Pháp luật

PCT Hội nông dân xã nghỉ việc làm ô sin lương 2 triệu/tháng

Ngồi đối diện chúng tôi với tập đơn trên tay, cựu PCT Hội nông dân xã Châu Tiến khóc rất nhiều. Chị đã cắm sổ đỏ của mẹ để vay lấy hơn 130 triệu đồng nộp vào công ty...

photo1464586051465 1464586051574 14 0 351 660 crop 1464586184430 png
Chị Phùng Thị Thùy Dung chia sẻ với PV.
Nữ cán bộ xã "ôm hận" vì tin vào công ty XKLĐ

Khác với nhiều "nạn nhân" xuất khẩu lao động, chị Phùng Thị Thùy Dung (SN 1985, Châu Tiến, Quỳ Châu, Nghệ An) là cử nhân kinh tế, thông thạo 2 ngoại ngữ. Trước khi làm thủ tục đi XKLĐ, chị đang là Phó chủ tịch Hội nông dân xã Châu Tiến.

Gặp Dung trong hoàn cảnh hiện tại, ít ai nghĩ chị từng là một cán bộ nguồn của xã, là người được học hành đàng hoàng, có thể thông thạo tiếng Trung, tiếng Anh... Bởi hiện chị đang giúp việc trong một nhà hàng nhỏ với mức lương hơn 2 triệu đồng.

Số tiền đó chưa đủ nộp tiền lãi ngân hàng và gửi về quê nuôi hai đứa con nhỏ.

Gạt những giọt nước mắt, chị Dung uất ức kể lại hành trình khiến một cán bộ nguồn đầy năng nổ của một xã miền núi rơi vào thảm cảnh như hiện nay.

"Tháng 9/2015 có một anh đến xã em để xin chỉ tiêu đi xuất khẩu lao động. Em thấy đi Singapore cũng rẻ mà hợp lý nên quyết định sang đó làm việc khoảng 2 - 3 năm, kiếm ít vốn rồi về quê với chồng con. Ai ngờ...", chị Dung kể.

photo1464585569384 1464585569464
Sau nhiều lần nộp tiền, tổng cổng chị Dung đã nộp cho công ty cổ phần dịch vụ quốc tế Việt - Sing hơn 134.340.000 đồng.

Sau lần kết nối đó, đầu tháng 10/2015, chị Dung được anh này dẫn ra Công ty cổ phần dịch vụ quốc tế Việt - Sing (số 15 Trần Bình - Mỹ Đình - Hà Nội) để được tư vấn làm thủ tục đi Singapore.

"Hôm đó, chị Lê Thị Bình Phương, Phó giám đốc công ty đã gặp, tư vấn và gợi ý với em đi sang Singapore để làm massage. Em bảo em không có chuyên môn này, nhưng chị bảo sẽ được đào tạo, lương cao nên em đồng ý", chị Dung kể.

Ngay hôm ấy, chị Dung đã đóng cho công ty 5 triệu đồng tiền "phí tư vấn". Phía công ty hứa sẽ có người gọi điện để phỏng vấn chị Dung trong thời gian ngắn nhất.

"Sau đó, có một số điện thoại có đầu số nước ngoài, gọi cho em nói là để phỏng vấn tuyển dụng sang Singapore để làm việc. Họ phỏng vấn em bằng tiếng Trung", chị Dung kể.

Sau cuộc phỏng vấn này, bà Lê Thị Bình Phương và nhân viên công ty Việt - Sing liên tục gọi điện cho Dung để hối thúc việc nộp tiền phí đi XKLĐ sang Singapore . Mặc dù chưa ký kết bất kỳ hợp đồng nào với công ty nhưng trong tháng 10, chị Dung đã thêm 2 lần nộp, chuyển tiền cho công ty này.

Đó là vào ngày 23/10 nộp 10 triệu đồng tiền "Phí tư vấn visa" và 25 triệu đồng ngày 27/10/2015. Sau đó, ngày 5/11/2015, chị Dung nộp cho bà Lê Thị Bình Phương 94.340.000 đồng tiền "phí tư vấn xin visa Singapore ".

Cùng ngày, hai bên lập "Hợp đồng dịch vụ về việc tư vấn và hỗ trợ xin thị thực tại Singapore" giữa công ty cổ phần dịch vụ quốc tế Việt - Sing và chị Phùng Thị Thùy Dung.

Đồng thời, bà Lê Thị Bình Phương viết 1 bản cam kết với nội dung: "Đến ngày 12/11/2015, ứng viên Phùng Thị Thùy Dung sẽ bay sang Singapore làm việc theo như hợp đồng dịch vụ đã ký giữa hai bên. Nếu đến ngày 12/11/2015, mà ứng viên không đi được thì công ty sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà ứng viên Phùng Thị Thùy Dung đã đóng cho công ty".

"Mày ngon tao bán nhà chơi với mày đến cùng"

Thấy cam kết của phía công ty, nữ cán bộ xã mừng vui sắp đến ngày xuất ngoại, nên về xin nghỉ việc ở UBND xã Châu Tiến trước sự ngỡ ngàng, tiếc nuối của nhiều người.

Tuy nhiên, đến ngày 12/11/2015, chị Dung vẫn không nhận được thông báo nào từ phía công ty về việc xuất ngoại sang Singapore .

"Chờ mãi không thấy, em gọi điện cho chị Phương thì chị ấy bảo có chút trục trặc, sẽ có lịch bay sau", chị Dung nói.

Chờ thêm mấy ngày nữa vẫn chưa thấy phản hồi từ công ty Việt - Sing, sự háo sức, vui mừng của nữ cán bộ này chuyển sang lo lắng, bất an. Vì để có được số tiền 134 triệu đồng nộp cho công ty, chị Dung đã phải cầm cố sổ đỏ của mẹ ruột để vay ngân hàng.

photo1464585937118 1464585937185
Chị Dung và những tờ giấy hẹn mà phía công ty đã hẹn sẽ trả tiền. Nhưng 6 tháng trôi qua, số giấy hẹn cứ nhiều lên nhưng công ty vẫn không chịu trả tiền cho chị.

Sau nhiều lần chị Dung thắc mắc, đến ngày 3/12/2015, bà Lê Thị Bình Phương lập giấy hẹn với nội dung, chậm nhất đến ngày 11/12/2015, chị Dung sẽ nhận được visa đi Singapore như hợp đồng đã ký. Nếu đến ngày trên, công ty không cấp được visa cho chị Dung thì sẽ hoàn trả số tiền 134.340.000 đã nhận của chị Dung.

Thấy việc làm ăn của công ty có dấu hiệu bất minh, chị Dung muốn rút lại số tiền đã nộp. Ngày 23/12/2015, bà Lê Kim Oanh (chị bà Phương), Giám đốc công ty Việt - Sing đã có giấy hẹn với chị Dung.

Nội dung giấy hẹn lần này cũng giống như giấy hẹn mà bà Phương đã viết hai lần trước đó. Lần này, bà Oanh hẹn đến ngày 6/1/2016, chị Dung sẽ nhận được visa, nếu không sẽ hoàn lại số tiền chị Dung đã nộp.

Sau nhiều lần như vậy, chị Dung quyết định sẽ rút lại số tiền đã nộp để về trả ngân hàng, nhưng phía công ty Việt - Sing không đồng ý.

Đặc biệt, bà Lê Kim Oanh, Giám đốc công ty Việt - Sing đã có những lời lẽ rất chợ búa với chị Dung khi người này đòi tiền. Theo băng ghi âm cuộc gọi giữa chị Dung và vị giám đốc này, bà Oanh lớn giọng chửi: "Đ.M mày, tao sẵn sàng bán cả nhà để chơi với mày đến cùng. Mày muốn lấy lại tiền thì ra công an mà lấy".

Sau nhiều lần lấy tiền không được, chị Dung đã làm đơn gửi công an phường Mỹ Đình 1, công an quận Nam Từ Liêm để trình báo sự việc.

Trao đổi với PV, ông Dũng, cán bộ điều tra Đội Điều tra tổng hợp (công an quận Nam Từ Liêm), người trực tiếp thụ lý vụ việc này cho biết, sau khi nhận được đơn trình báo của chị Phùng Thị Thùy Dung, cơ quan công an đang xác minh, làm rõ vụ việc.

Công an đã mời các bên lên làm việc. Vị này tiết lộ thêm, ngoài chị Dung, còn nhiều lao động khác cũng làm đơn trình báo về việc công ty cổ phần dịch vụ quốc tế Việt - Sing nhận tiền nhưng không đưa người lao động đi nước ngoài.

"Chúng tôi đang xem xét, làm rõ xem đây là vụ việc hình sự hay dân sự. Nếu hình sự chúng tôi sẽ điều tra làm rõ, còn nếu dân sự sẽ hướng dẫn nguyên đơn giải quyết vụ việc", ông Dũng nói.

Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi gọi điện cho bà Phương để xác minh nhưng điện thoại người này không liên lạc được, đến văn phòng theo địa chỉ ghi trên hợp đồng (số 15 Trần Bình - Mỹ Đình - Hà Nội) thì không còn công ty Việt - Sing ở đấy.

PV gọi điện cho bà Lê Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty Việt - Sing, khi chúng tôi xưng danh là phóng viên thì ngay lập tức người này ngắt lời và nói:

"Tôi không việc gì phải trả lời anh cả. Anh ở báo nào tôi không quan tâm" rồi cúp máy.

Tác giả bài viết: Hà Khê

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP