Thế giới

Phản đối chính quyền quân sự, 11 nhà ngoại giao Myanmar không về nước

11 nhà ngoại giao của Myanmar ở Mỹ và Thụy Sĩ đã từ chối về nước và tuyên bố thành lập mặt trận thống nhất nhằm phản đối chính quyền quân sự sau cuộc đảo chính 4 tháng trước.

Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun (Ảnh: Reuters).

Trả lời Kyodo News, Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun cho biết, 11 nhà ngoại giao của nước này tại Mỹ và Thụy Sĩ đã quyết định sẽ không hồi hương và tìm cách ở lại đất nước họ đang làm nhiệm vụ để cùng lập nên một mặt trận thống nhất nhằm phản đối quân đội Myanmar.

Theo ông Kyaw Moe Tun, 11 người trên nằm trong danh sách 20 nhà ngoại giao tại 7 quốc gia đã tham gia phong trào bất tuân dân sự tại Myanmar.

Nhà ngoại giao trên cho hay, 4 nhà ngoại giao Myanmar ở Washington và 3 ở Los Angeles đang nộp đơn xin Mỹ cấp quy chế được bảo vệ tạm thời khi tình trạng cư trú theo diện ngoại giao của họ sắp kết thúc. Trong khi đó, 4 nhà ngoại giao ở Geneva cũng đang đề nghị chính quyền Thụy Sĩ cho phép họ ở lại quốc gia này.

Ông Kyaw Moe Tun cho biết, ông cũng sẽ tìm cách gia hạn thời gian lưu trú tại Mỹ với quy chế được bảo vệ tạm thời hoặc theo một số cách khác.

"Quân đội Myanmar đã cáo buộc tôi mắc tội phản quốc ... Vì vậy, tôi chắc chắn không thể quay trở lại", ông giải thích.

Hồi tháng 3, một tòa án ở Myanmar đã phát lệnh bắt giữ đối với ông Kyaw Moe Tun liên quan tới bài phát biểu của ông Kyaw tại Liên Hợp Quốc (New York, Mỹ) hôm 26/2 lên án cuộc đảo chính quân sự và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ nhất có thể để khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á.

Sau bài phát biểu, ông Kyaw đã bị chính quyền quân sự thông báo cách chức, nhưng ông vẫn nhận mình là đại diện của Myanmar tại Liên Hợp Quốc.

Căng thẳng tại Myanmar vẫn chưa giảm nhiệt. Hồi tháng 4, các nhóm đối lập quân đội Myanmar đã tuyên bố lập nên "chính phủ thống nhất quốc gia" với nòng cốt là các nghị sĩ bị lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 1/2, lãnh đạo phe biểu tình phản đối chính biến và các nhóm dân tộc thiểu số.

Hàng trăm nghìn người dân Myanmar đã xuống đường phản đối chính phủ quân sự sau khi quân đội nước này lật đổ chính phủ dân sự hôm 1/2 để giành quyền điều hành đất nước.

Một số nhóm dân quân đối lập đã được lập ra và mục tiêu của nhóm "chính phủ thống nhất quốc gia" là xây dựng lực lượng "quân đội liên bang". Giới quan sát cảnh báo, viễn cảnh Myanmar có thể xảy ra nội chiến toàn diện khi các diễn biến liên tục leo thang trong thời gian qua, với các cuộc giao tranh giữa quân đội Myanmar với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số và các nhóm dân quân phản đối đảo chính.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP