Xe

Ôtô nhập khẩu nguy cơ hết cửa về Việt Nam

Quy định mới của chính phủ về giấy uỷ quyền triệu hồi từ chính hãng hay cam kết hỗ trợ linh kiện sẽ gây khó cho xe nhập khẩu.

Chính phủ mới đây ban hành Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Nghị định này được coi là câu trả lời cho những thắc mắc của giới kinh doanh ôtô từ sau khi Thông tư 20/2011 hết hiệu lực từ tháng 7/2016.

Bên cạnh những quy định được cho là chặt chẽ và cần thiết về bảo dưỡng, bảo hành, nhà xưởng, máy móc để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thì Nghị định này còn có những nội dung mà theo giới chuyên gia là hạn chế tối đa xe nhập khẩu cả mới và cũ. Nhập khẩu chính hãng, nhập khẩu không chính hãng hay cả hãng sản xuất, lắp ráp sẽ phải thay đổi để phù hợp với quy định này.

1. Nhập khẩu chính hãng

Nghị định viết, để được kinh doanh ôtô nhập khẩu kinh doanh, doanh nghiệp phải đáp ứng hai điều kiện: (1) có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đúng chuẩn thuộc sở hữu, của đại lý trong hệ thống hoặc đi thuê; (2) có văn bản xác nhận doanh nghiệp được quyền thay mặt hãng ở nước ngoài thực hiện việc triệu hồi xe tại Việt Nam.

Xe nhập chính hãng gặp khó ở Giấy chứng nhận chất lượng.

Với các nhà nhập khẩu chính hãng thì hai điều kiện này không khó khăn. Những nhà phân phối xe sang như Lexus, Audi, Porsche, Volvo... có nguồn đầu tư lớn, phải đảm bảo điều kiện nhà xưởng thì chính hãng mới cấp quyền kinh doanh, do vậy cũng nhận luôn trách nhiệm triệu hồi khi xe xảy ra sự cố.

Tuy vậy, khó khăn đến trong khâu thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm sản phẩm. Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng ban kế hoạch chiến lược Toyota Việt Nam, quy định này có thể gây khó bởi lẽ trên thế giới giấy chứng nhận chất lượng thường được cấp cho xe bán nội địa chứ không cấp cho xe xuất khẩu. Quy định ở Việt Nam cũng vậy, Cục đăng kiểm chỉ cấp giấy cho xe bán tại Việt Nam.

Hơn nữa, có nhiều nước cơ quan thẩm quyền không cấp loại giấy này. Lấy ví dụ châu Âu có cấp nhưng Mỹ thì không. Ở Mỹ, doanh nghiệp tự kiểm tra chất lượng kiểu loại ô tô, chính phủ chỉ làm công việc hậu kiểm.

Khó khăn thêm đến từ việc kiểm định theo lô đối với xe nhập khẩu chưa qua sử dụng. Trước đây, một doanh nghiệp về nhiều lô, ví dụ Lexus RX350 đời 2017 thì chỉ cần thử nghiệm xe ở lô đầu. Nhưng với quy định mới thì mọi lô xe về đều phải lấy một xe thử nghiệm, dù các xe giống hệt nhau.

Nếu đầu tháng 10 về một lô Audi Q5, cuối tháng 10 về tiếp một lô Audi Q5 nữa, các xe giống hệt nhau về thông số kỹ thuật nhưng vẫn phải kiểm định cả hai lô. Với thời gian chờ đợi kiểm định, chạy kiểm tra khí thải 3.000 km, thời gian chờ đợi có thể lên tới 2 tháng, ảnh hưởng tới việc giao xe cho khách hàng. Chi phí mỗi lần thử nghiệm doanh nghiệp phải trả lên tới 100 triệu, chưa kể chi phí lưu kho, tất cả sẽ cộng vào giá khi bán ra cho khách.

2. Nhập khẩu không chính hãng

Nhập khẩu không chính hãng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số lượng đông đảo. Các chính sách mới thường ảnh hưởng lớn nhất đến bộ phận này. Ở Nghị định 116/2017, chuyên gia cho rằng, không còn "khe" nào để lách, các showroom xe nhập có thể phải đóng cửa.

Showroom không chính hãng đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Trước hết, các doanh nghiệp này quy mô nhỏ, thường chỉ có showroom chứ không có cơ cở bảo dưỡng, sửa chữa đủ tiêu chuẩn. Khó khăn này có thể giải quyết bằng một hợp đồng thuê lại cơ sở bảo dưỡng. Nhưng những trở ngại khác thì "hết cách".

Đó là giấy xác nhận của hãng xe ở nước ngoài về việc triệu hồi xe nhập khẩu ở Việt Nam. Các nhà nhập khẩu mua xe từ một đại lý hoặc công ty phân phối nhỏ lẻ ở nước ngoài, nên không thể có được loại giấy này do chính hãng cấp. Tức, giấy uỷ quyền triệu hồi chỉ dành cho nhập khẩu chính hãng.

Chưa hết, để kinh doanh cơ sở bảo hành, bảo dưỡng cho ô tô nhập khẩu, doanh nghiệp phải có giấy cam kết của hãng xe nước ngoài về việc hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp linh, phụ kiện cho showroom này.

"Việc này là không thể. Lexus sẽ chỉ cam kết cung cấp phụ kiện cho Lexus Việt Nam chứ không thể cung cấp cho một showroom X, Y, Z nào đó nhan nhản trên đường Hà Nội", chuyên gia phân tích.

Các showroom này cũng chịu kiểm soát bởi các quy định về kiểm định theo lô, thậm chí với xe cũ nhập khẩu là kiểm định từng xe.

3. Các hãng lắp ráp

Nghị định mới cũng có thêm phần quy định cho hãng lắp ráp, sản xuất trong nước là phải có đường thử xe dài 800 m. Hiện ít hãng tại Việt Nam đáp ứng được điều này. Muốn vậy, hãng cần đầu tư mở rộng đường thử. Quy định này hợp lý với xu hướng chung của các nhà sản xuất ô tô trên thế giới.

Các hãng lắp ráp, sản xuất có 18 tháng để chuẩn bị, trong khi các nhà nhập khẩu chỉ còn hơn 3 tháng trước vì hiệu lực bắt đầu ngay từ 1/2018. Khoảng thời gian này được coi là quá ngắn nếu muốn có những thay đổi lớn như phân tích ở trên.

Cánh cửa gần như đang đóng lại với các nhà nhập khẩu xe không chính hãng tại Việt Nam. Dưới ảnh hưởng của Nghị định 116/2017, thị trường ô tô Việt Nam sẽ sớm tinh giảm số lượng và sắp xếp gọn gàng, với các hãng thuộc VAMA, các nhà nhập khẩu chính hãng.

Tác giả: Đức Huy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP