Trong nước

Phó chủ nhiệm UB Kinh tế: Chúng tôi xin lỗi Chính phủ

Trước phản ứng của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế nói rằng tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào dầu, than..., Phó chủ nhiệm UB Dương Quốc Anh giải thích do báo cáo tóm tắt không đánh giá đầy đủ dẫn đến hiểu không chính xác. Thay mặt UB, ông xin lỗi Chính phủ.

Tại phiên thảo luận tổ sáng nay về kinh tế, xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ mong muốn lắng nghe các ý kiến đánh giá, phân tích rõ hơn thuận lợi, khó khăn để điều hành nền kinh tế đi đúng hướng hơn.

Mong QH có cách nhìn nhận đúng, khách quan

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Phó Thủ tướng cho rằng báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế hôm qua chưa nhìn nhận đúng và khách quan về tình hình kinh tế- xã hội của đất nước.

Cụ thể, UB đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn về trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp FDI…

Phó Thủ tướng nhắc lại phát biểu của Tổng bí thư tại TƯ 7, cho thấy năm 2017 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng đất nước đã đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra.

“Như vậy mà nói phụ thuộc dầu thô, than đá thì có đúng không? Mấy năm nay 2016, 2017 công nghiệp than đá và dầu tăng trưởng âm hết”, ông phản biện.

Theo Phó Thủ tướng, khu vực dịch vụ phát triển vượt bậc 7,44% từ 2008 tới nay. Trong đó, tiêu dùng trong nước trên 10% trừ lạm phát thì vẫn cao, đóng góp cho tăng trưởng. Việc này có kết luận của TƯ rồi, QH có Nghị quyết rồi, giờ phải bổ sung thêm những nguyên nhân để định hình cho 2018.

“Hay tình trạng ngân sách TƯ hụt thu thì phải phân tích tại sao TƯ hụt và địa phương tăng, phải chăng là từ khâu làm dự toán không sát, trách nhiệm đầu tiên là của Bộ Tài chính và Chính phủ nhưng cơ quan thẩm tra thì có trách nhiệm không?”, ông Huệ đặt vấn đề và cho rằng đương nhiên khâu dự toán, thì thẩm tra và QH quyết định.

Phó Thủ tướng cũng giải thích thêm, không phải tất cả ngân sách địa phương tăng thu vì cơ cấu thu nội địa thay đổi, TƯ phải bù cho vài chục tỷ đồng. Chính phủ đang yêu cầu lập dự toán căn cứ vào dữ liệu kinh tế xã hội chứ không phải ước thu rồi lấy % tăng thêm.

“Không lấy anh thừa bù cho anh thiếu được đâu mà TƯ phải hỗ trợ các địa phương khó khăn”, Phó Thủ tướng phân tích và mong QH có cách nhìn nhận đúng nhất, khách quan giúp cho kinh tế trong nước đi đúng hướng.

Theo ông, chúng ta đang ở giai đoạn làm nhiệm vụ kép và phải khắc phục yếu kém của nền kinh tế tích tụ bao nhiêu năm trước ngày càng bộc lộ như nợ xấu, nợ công, các dự án yếu kém, chứ không phải ngẫu nhiên.

Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Dương Quốc Anh

Đáp lời Phó Thủ tướng, Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Dương Quốc Anh cho biết, báo cáo thẩm tra trình bày trước QH là báo cáo tóm tắt, thời gian khống chế nên không nêu được đầy đủ nội dung. Báo cáo đầy đủ rất dài đã gửi cho các ĐBQH.

“Hôm qua Chủ nhiệm UB trình bày báo cáo tóm tắt, rất tiếc như Phó Thủ tướng nói, báo cáo tóm tắt không đầy đủ nội dung, lại truyền hình trực tiếp có thể tạo ra những bức xúc, đánh giá không đầy đủ, chính xác. Tôi xin phép thay mặt UB Kinh tế xin lỗi Chính phủ về điều đó”, ông nói.

Không thể hy sinh môi trường để thu hút FDI

Ông Dương Quốc Anh cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ phân tích sâu hơn các khuyến nghị của UB Kinh tế là để thực hiện tốt hơn cho năm 2018. Bởi hiện nay xuất hiện các vấn đề khó lường, nhất là các nền kinh tế lớn đang có xu hướng quay lại bảo hộ.

Hay một số vấn đề đáng quan tâm khác liên quan cán cân thương mại, hiện xuất siêu nhưng chủ yếu là do khối FDI, đặc biệt là Samsung.

Liên quan đến DN FDI, ĐB Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM bày tỏ lo lắng khi hiện nay các DN FDI chiếm 70%.

“Chúng ta đều thống nhất với nhau là FDI phải trở thành bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, phải lan toả. Nghĩa là sau mấy chục năm họ vào ta, lực lượng ấy, công nghệ ấy, nguồn lực ấy phải được chuyển thành cơ thể của chúng ta nhưng đến nay họ vẫn là một thành phần xa lạ. Lúc họ rút đi ta còn lại được cái gì?”, ông băn khoăn.

ĐB Nghĩa cho rằng, việc dành nhiều ưu đãi cho các DN FDI chẳng nhẹ nhàng chút nào bởi khi ưu đãi là ngân sách của chúng ta bị mất đi, giảm nguồn thu.

“Tôi xin thưa rằng lợi nhuận của các DN FDI được hưởng rất lớn, kể cả Samsung. Các chuyên gia có những con số chứng minh những đóng góp của họ vào ngân sách là chưa tương xứng với các ưu đãi họ được hưởng. Như vậy là chúng ta cần có nhìn nhận và chính sách khác đi đối với FDI, không thể hy sinh môi trường, không thể dễ dãi trong việc thu hút FDI nữa”, ĐB Nghĩa đề nghị.

Tác giả: Thu Hằng - Hồng Nhì

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP