nói về một thực tế hiển hiện tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo PGS.Nguyễn Văn Nhã, để nâng cao chất lượng đào tạo Đại học thì Bộ Giáo dục và Đào tạo còn phải nhanh chóng làm tốt công tác phân luồng.

Làm tốt công tác phân luồng thì tự khắc học sinh và các gia đình sẽ thấy rõ hơn năng lực của con em mình. Các em có thể đi học nghề để có việc làm sớm, khi nào có điều kiện có thể học thêm lên cao đẳng.

Tránh tình trạng như thời gian vừa rồi, cứ tốt nghiệp THPT là ùn ùn kéo nhau vào đại học. Học xong rồi mà cũng chẳng biết học để làm gì?

Thế rồi nhiều em phải dấu bằng để xin làm công nhân, nhiều em quay sang học một ngành trung cấp, cao đẳng phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thì mới có việc làm. Như vậy là rất lãng phí. Không chỉ các gia đình lãng phí mà nhà nước cũng bị lãng phí, gánh nặng với xã hội ngày càng nhiều thêm.

Vì vậy, trước khi đăng ký học một ngành nào đó, mỗi chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi: Học để làm gì?

Và, ông cũng nêu lên một thực tế đáng phải suy ngẫm: "So với thế giới, tỷ lệ lao động có trình độ cao của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp. Khi chúng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì chúng ta phải thấy xấu hổ trước con số này.

Chúng ta thử nhìn sang Hàn Quốc xem sao? Hơn 40 năm trước, họ cũng có xuất phát điểm khó khăn như chúng ta, thế mà bây giờ họ là cường quốc của thế giới. Đó là vì họ thực sự biết đầu tư cho giáo dục. Đến bây giờ, Hàn Quốc có nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới.

Ngay trong khu vực, Singapore là một quốc gia cũng đi lên từ chủ trương đầu tư cho giáo dục. Họ cũng mất tới trên dưới 40 năm để có được nền giáo dục tiên tiến như bây giờ.

Nếu chúng ta không nghĩ đến những điều lớn lao hơn, không có định hướng rõ ràng và không kiên trì với mục tiêu ấy thì chúng ta mãi mãi không phát triển được".

Tác giả bài viết: Ngọc Quang

Nguồn tin: