Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thiếu nhãn hiệu, đặc sản xứ Nghệ gian nan tìm "chỗ đứng"

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn, mỗi vùng miền, địa phương lại có những sản phẩm đặc trưng. Các sản phẩm của một số vùng tuy đã có tên tuổi được nhiều người biết đến như thổ cẩm Hoa Tiến,Vịt Bầu Quỳ Châu, Cam Vinh... Thế nhưng vẫn chưa thực sự phát huy giá trị vốn có để có thể trở thành mặt hàng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Những sản phẩm thổ cẩm của hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến xã Châu Tiến huyện Quỳ Châu đều được làm hoàn toàn bằng thủ công với các họa tiết hoa văn mang đậm bản sắc của đồng bào Thái.
 

Sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến hoàn toàn được làm bằng thủ công...
 

Nhìn ngoài thì thấy đơn giản, thế nhưng để có thể làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh, những người phụ nữ trong làng nghề đã phải thực hiện rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, đặc biệt là khâu thêu, dệt. Mỗi sản phẩm thổ cẩm truyền thống phải mất từ 15 ngày cho tới hàng tháng mới có thể hoàn thành, thế nhưng những người làm nghề vẫn đau đáu nỗi lo về thị trường.
 

...với các họa tiết hoa văn mang đậm bản sắc của đồng bào Thái


Bà Sầm Thị Bích – Chủ nhiệm HTX Làng nghề Thổ cẩm Hoa Tiến – Quỳ Châu nói: Cái lo của làng nghề bây giờ là các sản phẩm chưa có nhãn hiệu. Phải có nhãn hiệu cho sản phẩm để khi sản phẩm ra thị trường thì khách hàng mới biết đến nhiều hơn.

Theo ông Nguyễn Quang Quyền bản Minh Tiến –Xã Châu Hạnh – huyện Quỳ Châu,  đàn vịt Bầu quỳ hơn 500 con của gia đình ông đều là giống vịt gốc của địa phương, có đặc điểm cổ ngắn, chân ngắn, dáng đi lạch bạch thì mới làm nên món Vịt Bầu Quỳ nức tiếng gần xa. Tuy nhiên, dù gia đình ông Quyền chăn nuôi loại vịt đặc sản Quỳ Châu được nhiều người biết đến, nhưng khả năng tiêu thụ cũng rất cầm chừng bởi khó cạnh tranh về giá cả. Và thực tế, về Quỳ Châu giờ khó tìm thấy một nhà hàng kinh doanh đặc sản này.  
 

Vịt bầu Quỳ nức tiếng gần xa nhưng khả năng tiêu thụ rất cầm chừng bởi khó cạnh tranh về giá cả


Ông Quyền nói: Chất lượng thịt Vịt Bầu quỳ thơm ngon hơn hẳn, thịt vàng hơn so với các loại vịt khác. Thực chất người ta chỉ lấy thương hiệu bầu quỳ thôi chứ vịt Bầu quỳ chỉ trên này mới có. Giá bán ở đây đã là 150.000 đồng/ kg rồi, nên khi đưa vịt Bầu quỳ thực tế của mình giá có thể cao hơn nên họ khó chấp nhận hơn.

Nhắc đến đặc sản xứ Nghệ thì Cam Vinh cũng là một trong những sản vật được nhiều người ưa chuộng. Dù là sản phẩm đã có thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý nhưng bản thân chủ các nhà vườn trồng cam cũng lo lắng đầu ra cho sản phẩm khi mà chưa có một loại tem mác nào để tránh việc cam Vinh bị mạo danh khi ra thị trường.

Cam Vinh dù là sản phẩm đã có chỉ dẫn địa lý nhưng chủ các nhà vườn rất lo lắng đầu ra cho sản phẩm khi chưa được dán một loại tem mác nào
 

Bà Nguyễn Thị Tâm – Xóm Minh Hòa – Xã Minh Hợp – Quỳ Hợp chia sẻ: Chúng tôi chỉ mong có thương hiệu cam Vinh. Giờ cam các nơi về lẫn lộn mà cam chúng tôi lại chưa có một thương hiệu, một nhãn mác nào để bảo vệ nhà vườn. Tôi mong muốn các cấp các ngành cùng với nhà vườn làm thương hiệu để không chỉ năm nay mà còn phát triển lâu dài.

Có thương hiệu nhưng thực tế nhiều hộ dân lại không có ý thức bảo vệ, duy trì gắn kết với thương hiệu. Cam Vinh, Vịt Bầu Quỳ, Thổ cẩm Hoa Tiến, chỉ là 3 trong số rất nhiều sản phẩm làm nên đặc trưng, đặc sản vùng cho Nghệ An. Tuy nhiên, các sản phẩm vùng chỉ mới dừng lại ở mức được công nhận chứ chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường bởi chưa xây dựng được hệ thống cung ứng, mẫu mã bao bì, nhãn mác mang thương hiệu riêng. Chỉ khi nào mỗi một sản phẩm bán ra thị trường được đóng mác nhận diện rõ ràng, giúp người mua hàng phân biệt được sản phẩm, chấm dứt tình trạng thật giả lẫn lộn như hiện nay thì mới có thể phát huy hết tiềm năng sẵn có.

Tác giả bài viết: Phương Thảo

Nguồn tin: