Giáo dục

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La khai gì việc tiêu hủy đĩa CD bài thi ngoài nghĩa trang?

Phần xét hỏi đối với bị cáo Trần Xuân Yến, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, được chờ đợi nhất sau những lời khai của đồng phạm cho rằng hành vi sai phạm là có sự chỉ đạo, hoặc được sự đồng ý của “sếp Yến”.

Theo Zing, phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi tại Sơn La ngày 16/10 chuyển đã thẩm vấn bị cáo Yến. Những ngày qua các bị cáo đều khai được sự đồng ý, thống nhất và chỉ đạo từ ông Yến việc rút bài thi sửa chữa nâng điểm và xóa dấu vết.

Tuy nhiên ông Yến một mực khẳng định mình không chỉ đạo và không tham gia vào đường dây nâng điểm thi.

"Bị cáo không nhất trí với nội dung cáo trạng cáo buộc bị cáo hai nội dung trách nhiệm và hành vi. Bị cáo không nhận nâng điểm thí sinh nào, danh sách 13 tthí sinh chuyển cho Nga là để xem điểm cho đồng nghiệp và bạn bè", ông Yến khẳng định.

Trả lời thẩm vấn, phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Sơn La nói mình không biết và không đồng thuận không cho phép các bị cáo Nga, Sọn, Thủy sửa bài nâng bài thi cho 44 thí sinh.

Chủ tọa hỏi về ba tờ danh sách được Yến chuyển cho Nga, phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La lý giải: "Ngày 28/6, ông Hoàng Tiến Đức (giám đốc sở) đưa cho bị cáo 2 tờ danh sách nhờ xem điểm. Ông Nguyễn Ngọc Hà đưa cho bị cáo 1 tờ danh sách viết tay chứa thông tin 2 thí sinh nhờ xem điểm. Tiếp đó ông Nguyễn Văn Hải, Phan Ngọc Sơn nhờ xem điểm cho con và bị cáo nhờ xem điểm cho một cháu trong gia đình".

Bị cáo Yến còn khai do danh sách giám đốc sở đưa bị nhòe nên ông tự đánh máy lại. "Khi đưa danh sách bị cáo chỉ nói với Nga là nhờ xem điểm", ông Yến tiếp tục phủ nhận việc chỉ đạo nâng điểm thi.

Bị cáo Trần Xuân Yến. Ảnh: VTC


HĐXX hỏi tại sao bị cáo biết Bộ GD-ĐT quy định ngày 11/7 mới công bố điểm thi nhưng lại nhờ xem điểm từ ngày 29/6? Bị cáo Yến khai: “Bị cáo nhận thức được nếu xem được trước cũng là sai theo quy định của Bộ”.

Mặc dù gửi danh sách thí sinh chỉ để nhờ “xem điểm”, nhưng khi HĐXX hỏi sau đó bị cáo Nga có thông báo lại điểm thi của các thí sinh hoặc bị cáo Yến có hỏi lại bị cáo Nga không, thì bị cáo Yến đều trả lời là “không nhận được kết quả từ Nga”, và khẳng định: “Bị cáo không được hưởng lợi bất cứ gì về vật chất từ việc xem điểm này”.

Về việc các bị cáo Nga và Sọn khai bị cáo Yến đã chỉ đạo và yêu cầu sửa biên bản chấm thi sai so với quy chế thi của Bộ, ông Yến chỉ nhận do sơ suất và tin tưởng vào cấp dưới nên không đọc lại biên bản.

Theo cáo trạng và lời khai của Nguyễn Thị Hồng Nga trước toà, khi có thông tin Bộ GD-ĐT sẽ lên kiểm tra tại tỉnh Sơn La, mặc dù kết quả quét bài thi gốc của thí sinh đã xóa trên máy tính nhưng vẫn có thế khôi phục lại được, sợ việc quét lại bài thi sau khi sửa nâng điểm cho các thí sinh bị lộ, ngày 18/7/2018, bị cáo Yến gọi bị cáo Nga đến nhà trao đổi và bảo bị cáo Nga tìm phần mềm trên mạng xóa toàn bộ thùng rác trong máy tính để không thể khôi phục lại ảnh bài thi gốc.

Bị cáo Nga sợ mất hết dữ liệu trong máy tính (các file ảnh bài thi, phiếu trả lời trắc nghiệm đã quét lại sau khi sửa) nên bị cáo Yến bảo Nga trước khi xóa sao lưu dữ liệu bài thi trong máy tính ra đĩa CD để đề phòng khi xóa bị mất hết dữ liệu thì sẽ sử dụng các đĩa này để đưa dữ liệu trở lại máy tính. Bị cáo Nga đã sao lưu dữ liệu bài thi trong máy tính ra 16 đĩa CD, rồi sử dụng phần mềm lấy trên mạng xóa toàn bộ thùng rác trong máy tính.

Cáo trạng viết: “Sáng 19/7/2018, Nga đến phòng làm việc của Yến đưa 2 hộp đựng 16 đĩa CD chứa dữ liệu sao lưu từ máy tính cho Yến. Sáng 20/7/2018, khi làm việc với tổ công tác của Bộ GD-ĐT, biết được tổ công tác đã phát hiện việc sao lưu dữ liệu trong máy tính tại thời điểm ngày 4/7/2018 (do Nga đặt lại thời gian của máy tính), sợ bị phát hiện, Yến đã mang 2 hộp đựng 16 đĩa CD ra nghĩa trang tỉnh Sơn La đốt, tiêu hủy”.

Về việc chỉ đạo bị cáo Nga in sao toàn bộ dữ liệu ra đĩa CD, ông Yến cho biết ngày 18/7 nghe thông tin có đoàn công tác của bộ lên kiểm tra do đó gọi Nga đến nhà.

"Tại nhà mình, bị cáo có nói phải rà soát quy trình thực hiện nhiệm vụ trong chấm thi và in dữ liệu bảo quản tránh trường hợp máy tính nhiễm virus bị mất dữ liệu".

"Sau đó bị cáo lại hủy toàn bộ dữ liệu được in ra đĩa CD", chủ tọa đặt vấn đề. "Do tài liệu không còn mật nên việc in tài liệu ra đĩa không ảnh hưởng gì. Khi bộ kiểm tra thì tất cả dữ liệu kỳ thi còn nguyên vẹn trên máy không mất mát gì, do đó bị cáo nhận thức bộ đĩa đã in ra không còn giá trị, để thất lạc ra ngoài sợ nguy hiểm đến bị cáo nên tiêu hủy", ông Yến khai.

Theo lời khai tại tòa, trưa 20/7 bị cáo Yến mang toàn bộ đĩa CD ra nghĩa trang nhân dân Sơn La tự tay tiêu hủy. Cơ quan điều tra đã thu hồi phần còn sót lại của số đĩa CD đã bị hủy.

Để lý giải cho việc không chỉ đạo nâng điểm thi, ông Yến nói: "Bị cáo không được hưởng bất cứ lợi ích vật chất hay tinh thần gì từ việc nhờ xem điểm này", Tuổi Trẻ cho hay.

Tác giả: Chi Chi (T/h)

Nguồn tin: Theo Đời sống Plus/GĐVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP