Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cổ vật đền Linh Kiếm

Đền Linh Kiếm tại làng Thuận Lý- Thuận Sơn- Đô Lương được xây dựng để thờ ông Nguyễn Công Đức tức là Nguyên Trung Ngạn một nhân vật lịch sử có công lớn thời Trần. Cứ đến ngày 15-7 hàng năm (12-6 âm lịch), xã Thuận Sơn đều tổ chức trọng thể Lễ hội đền Linh kiếm. Hiện nay đền đang lưu giữ nhiều cổ vật quí hiếm.

Den linh kiem 1
 
Nằm gần bên bờ sông Lam, trải qua hàng trăm năm tồn tại đến nay đền Linh Kiếm vẫn giữ được những nét cổ kính của thời Nguyễn. Đền Linh Kiếm thờ ông Nguyễn Trung Ngạn người ở làng Thổ hoàng, huyện Thiên Thi nay là huyện Ân Thi, Tỉnh Hưng Yên, ông là con trai của Trạng nguyên Nguyễn Hiền, vốn có tư chất thông minh, 56 tuổi đỗ Hoàng Giáp tại khoa thi Giáp Thìn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ca ngợi ông: đương thời gọi ông là “Thần đồng”. Thời Trần ông giữ nhiều cương vị khác nhau, năm 1355 ông được giữ chức Kinh lược sử trấn Lạng Giang đây là chức chỉ đứng sau tước Vương của tôn thất nhà Trần.
 
Den linh kiem 2
Den linh kiem 3

Hiện nay đền đang lưu giữ nhiều cổ vật quí hiếm. Thanh kiếm cổ này, theo ông Nguyễn Đình Thành người quản lý đền đã 18 năm cho biết: “đây là một thanh kiếm rất quý, là bảo vật của đền, luôn được giữ gìn rất cẩn thận. Tương truyền là vật bất ly thân của Nguyễn Trung Ngạn, chuôi kiếm được chạm trổ rất tinh vi, thể hiện quyền lực của người sử dụng kiếm..”
 
Den linh kiem 4
Lư hương ở Thượng Điện có niên đại thời Lý. Hình tượng rồng được chạm trổ theo rồng của thời Lý, có 3 vọt ở trên kỳ lưng. Lư hương này được chế tác bởi những người nghệ nhân xưa có tay nghề rất cao, nên rất quí hiếm. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và cổ vật đánh giá rất cao về cổ vật này. Lư rất nặng được chế tác từ đá Cẩm Thạnh.

Chiếc mũ cổ này được chế tác bằng đồng và đá quí. Đây là chiếc mũ của người có quyền lực cao trong thời kỳ phong kiến xưa. Do thời gian, chiếc mũ đã được tháo rời ra từng bộ phận. Tuy nhiên vẫn còn khá đầy đủ các bộ phận. Cánh chuồn 2 bên mũ được làm rất tinh xảo.

Về đồ sứ, ở đền còn nhiều đĩa cổ. Đây là một đĩa chữ đời nhà Thanh.

Cụ Nguyễn Đình Thành cho biết: “cuốn sách cổ ở đền có từ thời vua Thành Thái, khi lên ngôi được 6 năm. Các Hào Lý của tổng Thuần Trung (9 làng) đã viết lên cuốn sách này. Nội dung sách ghi lại các sắc phong của đền Khai Long- Thuộc tổng thuần Trung trong đó có làng Thuận Lý.

Sắc phong này cũng là một cổ vật (nguyên liệu bằng giấy gió). Vua Cảnh Hưng phong sắc ngày 8 tháng 8 năm khi lên ngôi được 28 năm.

Về cổ vật bằng gỗ, đền có các bức lưỡng long chầu nguyệt, chim phượng, lân, rùa trong đầm sen “tứ linh, tứ quí”. Toàn bộ kiến trúc trong đền là một bức tranh nghệ thuật mô tả tổng thể những ước nguyện tốt đẹp mà người xưa truyền lại cho hậu thế.

Tác giả bài viết: Lê Ngọc Phương