Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quỳnh Lưu: Bất cập neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền

Hàng trăm phương tiện tàu thuyền của ngư dân các xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu như Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, Sơn Hải đang đứng trước nguy cơ thiếu chỗ neo đậu gây mất an toàn cho phương tiện cũng như tài sản của ngư dân. Đặc biệt, khi các phương tiện tàu sắt có công suất lớn của ngư dân đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ hoàn thành thì vấn đề này lại càng trở nên bức thiết.
Lạch Quèn thuộc xã Tiến Thủy và Lạch Thơi thuộc xã Sơn Hải là 2 cửa lạch lớn nhất của huyện Quỳnh Lưu. Đây là nơi ra vào, cập bến và tránh trú bão cho hàng trăm phương tiện tàu thuyền của bà con ngư dân các xã vùng biển và ven biển của ngư dân trong  huyện. Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, do tình trạng luồng lạch ngày càng bị bồi lấp cộng với sự thiếu ý thức của một số hộ kinh doanh xung quanh khu vực các bến cảng đã lấn chiếm xây dựng, cơi nới chỗ đậu tàu thuyền để kinh doanh xăng dầu làm cho nhiều đoạn sông trong cửa Lạch bị co hẹp diện tích, gây ách tắc cho các phương tiện tàu thuyền mỗi lần ra vào cảng. Bên cạnh đó, tiến độ thi công các tuyến đê, kè tránh trú bão quá chậm, dẫn đến việc hạn chế nơi neo đậu cho các tàu thuyền, gây bức xúc cho bà con ngư dân.

Anh Nguyễn Quốc Tiến – ngư dân xã Tiến Thủy cho biết: "Đối với cảng Lạch Quèn chúng tôi vừa rồi có dự án xây bờ kè bờ để cho tàu thuyền về tránh trú bão an toàn, nhưng mà có dự án rồi vẫn chưa thực hiện để mãi chúng tôi chưa có chỗ tránh trú bão an toàn, mong các ban ngành huyện, tỉnh, nhà nước chú trọng quan tâm đến nghề biển của ngư dân chúng tôi."

Xã Tiến Thủy hiện có 328 phương tiện tàu thuyền có công suất từ 20 CV - 1.100 CV, trong năm 2015 địa phương đã đóng mới 15 phương tiện với tổng công suất 9.336 CV có giá trị hàng chục tỷ đồng. Số lượng phương tiện có công suất lớn ngày càng gia tăng, thế nhưng diện tích luồng lạch cũng như bến cảng để neo đậu cho ngư dân địa phương thì từng ngày bị bó hẹp lại, nhiều phương tiện bất chấp nguy hiểm để chen lấn tìm kiếm chỗ neo đậu khi về bến để kịp bán sản phẩm. Đồng thời, để tiếp nhiên liệu, lương thực cho chuyến biển mới. Với bất cập trong việc neo đậu tàu thuyền và luồng lạch cạn như hiện nay đã khiến cho không ít ngư dân địa phương lo lắng. 


Không chỉ ngư dân xã Tiến Thủy, mà ngư dân Sơn Hải và các xã vùng biển ở 2 cửa Lạch đều có chung hoàn cảnh như vậy. Không chỉ khó khăn khi ra vào đánh bắt mà nguy cơ mất an toàn khi mùa mưa bão về cũng là vấn đề khiến ngư dân trăn trở. Trong khi để có được một phương tiện tàu thuyền vươn khơi đánh bắt hải sản , bà con ngư dân phải cầm cố bìa đỏ ngân hàng để vay hàng chục tỷ đồng.

Trước những bức xúc của ngư dân địa phương, ông Hoàng Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trong thời gian tới cũng đề nghị với UBND tỉnh, UBND huyện, phòng Nông nghiệp bố trí nguồn vốn để đẩy mạnh việc nạo vét lạch thơi cho thông thoáng; thứ 2 nghiên cứu để xây dựng một số điểm đậu tàu thuyền cho bà con ngư dân thuận tiện trong khai thác đánh bắt.”

Hiện nay, toàn huyện Quỳnh Lưu có trên 1.320 tàu thuyền khai thác hải sản với tổng công suất trên 336.000CV, trong đó tàu có công suất 90CV trở lên 740 tàu. Trung bình mỗi năm ngư dân các xã đóng mới từ 10 - 15 phương tiện có công suất từ 900 CV - 1.200 CV. Với việc phát triển nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn khiến cho chỗ neo đậu quá tải, ra vào luồng lạch khó khăn, đây là một thách thức lớn trong công tác quản lý. Để giải quyết tình trạng luồng lạch cạn, trong những năm qua huyện Quỳnh Lưu đã nhiều lần cho tiến hành nạo vét nhằm khắc phục tình trạng bồi lấp nhưng sau một thời gian thì tình trạng bồi lấp lại tiếp diễn.

Trao đổi về công tác khắc phục thực trạng này, ông Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Chính quyền đang có những xúc tiến tháo gỡ khó khăn về luồng lạch đảm bảo cho lượng thuyền neo đậu trú ẩn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên với những phương tiện tàu đánh bắt xa bở có công suất lớn hiện vẫn là bất cập của địa phương. Các dự án mở rộng thêm các bên của 2 cửa lạch do huyện đề xuất đã được tỉnh phê duyệt.”

Để ngư dân yên tâm phát triển kinh tế biển, trong thời gian tới thiết nghĩ các cấp, các ngành và huyện cần có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, nhất là việc đầu tư nâng cấp xây dựng cảng cá, bến cá và quan trọng nhất là xây dựng các âu thuyền cho ngư dân tránh bão nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tài sản của ngư dân.

Tác giả bài viết: Ngọc Bích – Đài TTTH Quỳnh Lưu