Giáo dục

Phụ huynh dùng tiền nâng điểm cho con có thể bị phạt 20 năm tù

Theo luật sư Diệp Năng Bình, những phụ huynh nếu dùng tiền hoặc tham gia chạy điểm cho con trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 có thể sẽ bị khởi tố theo điều 364 Bộ luật hình sự.

Dư luận hiện đang quan tâm và phẫn nộ trước sự việc hàng loạt trường hợp từ Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang được nâng điểm trong kỳ thi THPT 2018. Rất nhiều thí sinh được nâng điểm có bố mẹ là lãnh đạo ban ngành của tỉnh, thậm chí còn có phu huynh đang công tác trong ngành giáo dục. Hiện tại, danh sách thí sinh đã được xác định, chuyển về các trường ĐH có liên quan, một số thí sinh đã bị cho thôi học.

Hiện tại, cơ quan công an các tỉnh đã tiến hành khởi tố, bắt giam 16 cán bộ giáo dục, công an có liên quan đến gian lận thi cử. Tuy nhiên, những người dùng quyền, dùng tiền để mua những điểm "bẩn" lại chưa bị xử lý.

Đối tượng Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD&ĐT Sơn La (áo trắng bên phải) nghe quyết định khởi tố.

Trao đổi với PV Kiến Thức luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật) đã có những nhận định về vụ việc.

- Ông có bình luận gì về vụ bê bối giáo dục ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La?

Tôi cho rằng hành vi sửa bài, nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 ở 3 tỉnh trên là đỉnh điểm của tiêu cực từ trước đến nay về số lượng thí sinh bị phát hiện được nâng điểm cũng như tổng số điểm được nâng. Lạ lùng ở chỗ, các thí sinh hầu hết đều là con của các quan chức lãnh đạo tỉnh với điểm đến là các trường danh giá nhất hiện nay, trong đó có khối lực lượng vũ trang. Những chỉ tiêu của các thí sinh học và thi bằng năng lực thật sự đã bị các thí sinh này chiếm hết. Trước bê bối đó, dư luận bức xúc, bất bình là điều dễ hiểu.

- Nếu có đủ bằng chứng về việc các phụ huynh cố tình can thiệp để nâng điểm cho con, những người này sẽ bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật?

Không khó để điều tra ra việc có hay không có việc trục lợi hoặc đưa và nhận hối lộ. Nhưng theo tôi, ở đời không ai làm những việc tày đình như thế mà không công cả. Khi có đủ căn cứ, phải khởi tố những người này Tội nhận hối lộ (được quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự) và Tội đưa hối lộ (được quy định tại điều 361 Bộ luật hình sự).

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng phụ huynh có hành vi can thiệp, nâng điểm cho con sẽ bị khởi tố Tội đưa hối lộ.

- Theo quan điểm của luật sư thì danh tính những người này có nên công khai không?

Tôi nghĩ là nên công khai. Bởi lẽ, chính họ đã làm hư hỏng một thế hệ của đất nước. Những đứa trẻ không có năng lực nhưng sau này được cha mẹ chúng tạo cho một lý lịch tốt, rồi lại leo lên các vị trí lãnh đạo đất nước thì nguy hiểm vô cùng.

Đồng thời, cha mẹ của những đứa trẻ này lại là những người được nhân dân giám sát nên không có lý do nào không nên công khai danh tính. Công khai để xã hội phê phán, một sự phê phán đủ tính răn đe để không có những chuyện tương tự tiếp diễn.

Chúng ta không nên suy đoán theo cảm tính khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Điều đó sẽ vô tình lại gây tổn thương cho những người có con "bỗng nhiên được nâng điểm". Nếu không, sẽ lại như một vị Bí thư nào đó kêu oan là ai đó đã tự nâng điểm cho con mình thì thật là tội cho họ.

- Liệu có nên công khai danh sách các thí sinh được nâng điểm?

Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên cho những đưa trẻ cơ hội, vì chúng cũng chỉ nằm trong cơn cuồng vọng hư danh của cha mẹ. Vai trò của chúng lại quá mờ nhạt, không có tiếng nói, chỉ biết nghe theo những người lớn. Chúng ta nên cho chúng cơ hội để làm người tử tế. Việc trả các học sinh được nâng điểm kỳ thi THPT 2018 về địa phương, theo quan điểm của tôi là đúng. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải khôi phục lại quyền lợi cho những đứa trẻ đã bị loại khỏi cuộc thi một cách tức tưởi, bị những người lớn có quyền thế cướp đi tương lai. Đó mới là sự công bằng.

Xin cảm ơn luật sư!

Điều 364 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015

Tội đưa hối lộ

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh

nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Tác giả: Quý An

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP