Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ trưởng KH-ĐT giải trình việc tiền đầu tư của quốc gia bị vung vãi

Nêu rõ những hạn chế trong việc phân bổ tiền đầu tư suốt giai đoạn vừa qua như phân tán, dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát, lãng phí, đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại việc thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm những nỗi khó của cơ quan lên kế hoạch…
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) băn khoăn về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 Chính phủ trình Quốc hội khi tài liệu không thuyết minh rõ dự án công trình quan trọng nào phải xin ý kiến Quốc hội, lẫn công trình quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia. Các công trình được ghi trong danh mục dự án đầu tư chỉ có tên, không ghi mức vốn bố trí theo quy định, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA chưa thuyết minh tính toán cụ thể để cân đối với nguồn lực.

Đại biểu dẫn chứng, kế hoạch trình Quốc hội cả giai đoạn 2016 - 2020 chỉ nêu một dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP và vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 40% tổng mức đầu tư (93.000 tỷ/229.000 tỷ).

Ngoài ra, đại biểu cũng băn khoăn về những dự án đang thi công phải dừng vì thiếu vốn, hướng xử lý. Chính phủ chưa tổng kết, đánh giá việc đình, giãn, hoãn các dự án trong giai đoạn trước của các địa phương, mới tổng kết ở khối Trung ương.

Với những lý do đó, ông Hàm đề nghị Quốc hội cân nhắc việc thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn tại kỳ họp này.

 
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chỉ rõ những điểm hạn chế trong hoạt động đầu tư công giai đoạn vừa qua như dàn trải, phân tán,... (Ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chỉ rõ những điểm hạn chế trong hoạt động đầu tư công giai đoạn vừa qua như dàn trải, phân tán, một số dự án hiệu quả còn thấp, dự án kéo dài thời gian thi công đã gây thất thoát nguồn tài chính quốc gia, nợ công trong xây dựng cơ bản còn xảy ra nhiều, kéo dài, chưa xử lý triệt để…. Đại biểu yêu cầu công khai kế hoạch đầu tư công giai đoạ tới với nguyên tắc ưu tiên tập trung đầu tư các công trình, dự án trọng điểm cấp bách.

Dù chia sẻ khó khăn của giai đoạn này nguồn tài chính của đất nước rất eo hẹp nhưng đại biểu đề nghị quan tâm ưu tiên đầu tiên như các công trình dự án ứng phó với biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long... Ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, dự báo đến 2050 có thể 2/3 diện tích của đồng bằng sông Cửu Long ngập sâu trong nước biển. Đại biểu cho rằng bất hợp lý khi trong bối cảnh như vậy mà 5 năm tới, kế hoạch của nhà nước chỉ đầu tư một số công trình, dự án xây dựng cống, đập ngăn mặn, không ăn thua gì so với hệ thống kênh, đập chằng chịt tại đây.

Giải trình thêm trước Quốc hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phân tích, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho cả 5 năm là vấn đề khó vì các nhu cầu rất lớn, nhiệm vụ giao cao, lại phải làm sao cho phù hợp với chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. Đặt trong bối cảnh khả năng ngân sách đất nước còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn vốn xã hội cũng còn khó khăn, việc lên kế hoạch đầu tư công càng nan giải.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, hiện đang tồn tại 2 quan điểm mâu thuẫn, ngược chiều nhau, một nhóm ý kiến yêu cầu cần tập trung đầu tư ưu tiên cho một số lĩnh vực, ngành kinh tế có tính đầu tầu để tránh dàn trải nhưng nhóm ý kiến khác không phải không thuyết phục khi đặt vấn đề, các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn càng phải quan tâm để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các tỉnh thành, khu vực khác.

Một yêu cầu khác UB Thường vụ Quốc hội từng nêu ra với Chính phủ về việc kế hoạch đầu tư công trung hạn cần gắn liền với danh mục các dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án. Bộ trưởng KH-ĐT giải thích, kế hoạch 2016-2020 trình ra Quốc hội lần này đã được thực hiện từ tháng 8/2014, đến nay đã có thay đổi về tổng mức đầu tư. Trong khi đó, việc này phải báo cáo TƯ Đảng, báo cáo Quốc hội vào tháng 3 vừa qua, chưa kịp hoàn thành bản danh mục có sự điều chỉnh, thay đổi nên Chính phủ mới chỉ xây dựng được kế hoạch vốn bố trí cho các dự án nhóm A. Các dự án nhóm B chuyển từ giai đoạn trước sang đến giờ chưa thực hiện được việc dự toán về vốn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị có thêm thời gian để rà soát, lựa chọn lại danh mục các dự án và vốn bố trí với từng dự án.

Về yêu cầu phải đổi mới cách thức lên kế hoạch, Bộ KH-ĐT xây dưng theo hướng, dựa trên tổng số vốn thu xếp được để thông báo là đến các địa phương, bộ ngành cho 5 năm sử dụng. Sau đó, các bộ ngành tuỳ theo ưu tiên của mình để quyết định dự án, Bộ KH-ĐT sau đó thực hiện việc chỉ rà soát lại rồi báo cáo Chính phủ.

Bộ trưởng KH-ĐT thông tin thêm, ngày 5/11 tới, danh mục dự án chi tiết sẽ được gửi cho Bộ Tài chính thẩm định lại.

Nêu quan điểm xây dựng kế hoạch của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định đã thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đề ra như việc đầu tư phải hướng tới phát triển cơ sở hạ tầng đồng thời thực hiện các mục tiêu xã hội như xoá đói giám nghèo để nâng cao hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế, đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, xây dựng phù hợp với chiến lược nợ công, phù hợp với khả năng thu ngân sách, chống biểu hiện dàn trải để tập trung cho những dự án mang tính lan toả… Việc phân bổ vốn của Bộ KH-ĐT bám sát theo những tiêu chí đó.

Trao đổi thêm về những ý kiến cho rằng việc đầu tư thực tế vẫn dàn trải, vốn đầu tư cho giao thông lớn trong khi các lĩnh vực thiết yếu như nông nghiệp, y tế, chống biến đổi khí hậu… chưa được quan tâm nhiều, Bộ trưởng KH-ĐT khẳng định, vì kế hoạch xây dựng bao gồm toàn bộ nguồn ngân sách địa phương, TƯ cũng như nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nên phải toàn diện. Việc dành tỷ trọng lớn cho giao thông cũng là để thực hiện khâu đột phá chiến lược về hạ tầng mà TƯ Đảng đã định hướng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng quả quyết, việc phát triển hạ tầng cho quốc phòng, xây dựng bệnh viện, kiên cố hoá trường học… cũng được dành vốn đầu tư thích đáng.

Các địa bàn trọng điểm được ưu tiên đầu tư cũng được chú trọng, bố trí đầy đủ trong kế hoạch trung hạn trình ra Quốc hội, như việc sẽ ưu tiên nguồn vốn ODA để đầu tư hệ thống thuỷ lợi, hồ chưa ở Tây Nguyên, chống biến đổi khí hậu ở Tây Nam Bộ. Với khu vực Tây Bắc, tới đây, tuyến đường nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ triển khaiv ới nguồn vốn hỗ trợ từ ADB (Ngân hàng Châu Á).

Tác giả bài viết: P.Thảo

Nguồn tin: