Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bạn hãy loại bỏ những thói quen này ngay từ hôm nay nếu không muốn rước bệnh vào người

Dưới đây là 4 thói quen xấu bạn vẫn làm hàng ngày mà không biết rằng chúng thực sự là "thủ phạm" khiến bạn gặp vô vàn rắc rối về sức khỏe.

1. Ít giặt ga trải giường

Một cuộc trưng cầu ý kiến gần đây trên YouGov cho thấy, hơn 1/3 số người được hỏi 2 tuần mới giặt khăn trải giường 1 lần. Trong khi đó, cứ 10 người thì có 1 người làm việc đó 1 lần/tháng. Đây là thói quen xấu bạn cần loại bỏ ngay.

Dù mùi có vẻ vẫn ổn nhưng khăn trải giường liên tục tiếp xúc gần với da mỗi lần gần 8 tiếng đồng hồ. Bác sĩ Ackerley cho biết: “Giường đệm có thể trở thành kho lưu trữ tế bào da của con người, vi khuẩn và chất bài tiết qua da. Loài người thải loại 28g da/tuần và rất nhiều trong số đó nằm lại trên giường. Virus cúm và cảm lạnh, norovirus và salmonella đều có thể sinh tồn trên các tấm trải giường, đặc biệt nếu bạn ngủ trong tình trạng khoả thân. Môi trường ấm và ẩm cũng là nơi cư trú lý tưởng cho mạt bụi nhà với tỷ lệ trung bình một chiếc giường chứa 10 triệu con. Chất thải của loài mạt này có thể gây ra các phản ứng dị ứng, dẫn tới bệnh hen suyễn, chàm, viêm mũi, ho, mắt khô và ngủ không ngon”.

Lời khuyên: Thay khăn trải giường ít nhất 1 lần/tuần (mức độ thường xuyên hơn nếu bạn bị ốm) và giặt ở nhiệt độ 60 độ C nhằm loại bỏ mạt bụi nhà và những vi khuẩn, virus truyền bệnh khác như cúm và E.coli.

 


2. Ngồi xổm trên bồn cầu

Một số nghiên cứu cho thấy, chỉ có 2% phụ nữ ngồi trực tiếp trên bồn cầu khi đi vệ sinh. 85% ngồi xổm và 12% đặt giấy vệ sinh phủ lên thành bồn cầu trước khi ngồi xuống.

Katie Mann, một nhà trị liệu chuyên khoa phục hồi chức năng khung xương chậu, cho biết: “Phụ nữ nói rằng họ làm thế để tránh bị lây nhiễm bệnh. Nhưng, nực cười thay, ngồi cách bồn cầu một khoảng thay vì ngồi hẳn xuống không chỉ đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ bị nước chưa xả hết từ bồn cầu bắn vào "vùng kín" mà còn không giúp khung chậu được thư giãn. Kết quả là, dòng nước tiểu chảy ra bị giảm tới 21%, khả năng nước tiểu còn sót lại trong bàng quang (tăng 14% đọng tiểu so với ngồi trực tiếp lên bồn cầu). Đó chính là nguy cơ gây bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu”.

Lời khuyên: Hãy ngồi trực tiếp lên bồn cầu! “Các xét nghiệm đã chỉ ra rằng, bạt nhảy lò xo trong vườn, thiết bị chơi game cầm tay và cánh cửa tủ lạnh còn chứa nhiều vi khuẩn hơn cả bồn cầu trong toilet”, Katie nhấn mạnh. “Phụ nữ cần nhận ra rằng ngồi trực tiếp lên bồn cầu tương đương với ngồi bên mép hồ bơi. Chỉ có phần sau của đùi bạn tiếp xúc với bề mặt và tiếp xúc như vậy rất khó để bất cứ loài vi khuẩn nào thâm nhập vào "vùng kín". Nếu bạn thực sự không chịu nổi ý nghĩ phải sử dụng bồn cầu trong nhà vệ sinh công cộng, hãy mang theo túi giấy lau kháng khuẩn.

 


3. Quên thay bình lọc nước

Giảng viên Hilton chia sẻ: “Một dụng cụ lọc nước được thiết kế nhằm tách và giữ lại tạp chất – bao gồm vi khuẩn – từ nước chảy ra từ vòi. Nhưng nó chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định trước khi bị tắc bởi những chất bẩn khiến nó ngừng hoạt động. Bởi vì bộ lọc chủ động bắt giữ các tế bào vi khuẩn, nó gần như kích hoạt sự hình thành của màng sinh học – một tập hợp các vi khuẩn bám dính vào bề mặt vật thể. Tiếp xúc với hàm lượng cao nước chứa vi khuẩn không hề tốt. Trong khi mục đích chính của nước đã qua thiết bị lọc là trở nên sạch hơn!”.

Với đa phần người khoẻ mạnh, những màng sinh học này khó có khả năng gây ra vấn đề gì lớn với sức khoẻ. Tuy nhiên, chúng lại khiến nước có vị không mấy dễ chịu và có thể gây viêm nhiễm.

Lời khuyên: Đừng đợi tới khi nước có vị mốc mới thay lõi lọc. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng rồi đặt lịch nhắc việc thay lõi lọc. Thường xuyên lau chùi bình lọc bằng nước ấm có xà phòng.

4. Bỏ qua bước giữ ẩm cho da sau khi tắm vòi hoa sen

Mặc quần áo ngay sau khi tắm có thể gây rắc rối cho bạn nhiều hơn một làn da khô xấu, Natalie Fisher, chuyên gia da liễu, cảnh báo. “Làn da khoẻ mạnh hoạt động như một rào chắn, chống lại các tác nhân gây khó chịu và những vi khuẩn thường là vô hại sống trong cơ thể chúng ta. Nếu nó bị phá vỡ hoặc bị hư hại, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể, dẫn tới những vấn đề phức tạp như bệnh viêm mô tế bào (một chứngviêm da có thể trở nên nguy hiểm).

Da chỉ có thể bảo vệ chúng ta nếu nó mềm mịn. Và chìa khoá cho việc đó là giữ ẩm cho da. Cần đặc biệt chăm sóc tới chân và bàn chân vì máu lưu thông từ tim và đến tim trải qua quãng đường dài hơn – điều  này lý giải tại sao các vết cắt hoặc vết thương ở khu vực này lâu lành hơn ở các vị trí khác”.

Lời khuyên: Sau khi tắm, hãy dành thời gian giữ ẩm da. Nó sẽ giúp giữ lại một ít nước trên da bạn và giúp da không bị khô. Khi giữ ẩm chân, thoa theo chuyển động hướng xuống dưới để ngăn ngừa tình trạng viêm nang lông.

Tác giả bài viết: nguyenhuong/theo H. NGuyễn

Nguồn tin: