Xã hội

Phát hiện nhiều gốm sứ, tiền đồng cổ tại di tích đền Huyện

Ngày 14/12, Bảo tàng Hà Tĩnh và Tổ công tác Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành báo cáo bước đầu kết quả khai quật khảo cổ học tại Di tích Đền Huyện (Xuân Giang - Nghi Xuân).

Các mẫu hiện vật được phát hiện tại các hố khai quật

Di tích Đền Huyện Nghi Xuân, còn gọi là đền Tả Ao được khởi dựng từ thời Lý, là nơi thờ Minh Uy vương Lý Nhật Quang. Đền được xây dựng trên một gò đất cao bên hữu ngạn dòng Lam Giang, xưa thuộc xã Tả Ao, tổng Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, nay thuộc thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Được phép của Bộ VHTT&DL và sự đồng ý của Sở VHTT&DL Hà Tĩnh, Trường Đại học KHXH&NV cùng Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp khai quật di tích đền Huyện nhằm xác định phạm vi của di tích; thăm dò diễn biến địa tầng, tìm kiếm các di tích, di vật để trên cơ sở đó tìm hiểu niên đại, tính chất và diễn biến của di tích đền Huyện qua các thời kỳ.

Các chuyên gia tiến hành khai quật

Trong gần 15 ngày (từ 1 - 15/12), đoàn chuyên gia đã tiến hành triển khai 3 hố thăm dò, trong đó hố H1 cách Hậu Cung đền hiện nay khoảng 100m về phía Bắc có diện tích 30m2; hố khai quật số 2 (H2) hình chữ nhật, diện tích 44m2, cách Tiền Đường hiện tại khoảng 30m về phía Tây di tích; hố khai quật số 3 (H3) hình chữ L, diện tích 97m2.

Kết quả tại 3 hố khai quật đã phát hiện nhiều loại hình di vật gồm: vật liệu kiến trúc, gốm men, đồ sứ, đồ sành, gốm thô, tiền đồng... có niên đại từ thế kỷ I-II trước Công nguyên đến thế kỷ XVII-XVIII.

Sự xuất hiện của các loại gốm thô cho thấy, ngay từ những thế kỷ I-II trước Công nguyên nơi đây là điểm tụ cư của cư dân thời sơ sử. Những phát hiện này cung cấp những manh mối cho việc nghiên cứu giai đoạn tiền sơ sử khu vực Nghi Xuân, từ đó tìm hiểu và làm rõ đời sống văn hóa của các cư dân ở Xuân An, Bãi Cọi, đền Huyện và những thôn làng trù phú, nơi cư trú của các cộng đồng cư dân dọc bên hữu ngạn sông Lam thế kỷ I-II trước Công nguyên.

Những khám phá của khảo cổ học tại đền Huyện cho thấy đây là di tích từng tồn tại những công trình kiến trúc lớn mang dấu ấn kiến trúc chùa tháp dưới thời Trần và có tầm ảnh hưởng địa chính trị, địa kinh tế quan trọng của địa điểm này trong khu lưu vực sông Lam.

Thời gian tới, Bảo tàng Hà Tĩnh tiếp tục hợp tác với các chuyên gia khảo cổ học trong nước và quốc tế để thám sát, khai quật thăm dò nghiên cứu, làm rõ những bí mật về lịch sử cũng như giá trị văn hóa cổ tại di tích đền Huyện và tiến hành quy hoạch, lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTT&DL xem xét xếp hạng di tích quốc gia.

Các mẫu hiện vật, di vật văn hóa cổ được phát hiện tại các hố khai quật này đã được bàn giao cho Bảo tàng Hà Tĩnh lập hồ sơ chuyển vào kho bảo quản nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu.

Tác giả: Quang Sáng

Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP