Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


"Quãng vô thanh" của một người cộng sản

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (Nghệ An) hiện đang lưu trữ gần 6000 hồ sơ liệt sỹ, chiến sỹ cộng sản những năm 30-31 chưa tìm được manh mối thân nhân. Họ đã mất dấu vĩnh viễn trong chiến tranh, loạn lạc, cũng có thể họ đã hòa mình vào cuộc sống của hôm nay mà không hề biết rằng, cha ông mình đã để lại những bước đi lớn lao của một thời kỳ cách mạng cam go. Câu chuyện của chúng tôi là một trong vô vàn những câu chuyện chưa kể ấy...

Một ngày hè năm 2009, ông Đậu Công Dần cùng với một người bạn của mình tìm đến Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (tại đường Đào Tấn, thành phố Vinh) để mong tìm được thông tin về cha của bạn nguyên là chiến sỹ cộng sản từng bị tù đày tại nhà tù Buôn Mê Thuột. Công việc tìm ra hồ sơ rất nhanh chóng, thuận lợi. Trong lúc chuyện trò, chờ đợi chị cán bộ bảo tàng hướng dẫn lưu thông tin, ông Dần buột miệng hỏi: “Chị à, liệu những người hoạt động cách mạng thời 30-31 có lưu hồ sơ ở đây hết không?”. Chị cán bộ bảo tàng khi ấy trả lời: “Cũng khá đầy đủ. Anh tìm cho ai? Nếu là người nhà, anh cho tôi họ tên, quê quán, cha mẹ…Tôi sẽ gắng tìm cho anh”. “Tôi tìm cha tôi, ông tên Đậu Dụ, sinh năm 1908, quê Diễn Phong, Diễn Châu. Tôi không rõ ông có hoạt động gì, nhưng có lần nghe mẹ tôi nói: Cha bây đi rải truyền đơn, tham gia cách mạng. Có lần suýt bị Pháp bắn phải nhảy sông chạy về nhà bà ngoại mới thoát thân. Với lại tôi chợt nhớ cách đây chừng 3 năm (quãng năm 2006, 2007), một người bạn cùng thời với cha tôi, ông Hoàng Huân, nguyên Trưởng Công an huyện Diễn Châu có nói trong một lần gặp mặt: Bây không biết mô, cha bây ngày xưa là cộng sản hoạt động bí mật mãi tới khi sức khỏe yếu mới xin nghỉ”.
 

Ông Đậu Công Dần  (áo xanh) lặng người trước hồ sơ của người cha thuộc diện cộng sản C2 tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh


Câu hỏi bâng quơ, ông Dần cũng không mong chờ hồi đáp. Vậy mà 4 giờ chiều đó, ông Dần nhận được cuộc điện thoại từ cán bộ bảo tàng: “Anh Dần ơi, tôi tìm được hồ sơ của ông cụ. Nhưng anh phải xác minh giúp tôi, cha mẹ cụ tên gì, hoàn cảnh gia đình răng? Nếu đúng, thì hồ sơ của cụ thuộc diện cộng sản C2, cộng sản nguy hiểm theo hồ sơ lưu trữ của mật thám Pháp xưa đấy”. Ông Dần chết lặng. Ông không thể tin vào tai mình nữa. Mọi thứ như nhòe mờ, chân ông muốn khuỵu xuống. Cả một đời, chưa bao giờ ông cảm thấy sức mình yếu như lúc này… Phải mất mấy phút trấn tĩnh, ông nối máy cho chị gái và những người họ hàng ở quê, hỏi lại họ tên của ông bà nội và một vài thông tin liên quan mà không hiểu sao lúc đó ông không tài nào nhớ nổi. Mọi thông tin trùng khớp. Và người đàn ông cao lớn lừng lững, đầy bản lĩnh và sự quả quyết có tên Đậu Công Dần ấy, bỗng chốc òa khóc như một đứa trẻ…

Tuổi trẻ tủi buồn một người con

Ông khóc trong dòng hồi ức cuồn cuộn đổ về. Ông khóc trong nỗi bất lực, cay đắng, xót xa... Năm 1950, ông Dần, đứa con út trong số 10 người con (sau này chỉ nuôi được 4), cũng là con trai duy nhất của ông Đậu Dụ và bà Trương Thị Vỹ ra đời, và chỉ mấy năm sau thì cha ông bỏ đi đâu đó biền biệt khi nghe có người tố ông là “địa chủ, phản động” tại buổi đấu tố ở đình làng. Chẳng ai biết ông đi đâu, làm gì. Chỉ biết rằng Đậu Công Dần lớn lên với “cái án”: con địa chủ, cường hào, có nợ máu với nhân dân. Nhà ông, khi đó dường như trống trơn. Nỗi đói, khổ, sự đau đớn trút cả lên đôi vai mẹ ông. Ông nhớ, có lần mẹ ông ôm cậu con út trong vòng tay gầy run rẩy mà nói, cũng là lần duy nhất ông thấy bà nói lời đau khổ cùng cực ấy: “Mẹ cũng có lần định chết rồi. Mẹ đi bắt cáy, mẹ đợi nước lên, nước mà lên cao nữa, mẹ trôi đi thì hết mọi nỗi nhục. Nhưng mẹ nghĩ đến con, đến các chị, mẹ không chết nữa…”. Khi ông Dần chừng 8, 9 tuổi, cha ông trở về. Ông cũng đi cày ruộng, bốc thuốc bắc như bao nhiêu người làng. Chỉ có cái án “địa chủ cường hào” là vĩnh viễn được đóng dấu trong lý lịch những người con. Vì thế, dầu có giỏi giang, có cố gắng mấy, thì ông Dần vẫn không được đi học đại học, không được đi bộ đội, thậm chí mãi không được vào Đoàn. Có những bận, ông Dần nhớ, kết thúc những cuộc họp thanh niên, bao giờ cũng có họp đoàn viên: “Tý họp xong các đoàn viên ở lại”, chỉ có ông Dần và một số người chưa vào Đoàn lủi thủi ra về. Kể cả chuyện yêu đương, tìm hiểu, dù ông rất đẹp trai, có nhiều tài lẻ, nhưng người ta vẫn ngần ngại cái “thành phần”. Sau này, ông có chích máu viết đơn để được đi bộ đội, người ta vẫn không cho ông đi. Chỉ khi có một đợt thiếu quân, thì ông may mắn đã được gọi tên. Ấy là năm 1970. Ông kể rằng, niềm vui được đi bộ đội giống như niềm vui được tái sinh của con người ông khi đó.

Chính là những thiệt thòi, đau khổ đã tôi luyện nên một Đậu Công Dần dũng cảm, xông xáo, sống đầy nhiệt tình, trách nhiệm, hết mực được đồng đội yêu quý khi ông lần lượt ở các đơn vị Đoàn 22 QK4, Tiểu đoàn 40 chiến đấu ở Lào, đơn vị pháo C50 bảo vệ Hòn Ngư, Hòn Mắt… Ông nghĩ, nếu sống thì gắng sống cho tốt, còn nếu chết trên chiến trường thì cũng là điều may, biết đâu xóa đi cái “án” đã hằn sâu vào suy nghĩ của bao người. 21 năm cảm tình đảng, nhưng vẫn không thể kết nạp, nhiều cán bộ theo dõi, bồi dưỡng đã ôm ông mà khóc vì quá thương…

Năm 1973, trong một lần trở về huấn luyện quân đi B tại Nghi Lộc, Đậu Công Dần xuống ga Sy thì nhận được tin báo: Mẹ sắp mất. Việc quân thúc bách, ông phải về đơn vị huấn luyện, hôm sau, chỉ huy đơn vị hay tin  đã cho phép ông được về thăm mẹ. Khi ấy, mẹ ông bị ung thư vòm họng, sức khỏe rất yếu. Nhưng còn một chút hơi tàn trong lồng ngực mình, bà dặn lại con trai: “Bằng giá nào con hãy tin, hãy đi theo cách mạng. Không được về”. Ông Dần nói: Thật sự tôi không biết vì đâu mà mẹ tôi vẫn không có nửa lời trách cứ cuộc đời, số phận mà bà vẫn trung trinh một tấm lòng với cách mạng như vậy.

Ký ức về người cha

“Cả cuộc đời mình, ừ nhỉ, có mấy ngày được gần cha? Cũng chưa bao giờ có buổi chuyện trò nào riêng tư với cha mình ở tư cách cha – con hay 2 người đàn ông với nhau. Những khoảng trống giữa cha và con dường như chưa kịp lấp đầy”- ông Dần đã tự vấn mình như thế, khi trở về từ bảo tàng một ngày thu năm 2009. “Đã khi nào ông hỏi cha mình về chuyện “thành phần” chưa?” “Chưa, hỏi làm gì? Để mình thêm đau? Hay để trách cứ cha? Tôi chưa bao giờ cất lời hỏi cha mình rằng vì sao cha không phải là một người bình thường khác để con cái đỡ khổ? Nhưng nhiều đêm, tôi đã tự mình hỏi mình trong bóng tối như thế. Tôi đã từng than thân trách phận mình như thế. Nhưng là một mình với nỗi đắng cay. Chứ con người lý trí của tôi vẫn nói đó là bối cảnh lịch sử. Tôi cũng chưa một lần trong đời trách cứ ai, mà chỉ gắng an ủi: mình sống, làm việc tốt thì may mắn sẽ được nhìn nhận khác đi. Sao tôi lại không hỏi cha tôi lấy một lời nhỉ, nếu mà hỏi, biết đâu ông lại hé lộ cho tôi biết điều gì đó???” Ông Dần cau mày, câu hỏi khắc khoải tâm can ông, và ông như cố gắng đào bới ký ức của mình nhớ về từng chi tiết nhỏ, với cha.

 

Ông Đậu Công Dần trao đổi với PV trong cuồn cuộn ký ức...


Trước khi vào bộ đội, ông Dần cũng có hỏi cha để khai trong lý lịch: Trước Cách mạng cha làm gì, ở đâu? Ông Dụ nói: Con cứ ghi cha làm ở Ủy ban Liên Việt xã, thư ký trường Nguyễn Xuân Ôn. Ngay lúc đặt bút viết những dòng đó, ông Dần kể, ông cũng chẳng biết Ủy ban Liên Việt là gì.

Năm 1973, khi ấy ông Dần về Vinh luyện quân ở nhà chú, cha ông biết tin con ở đó, tìm lên thăm và có ngỏ ý với con mình: “Dần à, con chở cha lên tỉnh để xin cái huân chương. Cha thấy ông Ngũ Điểm cũng có huân chương thì chắc cha cũng được”. Như không tin vào tai mình, ông Dần kể, hẳn lúc đó ông đã biểu lộ một sự kinh ngạc lẫn mai mỉa mà hỏi lại cha dồn dập: “Huân chương á? Cha đã làm được gì? Cha có huân chương gì để mà xin?”. Có thể bao nhiêu uất ức, bao nhiêu tủi cực dồn nén trong ngần ấy năm phút ấy đã trào ra trong lời nói của người con. Có thể bởi ông Dần đã không kịp nhận thấy gương mặt tái đi rồi hóa đá của cha mình. Từ đó, vĩnh viễn không bao giờ, ông Dụ nhắc đến những chuyện của mình trước mặt con. Cũng từ đó, ông vĩnh viễn nín lặng chôn giấu một khoảng đời mình…

Sau này, gần đến ngày ông Dụ mất, ông có nhờ con trai chở đi một vòng quanh các nhà thờ họ tộc. Ông gửi lại đó chút tiền và nói với những người trong họ: Nhờ các bác, các chú sau này thắp giúp tôi nén hương, chứ thằng Dần có lẽ nó cũng chẳng thắp hương đâu.

Ông Dần nói, ông đứng nghe mà nỗi đau xót nó thấm buốt tận tim. Ông muốn gào lên: Cha, sao cha nghĩ con như thế, sao cha không tin con? Nhưng rồi, ông lại cũng im lặng. Giữa họ là sự im lặng hóa đá. Cái ngày cha mất, (tháng 9 âm lịch năm 1977), ông Dần nhớ lại, ông Dụ có nhờ con: Con ra mời ông Ký Bình vào đây cho cha! Ông Ký Bình, cũng là một người bị án “thành phần”, còn nặng hơn cả ông Dụ là bị “đày” ra sống trơ trọi giữa cánh đồng làng. Ông Dần gọi ông Ký Bình vào nhà mình, 2 người trò chuyện cả buổi. Sau khi ông Ký Bình về khoảng mấy tiếng sau, ông Dụ trút hơi thở cuối cùng.

Chân dung người cộng sản

“Tôi có tin cha mình đâu, mà lại bắt cha phải tin mình chứ?”- ông Dần nói, như một lời tự bạch. Cha nói cha xứng đáng được huân chương, tôi cũng chẳng tin rằng ông làm được việc gì tốt đẹp để mà được huân chương. Sau này, thấy ông Ký Bình chết sau cha tôi vài năm, được cán bộ tỉnh về làm lễ truy điệu, mọi người vỡ lẽ ông ấy là người hoạt động cách mạng chứ không phải phản động gì, ấy vậy mà tôi cũng không hề có mối liên hệ gì với cha mình. Sau này, khi nghe bác Huân - nguyên là giám đốc công an huyện nói với tôi: Cha bây là cộng sản hoạt động bí mật đấy, cả huyện chỉ 1, 2 người biết thôi, tôi cũng chả tin, chẳng hỏi lại bác ấy lời nào, để rồi sau này về tìm thì bác ấy đã mất.

Từ hồ sơ của bảo tàng và những người chép sử quê hương, ông Dần mới biết rằng cha ông Đậu Dụ, tên hoạt động cách mạng là Đậu Giá được ghi trong hồ sơ mật thám Pháp là cộng sản C2 (nguy hiểm). Từ những năm 1928-1929, ông đã cùng với các ông Trần Sỹ Mại, Ngũ Ban, Nguyễn Khoát, Giao Huệ, Quê Hữu Đương… ở Diễn Phong, tổng Vạn Phần móc nối với phong trào hoạt động cách mạng của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở các xã lân cận để gây dựng phong trào cách mạng. Ông bị mật thám Pháp ráo riết theo dõi. Phong trào cách mạng những năm 1930-1931 bị đàn áp khủng bố đẫm máu, những người hoạt động bị vây bắt. Vì Đậu Dụ cùng các đồng chí tham gia mít tinh quần chúng ban đêm tại chùa Bốn nên nhiều người đã bán ruộng lấy tiền chạy tội, riêng Đậu Dụ nhờ có lý trưởng làng Vĩnh Lại che chở, cho thay tên thẻ tùy thân bằng tên người em trai là Đậu Giá đang cư trú ở Vinh  để làm chứng ngoại phạm nên thoát khỏi bắt giữ. Cái tên Đậu Dụ từ đây được đổi bằng Đậu Giá, ông Dụ đã hoạt động dưới cái tên mới của mình. Những năm sau này, từ 1939- 1943, ông Dụ một phần để tránh sự truy nã của Pháp, tay sai Nhật, một phần để hạn chế quyền lợi và tội ác của bang tá phủ Trần Văn Huân lúc này đang tranh cử để phụ trách thêm tổng thứ 3 là tổng Lý Trai, ông đã đứng ra tranh cử chức bang tá phủ phụ trách tổng Lý Trai. Trong cuốn “Địa chí và lịch sử Diễn Phong” có nói ông Dụ đắc cử nhưng đã luôn đứng về phía nhân dân, giúp đỡ người nghèo… Cái tên ông được khép lại trong hồ sơ mật thám Pháp với dòng thông tin: 1943 khi ra ứng cử bang tá phủ- bị điều tra, tố giác là cán bộ tài chính của đảng cộng sản, bị truy lùng năm 1930-1931.

Vĩ thanh

Nhiều lần Đậu Công Dần đến Bảo tàng, chìm vào sự lặng lẽ trong đó, sống lại những kí ức cùng nhiều con người trong đó, những người đã chết nhưng dường như chưa bao giờ là người của quá khứ. Cha ông cũng vậy, ông cảm thấy một mối ràng buộc thậm chí khăng khít hơn bao giờ hết. Những điều chưa từng được nói, những câu chuyện chưa từng được kể giữa hai cha con, giờ đây như đang được khởi đầu tại chính Bảo tàng này. Ông còn đến để thấy trong mình một đứa con đang khao khát được trò chuyện với cha, để trong sự im lìm của những lớp tầng cuồn cuộn vết thương và vinh quang của lịch sử, ông hiểu vì sao cha mình và những người như ông ấy đã chọn sự thinh lặng.

 

Trong Bảo tàng im lặng này, với ông Đậu Công Dần là vô vàn những điều không im lặng để kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai...


Đậu Dần nhớ mãi lời cuối cùng của mẹ ông trước khi mất. “Con hãy đi theo cách mạng, tuyệt đối không được về (?)”. Trong lòng đứa con lúc bấy giờ mới hơn hai mươi tuổi nhưng đã biết hết thế nào là thương tổn và sự trả giá, lời nói của mẹ giản dị mà thông suốt, mộc mạc mà thiêng liêng, mang trong nó sức mạnh và quyền uy tuyệt đối. Người mẹ mà cả đời lầm lụi trong đau khổ, đã từng chờ đợi nước lên cao trong những lần đi bắt cáy để quyên sinh, người mẹ đã từng trải qua ngàn vạn sóng gió bão táp cuộc đời, bà đã nói lời cuối cùng với đứa con trai duy nhất còn lại, rằng hãy đi theo cách mạng. Đó không chỉ là một lời dặn thông thường của một người mẹ bình thường. Nó còn hàm chứa những lặng lẽ chịu đựng hy sinh, những niềm tin không bao giờ mất đi hay phai nhạt, những hy vọng và sự ký thác lòng tin vào một điều mà dẫu không ít lần phải nếm trải những đắng cay tuyệt vọng, bà vẫn mòn mỏi trông chờ và tin tưởng.

Và giờ đây, đối diện với Đậu Công Dần trong Bảo tàng im lặng này, là vô vàn những điều không im lặng. Ai đó đã nói rằng sự im lặng chính là đỉnh cao của mọi thứ âm thanh, ông tin vào điều đó khi bước chân đến nơi này. Những âm thanh của quá khứ, sự đồng vọng và vang dội của nó, quá lớn để có thể cất lên. Bởi vậy mà nó vỡ òa thành sự im lặng, và chỉ trong sự im ắng này nó mới vừa vặn để tồn tại.

Cũng như cuộc đời của cha ông, là một quãng vô thanh nhưng đó lại là giai điệu trong trẻo và thuần khiết nhất. Đôi lúc ông hối tiếc vô cùng vì chưa một lần ông cùng cha nói chuyện một cách nghiêm túc, vì ông đã từng hỏi cha với ít nhiều hờn tủi: “Cha đã làm được gì?”. Nhưng chẳng phải giờ đây hai cha con ông đang được chuyện trò đấy sao? Chẳng phải sự im lặng suốt cuộc đời cha đã là câu trả lời vẹn toàn và kiêu hãnh nhất cho cái câu hỏi mà lẽ ra Đậu Công Dần nên hỏi với một thái độ khác, về việc cha mình đã làm được những gì cho đất nước, cho cách mạng? Chẳng phải ngay từ đầu, người cộng sản mang tên Đậu Giá ấy đã chọn sự lặng lẽ, chọn sự hy sinh, giống như nhiều “người cha thầm lặng” khác trong cuộc chiến vĩ đại của dân tộc? Và chẳng có sự hy sinh nào lại ồn ào…

Tác giả bài viết: Thùy Vinh