Cộng đồng mạng

Phía sau tấm ảnh xe máy kéo theo xe ba gác chở nhân viên y tế chống dịch Covid-19: "Không phải diễn..."

"Hình ảnh ấy không phải là diễn gì mà thực sự nó xảy ra rất nhanh", bác sĩ Trùy nói và bày tỏ chính ông cũng lo lắng, sợ người dân không hiểu sẽ bảo vi phạm luật giao thông vì xe kéo không được chở người.

Mới đây, hình ảnh người đàn ông chạy xe máy, kéo theo chiếc xe kéo thô sơ có 5 người mặc đồ bảo hộ chống dịch Covid-19 được đăng tải trên mạng xã hội, khiến nhiều người không khỏi xúc động. Xong cũng có ý kiến cho rằng người lái xe máy chở như vậy là vi phạm giao thông.

Được biết, hình ảnh ghi lại xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nơi ghi nhận 2 ca Covid-19 hôm 7/5. Gồm bà N.T.Đ. (SN 1942) và N.T.H. (SN 1978, con dâu bà Đ.), cùng trú tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Lạc. Chị H. trước đó đưa bà Đ. đến khám và chữa bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Ông Nguyễn Duy Hánh (Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Đồng Lạc) xác nhận trên Infonet/Vietnamnet, tấm ảnh những nhân viên y tế chống dịch Covid-19 trên chiếc xe kéo được ghi lại ở thôn Yên Lạc.

Theo ông Hánh, thôn Yên Lạc nằm giữa xã Đồng Lạc và giao thông đi lại cũng không thuận tiện, cái khó khăn của thôn Yên Lạc chỉ là vấn đề đi lại của đội tham gia chống dịch. Từ khi bị cách ly do xuất hiện ca mắc Covid-19 thì không có xe ô tô ra vào. Giữa các điểm cách nhau xa, lại giữa trời nắng nên nhiều người đã hỗ trợ đội chống dịch cơ động lấy xe kéo ra để đi cho nhanh. Những người tham gia này đều là cán bộ tham gia phun khử khuẩn, truy vết.

Ảnh: Facebook

Cũng theo Infonet/Vietnamnet, người mặc đồ bác sĩ trong tấm ảnh bác sĩ Lê Phú Truỳ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Lạc.

Bác sĩ Trùy kể với nguồn trên, trong lúc chờ chuyến xe chở các đoàn viên thanh niên tham gia chống dịch vào thôn Yên Lạc thì một thanh niên chở máy nổ mini do trạm y tế xã mượn của Phòng Thú y xã đến cho mượn. Tình hình chống dịch rất cấp bách nên mọi người bảo nhau về thôn Yên Lạc bằng chiếc xe kéo này, riêng ông Trùy đi xe máy theo sau.

"Hình ảnh ấy không phải là diễn gì mà thực sự nó xảy ra rất nhanh", bác sĩ Trùy nói và bày tỏ chính ông cũng lo lắng, sợ người dân không hiểu sẽ bảo vi phạm luật giao thông vì xe kéo không được chở người. Khi đó, ông trêu các đoàn viên ngồi trên xe, nhưng ai cũng cười bảo "chống dịch như chống giặc".

Ông khẳng định, xã không thiếu phương tiện chống dịch, mà đó chỉ là khoảnh khắc vui của đội thanh niên chống dịch, đồng thời mong cộng đồng không nên suy xét nhiều khía cạnh khác nhau.

Bác sĩ Trùy. Ảnh: Người lao động

Về cái bắt tay với đồng nghiệp trong bức ảnh, ông Trùy chia sẻ trên báo Người lao động: "Lúc đó trên xe có 5 người, 1 nhân viên y tế và 4 thanh niên tình nguyện. Tôi chỉ biết động viên, bắt tay để truyền cho anh em động lực vào vùng dịch cùng ngành y tế, làm sao để chống dịch, dập dịch nhanh nhất".

Bác sĩ Trùy cũng cho biết, do quá bận công việc nên mãi đến trưa nay ông mới biết người được mình bắt tay là y sĩ ở trạm y tế xã Hồng Phong (Chương Mỹ). Hằng ngày hai người vẫn gặp nhau, nhưng hôm đó tất cả đều mặc quần áo bảo hộ nên rất khó nhận ra.

Vị bác sĩ cho hay, từ ngày 7/5 đến nay, ông và nhiều nhân viên y tế không được về thăm nhà, ông đành nén nỗi nhớ vào lòng để thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo báo Người lao động, người chụp các bức hình này là bà Nguyễn Thị Huế (nhân viên y tế khoa sản). Bà Huế cho hay, bức ảnh không phải do bà và những người làm công tác ở đây đăng lên mạng. Khi đó, có bạn phó bí thư đoàn xin ảnh lại và đến ngày hôm sau hình ảnh đó được lan truyền khắp trên mạng.

Kể về khoảnh khắc chụp bức ảnh, bà Huế nói với nguồn trên: "Tất cả đang hối hả mặc quần áo bảo hộ và chuẩn bị những gì cần thiết để vào khu vực có dịch, lúc tôi lên tầng 2 của trạm y tế, nhưng thấy hình ảnh bác trạm trưởng bắt tay một bạn, khoảnh khắc đó thật sự trân quý nên tôi cầm máy lên chụp vội".

"Thấy nhiều người ở trên bình luận nhưng không có thời gian vào xem vì bận, đến lúc thấy mọi người nói nên tranh thủ đi làm về lúc 2 giờ sáng mở ra để xem mọi người bình luận như thế nào? Tất cả những bình luận đều là để động viên mình.

(...) Sau khi hình ảnh được đăng lên mạng và nhiều người khen ngợi, tôi có cảm giác bồi hồi, xúc động và nghĩ quê mình chỉ có thế thôi", nguồn trên dẫn lời bà Huế.

Ảnh: Facebook

Trạm y tế xã Đồng Lạc. Ảnh: Người lao động

Tác giả: PV

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP