Kinh tế

Phó ban Tuyên giáo Thành ủy: Táo bằng nhựa đâu mà để 2 tháng không hỏng

Ông Trần Xuân Hà, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: “Tôi đi ăn cỗ, cầm quả táo về nhà 2 tháng mà không hỏng? Táo có phải làm bằng nhựa đâu mà lâu hỏng thế”.

Chiều nay, tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội thông tin về đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành. Thời gian triển khai đề án từ tháng 8/2017 đến tháng 12/2018. Đối tượng đề án hướng đến là quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây bao gồm các hộ kinh doanh, hợp tác xã, công ty, tập đoàn… trên các tuyến phố, khu dân cư (không bao gồm việc kinh doanh trái cây ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại) thuộc 12 quận nội thành.

Bà TrầnThị Phương Lan, PGĐ Sở Công thương

Phó giám đốc Sở Công thương HN Trần Thị Phương Lan cho biết, theo số liệu điều tra ban đầu, HN tiêu thụ khoảng 52.000 tấn trái cây/tháng; trong khi đó, lượng trái cây trên địa bàn chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, tương đương 17.000 tấn. Do đó, lượng trái cây phục vụ nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô phải nhập từ các tỉnh, thành trong cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài.

Hoạt động sản xuất và kinh doanh tiêu dùng trái cây của Hà Nội còn nhiều tồn tại bất cập như: hầu hết các cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố, khu dân cư đều nhỏ, lẻ, số lượng hàng hóa kinh và mua từ các chợ đầu mối ít, chú ý đến hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc hàng hóa…

Đề án sẽ quy đình các cửa hàng kinh doanh trái cây phải bảo đảm 4 nhóm điều kiện: thực hiện quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm; điều kiện nhân lực; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh; điều kiện nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa trái cây.

Buổi giao ban báo chí chiều nay

Các cửa hàng chuyên doanh trái cây và cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp, trong đó có sản phẩm trái cây được cấp biển nhận diện (logo) khi đảm bảo các điều kiện sẽ được cấp biển nhận diện, được công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cụ thể phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương. Cùng với đó, đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh còn hạn theo quy định của pháp luật.

Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường TP sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cửa hàng kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định nêu tại đề án; kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Xuân Hà

Phát biểu kết thúc buổi giao ban, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Xuân Hà cho biết đề án đi vào thực hiện sẽ góp phần đảm bảo VSATTP cho người dân Thủ đô. “Có đợt, tôi đi ăn cỗ, cầm quả táo về nhà 2 tháng mà không hỏng. Táo có phải làm bằng nhựa đâu mà sao lâu hỏng thế”.

Một mặt, phải tuyên truyền, thực hiện đề án cho tốt, một mặt, phải nghiêm túc kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp bán trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATVSTP để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Tác giả: Trần Thường

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP