Nhân ái

Phận đời góa phụ cao mét mốt bị gia đình chồng ghẻ lạnh, một nách nuôi 2 con thơ

Do hình hài thấp bé của mình nên mãi đến năm 31 tuổi, qua mai mối, chị Thắng mới kết hôn với người đàn ông bị chất độc màu da cam. Nhưng rồi, chồng sớm qua đời, bị gia đình chồng ghẻ lạnh, chị một nách hai đứa con thơ nương nhờ nhà người mẹ đẻ.

Số phận bất hạnh trên chính là của người góa phụ Phan Thị Thắng (43 tuổi, thôn Triều Long, ngụ xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).

Cuộc hôn nhân ngắn ngủi

Chị Thắng là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh chị em. Vì chiều cao khiêm tốn của mình (chị Thắng chỉ cao 1.1m), sức khỏe yếu, chị Thắng trở nên tự ti, mặc cảm. Khi bạn bè đồng lứa yên bề gia thất, chị trở thành gái quá lứa lỡ thì.

Năm 31 tuổi, qua mai mối, chị đồng ý nên nghĩa vợ chồng với người đàn ông kém hơn 2 tuổi, bị chất độc da cam ở làng bên. Ngày chị kết hôn, ai cũng mong hai số phận bất hạnh sẽ biết thương yêu nhau, tạo dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Vì ảnh hưởng chất độc da cam nên anh Đặng Đình Kỳ ốm yếu, chẳng làm được việc nặng, mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình dồn lên đôi vai thấp bé của người vợ. Hai cô con gái lần lượt chào đời khiến chị Thắng càng thêm vất vả.

4 năm trước, người chồng không may qua đời vì bệnh tật, để lại mình chị một nách hai đứa con thơ.

Sau khi chồng qua đời, chị Thắng tay không dắt hai con về nương nhờ nhà người mẹ đẻ

“Vì hoàn cảnh nghèo khó nên 4 người trong gia đình tôi vẫn ở chung cùng mẹ chồng và hai người em gái của chồng trong căn nhà chật chội. Chồng mất chưa được bao lâu thì hai người em gái chồng lần lượt kết hôn rồi đưa chồng về sống chung trong nhà.

Ngôi nhà vốn nhỏ hẹp giờ thêm hai thành viên nên càng thêm chật chội. Mâu thuẫn giữa chị dâu, em chồng bắt đầu phát sinh từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống. Họ chê tôi không sinh được con trai”, chị Thắng nhớ lại.

Chị Thắng thấp bé, chỉ cao một mét mốt, nặng 32kg

Khi mâu thuẫn không thể dung hòa, chị Thắng quyết định tay dắt tay bồng 2 đứa con thơ trở về nương nhờ nhà người mẹ đẻ.

Cũng đành rau cháo nuôi con

Tay không ôm con về nhà ngoại, với muôn vàn khó khăn trước mắt, không có nghề nghiệp, không ruộng đồng, sức khỏe yếu cũng phải bươn trải chạy ăn từng bữa, nhiều lúc chị Thắng nản lòng, muốn buông xuôi. Nhưng nghĩ đến phận hai đứa con, chúng đã sớm gánh bất hạnh vì mồ côi bố, chị lại gắng sống để làm chỗ dựa cho con, chăm sóc mẹ già.

Chị Thắng sức khỏe yếu nhưng là lao động duy nhất trong nhà, nuôi hai con nhỏ, phụng dưỡng mẹ già

Hàng ngày, đôi chân bé nhỏ của chị lặn lội khắp làng trên xóm dưới để làm thuê, ai thuê cuốc đất, cấy lúa chị đều nhận làm. Đến buổi về, chị còn tranh thủ ra đồng cắt cỏ cho con bò ăn, chăn nuôi thêm gà vịt.

Chị Thắng khoe: “Năm ngoái được chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ cho con bò để mẹ con có vốn sinh nhai. Tôi nuôi thêm vài chục con gà, vịt để thỉnh thoảng bán đi, kiếm tiền học cho hai đứa con”.

Con gái đầu của chị là Đặng Thị Hồng Hoa (10 tuổi) năm nay học lớp 5. Con gái út của chị là Đặng Thị Thùy Duyên (6 tuổi) học lớp 2. Dù sớm mồ côi bố nhưng hai đứa trẻ tỏ ra rất ngoan, học giỏi, lại siêng năng. Ngoài những ngày đi học, hai bé còn phụ giúp mẹ những công việc nhà.

“Chồng mất rồi, giờ niềm hi vọng tôi dành trọn cho hai đứa con. Vất vả, bươn trải nhiều nhưng khi nhìn thấy hai con lớn lên từng ngày, ngoan ngoãn, tôi cũng an ủi phần nào. Chỉ mong ông trời cho tôi thêm chút sức khỏe để chèo chống, rau cháo nuôi hai đứa con khôn lớn”, ôm hai con vào lòng, chị Thắng chia sẻ.

Căn nhà nơi mẹ con chị Thắng đang tá túc

Nói về gia đình chồng, chị Thắng cho biết, từ ngày ôm con bỏ về nhà ngoại, cứ đến giỗ chồng, tết đến, chị đều qua nhà chồng hương khói cho chồng. Những ngày cuối tuần, chị vẫn bảo hai đứa con sang nhà bà nội chơi.

Ông Nguyễn Ngọc Anh (trưởng thôn Triều Long) khi nói về hoàn cảnh của chị Thắng chia sẻ rằng: "Từ ngày ôm con về nhà mẹ đẻ, cuộc sống của mẹ con chị Thắng vô cùng khó khăn. Chị Thắng nhỏ bé, sức khỏe yếu nhưng lại là trụ cột trong gia đình, phụng dưỡng mẹ già, nuôi con thơ dại. Giờ ngay cả căn nhà nhỏ, mẹ con chị cũng chưa có để ở.

Vừa rồi, phía chính quyền địa phương hỗ trợ vốn, mua con bò giống nhằm tạo điều kiện cho mẹ con chị thoát nghèo. Đó cũng là chút động viên để mẹ con chị có động lực, vượt qua khó khăn”.

Tác giả: Trung Hiếu

Nguồn tin: emdep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP