Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tiểu thương phớt lờ quy định niêm yết giá bán

Hiện nay, việc niêm yết giá tại các chợ truyền thống bị nhiều tiểu thương phớt lờ, tự định đoạt giá theo nhu cầu thị trường, khiến người tiêu dùng bị “hớ” khi mua hàng.
 
153928 sa p qua n a o
Việc niêm yết giá bán hàng hóa chưa được các tiểu thương tuân thủ theo quy định. Ảnh: Quang Thành

Tại một cửa hàng bán quần áo ở chợ Vinh, nhiều người đến mua hàng phải hỏi giá vì không có bảng niêm yết giá. Và mặc nhiên, chủ cửa hàng sẽ hô giá cao hơn giá trị thật của mặt hàng mình đang bán.

Nhiều khách hàng thân quen dễ thỏa thuận giá. Tuy nhiên, nhiều khách vãng lai tỏ ra hoài nghi về giá thật của mặt hàng nên khá e dè. Khi được hỏi, vì sao cửa hàng không niêm yết giá theo quy định, chủ ki ốt Hạnh Lợi cho biết: “Vì giá cả hàng hóa luôn biến động nên việc niêm yết giá rất khó khăn”.

Không chỉ tại ki ốt bán quần áo mà rất nhiều nơi bán các mặt hàng khác như vải, áo, ba lô, giày dép, đồ gia dụng, đồ điện tử... ở chợ Vinh, các chợ truyền thống khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An... tiểu thương không thực hiện việc niêm yết giá.

Phần đông tiểu thương cho rằng, việc thực hiện niêm yết giá khá phiền phức, trong khi giá cả hiện nay thường xuyên thay đổi. Các cửa tiệm kinh doanh tạp hóa với số lượng hàng lên đến vài trăm loại, trong khi đó diện tích mặt bằng lại rất khiêm tốn, bày trí tất cả các loại sản phẩm là một điều khó khăn, nên niêm yết giá trên từng loại sản phẩm khó có thể thực hiện.

Bên cạnh đó, việc niêm yết giá đòi hỏi rất nhiều thời gian, trong khi nhiều mặt hàng có giá trị rất thấp, từ vài ngàn nên phần lớn chủ tiệm rất ngại niêm yết. Chị Thu Sương, chủ một tiệm tạp hóa tại chợ Trung, xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên chia sẻ: “Tiệm tạp hóa tôi kinh doanh rất nhiều loại hàng hóa, từ chén, dĩa cho đến giày, dép… mỗi mặt hàng có đến hàng chục loại thì làm sao để niêm yết giá lên được”.

Chị Thu Lan, một người mua hàng cho biết: “Hôm trước, chủ quầy lấy một giá, hôm sau lại rẻ hơn một chút. Tôi thấy như vậy là giá không chuẩn”.

Chợ Vinh là chợ lớn nhất của tỉnh Nghệ An với 3.200 hộ kinh doanh buôn bán. Thế nhưng tại đây chỉ có khoảng 95% mặt hàng đều không niêm yết giá. Cũng có xuất hiện những tấm biển. Nhưng tất cả chỉ mang hình thức đối phó.

Ông Tô Thanh Nhân, Trưởng ban quản lý chợ Vinh cũng thừa nhận: “Tính chất kinh doanh của chợ Vinh là chợ đầu mối, hoạt động theo mô hình bán buôn, toàn đóng vào bao, vào gói chuyển đi các tỉnh nên việc niêm yết không thường xuyên, liên tục.

Hàng năm, Ban quản lý chợ phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường có kiểm tra, có xử phạt về hành vi vi phạm quy định niêm yết giá bán lẻ nhưng số lượng phạt không nhiều, chủ yếu nhắc nhở các tiểu thương là chính”.

Theo khảo sát của phóng viên, từ chợ lớn đến chợ nhỏ, từ hàng khô đến hàng tươi, quy định về niêm yết giá đang gần như không có hiệu lực ở các khu chợ truyền thống ở Nghệ An. Hầu hết giá bán do người kinh doanh tự định đoạt sẽ dễ dẫn đến tình trạng “té nước theo mưa” khi thị trường biến động.

Có thời điểm giá xăng dầu tăng, các loại mặt hàng ở chợ mặc dù không bị tác động trực tiếp từ xăng dầu, hoặc các mặt hàng như quần áo, giày dép... đã được cửa hàng nhập hàng về từ trước đó vẫn mặc nhiên tăng giá bán theo tâm lý đám đông. Và khi người kinh doanh “cầm trịch” về giá cả như vậy, thì người tiêu dùng phải chịu thiệt. Vì lẽ đó, siêu thị hay các cửa hàng kinh doanh có thương hiệu nổi tiếng ngày càng được nhiều người lui tới để mua hàng.

Ngày 27/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn, trong đó có quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi không niêm yết giá hàng hoá, niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Duẩn – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Nghị định mới đã tạo điều kiện cho lực lượng Quản lý thị trường xử phạt nghiêm minh hơn, không chỉ lần hai mà ngay lần đầu vi phạm cũng sẽ bị xử phạt.

Trong 9 tháng năm 2016, Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An đã kiểm tra và xử lý 500 vụ vi phạm về niêm yết giá, phạt vi phạm hành chính 234 triệu đồng. Mặc dù mức xử phạt đã tăng lên gấp đôi so với trước đó, thế nhưng theo kế hoạch mỗi năm Chi cục Quản lý thị trường cũng chỉ kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá được 1 lần.

Song mỗi lần tiến hành kiểm tra Chi cục phải thông báo cho các Ban quản lý chợ trước đó 3 ngày, và trong khoảng 3 ngày đó cũng đủ kịp thời gian cho các tiểu thương “chuẩn bị” niêm yết giá để đối phó.

"Trừ trường hợp có đơn tố cáo của người dân thì Chi cục mới kiểm tra đột xuất. Sau khi kiểm tra xong thì đâu lại vào đấy, niêm yết giá ở các chợ truyền thống chỉ như “đá ném ao bèo”, ông Duẩn nói.

Niêm yết và thực hiện bán đúng giá không chỉ là văn minh thương mại, mà còn là biện pháp hạn chế việc tình trạng lợi dụng biến động giá cả để tăng giá bán.

Để việc quản lý thực hiện niêm yết giá được thực hiện nghiêm túc, trở thành ý thức của tiểu thương thì cơ quan chức năng vừa kiểm tra, xử phạt vừa nâng cao ý thức cho tiểu thương trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải trở thành kênh thông tin để cho ngành chức năng vào cuộc xử lý./.

Tác giả bài viết: Bích Huệ/TTXVN